Đánh giá chất lượng giáo dục

NGUYỄN HOÀNG 21/03/2004 02:03 GMT+7

TTCN - Quốc hội yêu cầu Chính phủ và Bộ Giáo dục - Đào tạo phải báo cáo những đánh giá bước đầu về chất lượng giáo dục và cải cách giáo dục hiện nay vào cuối năm này. Trước yêu cầu ấy, Bộ GD-ĐT đã xin hoãn đến kỳ họp năm sau vì lý do “vẫn chưa thống nhất được tiêu chí và phương pháp đánh giá”. vì sao? Cần làm gì?

Phóng to
Bàn tay hỗ trợ
TTCN - Quốc hội yêu cầu Chính phủ và Bộ Giáo dục - Đào tạo phải báo cáo những đánh giá bước đầu về chất lượng giáo dục và cải cách giáo dục hiện nay vào cuối năm này. Trước yêu cầu ấy, Bộ GD-ĐT đã xin hoãn đến kỳ họp năm sau vì lý do “vẫn chưa thống nhất được tiêu chí và phương pháp đánh giá”. vì sao? Cần làm gì?

Ý kiến trên của Bộ GD-ĐT gợi cho chúng ta một cảm nhận về sự quá tải trong quản lý giáo dục theo hướng tập trung hóa. Việc bao quát hệ thống mục tiêu đào tạo cụ thể của tất cả các bậc học, của tất cả trường học và nhờ vậy mới có thể xác lập những tiêu chí đánh giá cụ thể về chất lượng giáo dục nước nhà có thể là hiện thực? Rõ ràng đây là một cách làm bao cấp và tập trung dẫn đến quá tải trong công việc của các cơ quan quản lý giáo dục.

Sự quá tải này còn được thể hiện ở những phương diện khác như việc trì hoãn kế hoạch thực hiện đại trà chương trình và sách giáo khoa THPT, không đáp ứng đủ những yêu cầu tối thiểu về trang thiết bị dạy học và cơ sở vật chất để đảm bảo tốt việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa tiểu học và trung học cơ sở...

Mặt khác, ý kiến trên của Bộ GD-ĐT cũng gợi cho chúng ta một cảm nhận về tính thiếu định hướng trong quản lý giáo dục ở cấp vĩ mô. Trong đánh giá, xác định tiêu chí và phương pháp đánh giá phù hợp là việc làm quan trọng nhất và phải được xác định ngay từ khi quá trình giáo dục và cải cách giáo dục bắt đầu được triển khai chứ không phải đợi đến khi thực hiện việc đánh giá mới làm. Bởi lẽ các tiêu chí này chính là hệ thống các mục tiêu giáo dục cụ thể và điều kiện bảo đảm thực hiện các mục tiêu ấy ở từng bậc học, từng trường học. Chất lượng giáo dục là chất lượng thực hiện các mục tiêu giáo dục (Lê Đức Phúc - Viện KHGD). Chất lượng đào tạo được đánh giá qua mức độ đạt được mục tiêu đào tạo đã đề ra đối với một chương trình đào tạo (Lê Đức Ngọc, Lâm Quang Thiệp - ĐHQG Hà Nội).

Nghiên cứu khoa học công phu, chứ không là điều tra xã hội

Đánh giá chất lượng giáo dục ở cấp vĩ mô chỉ thật sự có kết quả khi nó được thực hiện thấu đáo và đặc biệt dựa trên những đánh giá chất lượng thường xuyên đáng tin cậy của các cơ sở giáo dục ở cấp vi mô. Thấu đáo ở đây có nghĩa là thiết kế được một cơ chế và lộ trình quản lý việc đánh giá chất lượng đào tạo ở các cơ sở để có thể nắm bắt được chất lượng thật sự của nền giáo dục nước nhà.

Thấu đáo ở đây là đánh giá chất lượng giáo dục và cải cách giáo dục phải được thực hiện trên một hệ thống các chỉ số giáo dục bao gồm không chỉ những chỉ số về đầu ra (thành tích học tập) mà quan trọng hơn nhiều là loại chỉ số về quá trình, trong cả bốn lĩnh vực: dạy và học, quản lý giáo dục, nghiên cứu phát triển chương trình, nghiên cứu phát triển hệ thống tư vấn nhà trường. Thế nhưng, trên thực tế, việc đánh giá chất lượng giáo dục lâu nay ở nước ta chủ yếu tập trung vào đánh giá kết quả học tập, mà việc đánh giá này còn thiên về thành tích, thậm chí “chưa chuẩn xác”.

Có nhiều lý do cho thực trạng này. Thứ nhất là những năng lực đánh giá chưa thật sự được đào tạo trong đội ngũ giảng dạy cũng như quản lý giáo dục. Thứ hai là quan niệm về chức năng của đánh giá trong giáo dục chưa được xác lập một cách khoa học và nhân bản: chức năng tư vấn và dự báo phát triển. Thứ ba là chưa xây dựng được những cơ chế thích hợp để đánh giá chất lượng giáo dục. Thứ tư là phương pháp, qui trình và công cụ đo lường còn đơn điệu, nặng kinh nghiệm chủ nghĩa. Cụ thể, trong lĩnh vực học tập, việc cho điểm học sinh được xem là đánh giá kết quả học tập. Trong lĩnh vực quản lý, việc tổng kết công tác, báo cáo thành tích được đánh đồng với đánh giá chất lượng của chương trình giáo dục.

Với những hạn chế như vừa nêu trên, chúng tôi nghĩ rằng chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy một năm, Bộ GD-ĐT khó có thể thực hiện được một báo cáo chất lượng giáo dục của quốc gia, bởi vì một báo cáo như thế phải là kết quả của một quá trình nghiên cứu khoa học công phu, chứ không đơn giản là kết quả của một cuộc điều tra xã hội trong giáo dục. Do vậy, cần xác lập một vài nội dung trọng điểm để đánh giá thay vì đánh giá chất lượng giáo dục và cải cách giáo dục nói chung. Những trọng điểm này là những khâu quan yếu và quyết định việc tạo nên hiệu quả và nền tảng vững chắc cho quá trình đổi mới giáo dục nước nhà. Chúng tôi đề nghị hai trọng điểm nên tập trung đánh giá:

Các chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên

Chất lượng của chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên (GV) là một nhân tố quyết định trong quá trình cải cách giáo dục, bởi vì “không có hệ thống giáo dục nào vượt quá tầm những GV làm việc cho nó”.

Muốn tiến trình cải cách giáo dục đạt tính thực tiễn và hiệu quả, điều đặt ra một cách cấp thiết đối với các nhà quản lý là hiểu biết đầy đủ quá trình này, trong đó yếu tố trước hết là đội ngũ GV. Mặt khác, về thực tế, trong vài năm gần đây bên cạnh việc đào tạo GV hệ chính qui đều đặn từ nhiều chục năm qua, chủ trương của Bộ GD-ĐT về việc chuẩn hóa trình độ đội ngũ GV đương nhiệm thuộc các cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đã thúc đẩy qui mô đào tạo hệ ngoài chính qui của các trường đại học và cao đẳng sư phạm phát triển nhanh chóng. Ở đây đã nảy sinh mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa qui mô và số lượng người học với chất lượng đào tạo.

Nhiều nhà quản lý giáo dục có nhiệm vụ sử dụng đội ngũ GV lo âu rằng năm bảy năm tới đây chúng ta sẽ có hàng nghìn thầy cô giáo cử nhân nhưng trình độ và năng lực của phần lớn trong số họ chắc sẽ chẳng khác mấy so với bây giờ. Trước thực tế đó nhà sư phạm nào có trách nhiệm với xã hội cũng băn khoăn tự hỏi rằng không biết các nhà cải cách giáo dục đã có thể nắm được một cách cụ thể và hệ thống chất lượng của các chương trình đào tạo GV chưa? Các nhà cải cách cấp vĩ mô đã có những thông tin gì về chất lượng của người được đào tạo, về năng lực đội ngũ nhà đào tạo GV, và những điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo như qui mô lớp học, trang thiết bị học tập, phương pháp dạy học và đánh giá... Dường như chúng ta đang thực hiện việc đào tạo nâng cấp trình độ đội ngũ GV theo kiểu “anh hô thì tôi ứng, anh cần học thì tôi dạy, anh cần bằng thì tôi cấp”, còn học ra sao với chất lượng thế nào thì hạ hồi sẽ biết.

“Chất lượng đào tạo được đánh giá qua mức độ đạt được mục tiêu đào tạo đã đề ra đối với một chương trình đào tạo”.

Do vậy, nên khẩn cấp và tập trung đánh giá các chương trình đào tạo GV để có giải pháp điều chỉnh kịp thời quá trình đào tạo GV hiện nay. Phương thức đánh giá từ bên trong nội bộ của trường, của Bộ GD-ĐT, và đánh giá từ bên ngoài qua đánh giá ngang cấp bởi một đoàn đánh giá với những thành viên có chuyên môn cao (bao gồm cả các chuyên gia đánh giá nước ngoài) có thể giúp nhà quản lý nắm được chất lượng thật sự của các chương trình đào tạo và bồi dưỡng GV.

Chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới

Những kết quả bước đầu của tiến trình triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở tiểu học cũng như ở THCS còn chưa được khẳng định đã thấy có dư luận về sự quá tải, về tính chất khoa cử vẫn hiện hữu, về tình hình bất cập giữa nội dung chương trình, định hướng đổi mới phương pháp dạy học với các điều kiện vật chất và nguồn lực bảo đảm việc thực hiện hiệu quả các định hướng ấy. Lối làm “bình mới rượu cũ“ được nói đến trong cách biên soạn một số sách hướng dẫn giảng dạy (viết theo kiểu cầm tay chỉ việc, bày sẵn, hay đơn điệu về phương pháp, hạn chế trong việc mở rộng kiến thức và tầm nhìn cho GV...).

Cũng có dư luận về lối làm việc theo kiểu “bình mới rượu cũ”, trong một số chương trình bồi dưỡng và tập huấn GV như GV được nghe giới thiệu mục tiêu, cấu tạo nội dung môn học là chính. Phương pháp, kỹ thuật dạy học thì được giới thiệu một cách chung chung, đại khái, còn thiết bị dạy học thì không thấy đâu. Văn bản chương trình toàn môn học hay cấp học thì không được phát, người GV chỉ biết nội dung của cấp lớp mình dạy qua sách giáo khoa mà không có cái nhìn toàn cục về chương trình. Phần lớn thời gian tập huấn thay sách dành cho việc “tự nghiên cứu” theo nhóm lớn 20-30 người: tìm hiểu bài dạy được phân công và tham khảo sách GV để soạn giáo án rồi trình bày trước lớp.

Nói cách khác, cái phao chủ yếu nhất để người GV có thể dựa vào đó mà thực hiện được chương trình và các bài dạy trong sách giáo khoa là sách GV. Liệu cách bồi dưỡng như vậy có thể giúp GV có được năng lực để đáp ứng trọng tâm của cải cách giáo dục lần này là đổi mới phương pháp dạy học?

Do vậy, cần tập trung sức lực và trí tuệ vào việc đánh giá một cách khoa học và thực chất chất lượng của chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới trong giai đoạn thử nghiệm và những năm đầu triển khai đại trà. Có được các kết quả đánh giá đáng tin cậy ấy mới có thể khẳng định điều cải cách giáo dục đã làm được, củng cố niềm tin của xã hội với nền giáo dục nước nhà, đề ra những kế hoạch cải thiện và quyết định về giáo dục một cách phù hợp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận