Ghen thật: Đánh ghen ầm ĩ, được gì?
Mới đây, các mẹ "bỉm sữa" được phen hóng "drama" vụ đánh ghen, người vợ bắt tại trận khi chồng và người thứ ba "gian gian díu díu mập mờ".
Clip đăng tải khiến nhiều người không khỏi xót xa cho người vợ khi hạnh phúc gia đình không trọn vẹn, phải tận mắt chứng kiến chồng bên người phụ nữ khác.
Nhưng cũng không ít người bày tỏ phẫn nộ khi những hình ảnh "trần trụi" được truyền tải trên mạng xã hội.
Không ai biết câu chuyện phía sau sự đổ vỡ của gia đình ấy. Nhưng sự hiếu kỳ của cộng đồng mạng tìm kiếm, chia sẻ, đồn đoán về kẻ thứ ba được đăng tải chi tiết.
Việc đánh ghen lâu nay không hiếm, nhưng với sự phát triển của mạng xã hội hiện nay, mỗi vụ đánh ghen khi được đưa lên mạng đã tạo nên nhiều hệ lụy.
Chị Nguyệt (35 tuổi, Hà Nội) bày tỏ: "Mỗi lần có clip đánh ghen, các chị em lại đua nhau chia sẻ, nhắn tin trong nhóm chat để hóng "drama". Thực ra, việc xuất hiện người thứ ba chẳng gia đình nào muốn. Nhưng thực sự việc đăng clip lên mạng xã hội có đáng hay không?
Có thể lúc đó người vợ xả được cơn tức giận, làm người chồng, người thứ ba bẽ mặt. Nhưng nếu con cái thấy được hình ảnh của cha mình trên mạng xã hội như vậy, liệu con có bị tổn thương, liệu bạn bè của con có biết và trêu chọc? Đứa trẻ ấy sẽ phải đối diện với sự việc ra sao? Đó là điều tôi băn khoăn.
Bởi vậy, người vợ nên sáng suốt hơn trong những tình huống này. Thực tế, không ít những vụ việc đánh ghen gây thương tích đã bị xử lý hình sự".
Còn chị Lan (38 tuổi, Hà Nội) cũng không ủng hộ việc đăng tải những clip đánh ghen, bắt ghen lên mạng xã hội. Cũng từng đổ vỡ trong hôn nhân khi xuất hiện người thứ ba, nhưng thay vì đánh ghen, chị lại bình tĩnh xử lý chuyện gia đình "đóng cửa bảo nhau".
Chị Lan kể lại sau khi kết hôn được 5 năm, tình cảm hai vợ chồng bắt đầu lạnh nhạt dần. Đặc biệt, từ khi chị sinh con gái đầu lòng, thời gian hầu hết dành cho con nên ít quan tâm đến chồng.
"Cho đến một ngày, tôi thấy tin nhắn trên điện thoại của chồng và người phụ nữ khác. Lúc ấy, tôi cũng nghĩ sẽ đến "dằn mặt" cô gái kia, tránh xa gia đình của tôi. Thế nhưng, suy cho cùng, nếu chồng tôi không đồng ý với mối quan hệ ấy, thì chẳng người phụ nữ nào có thể xen vào gia đình tôi.
Tôi chọn cách nói chuyện với chồng, nghiêm túc nói về việc chồng phản bội. Chồng tôi cũng xin lỗi, cũng hứa hẹn,… Vì để giữ cho gia đình yên ấm, tôi đã chấp nhận bỏ qua. Tôi hẹn cả cô gái kia và chồng ngồi nói chuyện, để cô gái ấy biết và rút lui khỏi mối quan hệ ba người.
Gia đình trở về yên bình được một thời gian thì tôi lại phát hiện chồng có người phụ nữ khác, mà không phải cô gái trước kia. Nhận ra bản tính chồng không thể thay đổi, tôi nhất quyết ly hôn. Nếu chọn đánh ghen, chẳng lẽ suốt ngày tôi phải đến gặp những người phụ nữ khác", chị Lan nói.
Ghen "ảo": Có thể mắc bệnh lý
Nhưng ngược lại, phụ nữ cũng lại có thể tự rơi vào "bẫy" của chính mình, kéo theo tình trạng nghiêm trọng của sức khỏe nếu không lưu tâm đúng mức.
Mới đây, một người phụ nữ 48 tuổi (trú tại Hà Nội) phải nhập bệnh viện tâm thần điều trị rối loạn hoang tưởng kéo dài do ghen tuông. Chị luôn nghĩ chồng ngoại tình với tình đầu, ngoại tình với đồng nghiệp, mặc dù chồng và con đều khẳng định không có chuyện đó.
Ban đầu, chị kiểm soát chồng qua điện thoại, đọc tin nhắn,… Sau đó, mức độ ghen tuông nặng dần lên, chỉ một tin nhắn của chồng với đồng nghiệp, chị cũng đến tận công ty để đánh ghen.
Không dừng lại ở đó, chị bắt đầu nổi nóng vô cớ, tự hại bản thân, thậm chí dọa giết cả nhà vì không tin lời chị nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoa - phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khỏe tâm thần, hoang tưởng ghen tuông là một trong những chứng rối loạn hoang tưởng.
"Rối loạn hoang tưởng là những suy nghĩ, phán đoán sai lầm, không phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Trong đó, hoang tưởng ghen tuông là khi người bệnh tin rằng vợ/chồng hoặc người yêu không chung thủy, thường được giải thích hoang tưởng về "bằng chứng" (ví dụ quần áo xộc xệch, vết bẩn trên drap giường). Với những trường hợp như vậy, tấn công vật lý có thể là một mối nguy hiểm đáng kể", bác sĩ Hoa cho hay.
Bác sĩ Hoa cho biết thêm những người mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng có biểu hiện mất lòng tin và nghi ngờ đối với người khác cũng như động cơ của họ. Biểu hiện này kéo dài và tăng lên theo thời gian.
Bởi vậy, khi nhận thấy vợ/chồng mình có biểu hiện ghen tuông thái quá, tăng dần theo thời gian dù thực tế không có người thứ ba, thì nên đưa đối phương đến chuyên khoa sức khỏe tâm thần để được thăm khám, đánh giá và điều trị sớm.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng quan trọng như chăm sóc sức khỏe thể chất. Giữ cho trái tim khỏe không chỉ chăm lo cho phần nhịp tim, huyết áp..., mà còn là một trái tim bình an, trong đó yêu cũng bình an thay vì gánh lấy nhiều bất an.
Mời bạn đọc cùng chia sẻ thêm những cách giữ cho "trái tim khỏe" - nhất là khi ở những mối quan hệ bắt đầu lệch pha - ở phần bình luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận