Chị bảo hôm nay trước khi ra tòa, chị hỏi con có muốn về ở với ba không thì đứa trẻ lắc đầu nguây nguẩy, bảo rằng nó không muốn xa mẹ, mỗi lần nhắc đến ba nó đều lảng tránh. Sau khi ly hôn, họ lại đưa nhau ra tòa để giải quyết tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Mỗi người một đầu băng ghế, suốt phiên tòa chẳng ai quay sang nhìn ai. Nếu không theo dõi từ đầu, có lẽ chẳng ai nghĩ rằng họ từng là vợ chồng, có với nhau một con trai lên 6 tuổi. Giữa họ bây giờ là một khoảng cách vời vợi.
Vợ chồng anh chị ly hôn từ năm 2013. Đứa trẻ được giao cho chị trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng, mỗi tháng anh cấp dưỡng 1,6 triệu đồng.
Năm 2015, anh làm đơn ra tòa xin được nuôi con, không yêu cầu cấp dưỡng vì cho rằng chị đi làm xa bỏ bê con cái, anh đến thăm con thì bị chị ngăn cản, không cho cha con anh gặp nhau.
Xét xử sơ thẩm, TAND Q.Tân Bình tuyên giao đứa trẻ cho anh chăm sóc. Không đồng ý giao con, chị kháng cáo.
Trước tòa, anh “tố” chị thường xuyên thay đổi chỗ ở, khi tìm đến địa chỉ chị cho thì chị đã đem con đến ở nơi khác, đến trường tìm con thì cô giáo nói cháu đã nghỉ học.
Chị phản bác: “Năm thì mười họa anh ta mới hỏi đến con một lần, nếu thật sự quan tâm đến con thì anh ta đã biết mẹ con tôi sống ở đâu. Thậm chí đến tiền cấp dưỡng nuôi con anh ta cũng không đóng đầy đủ. Tôi nào có ngăn cản cha con anh ta gặp nhau, nhưng thứ bảy, chủ nhật anh ta không đến thăm con, anh ta bảo thứ hai đến thăm con, con tôi còn phải đi học, thế là anh ta bảo tôi ngăn cản. Nhưng cũng chỉ có lần đấy”.
Chị nghẹn ngào giơ ra bằng chứng là những tin nhắn đòi thăm con của anh: “Anh ta không nói chuyện đàng hoàng mà chửi mắng tôi thế này thế khác”.
Rồi chị bảo đứa trẻ đang sống với chị rất tốt. Gia đình anh không hòa thuận, suốt ngày đánh chửi nhau ầm ĩ, đây cũng là một trong những lý do khiến chị và anh không thể tiếp tục chung sống, con chị không thể phát triển bình thường nếu ở với anh.
Anh tố lại: “Tôi vẫn đóng tiền cấp dưỡng nuôi con, nhưng cô ta không cho tôi thăm con nên tôi không đóng nữa. Cô ta là tiếp viên hàng không, hay phải đi làm xa nay đây mai đó, có tháng mang con ra tận Hà Nội. Tôi nhắn tin hỏi địa chỉ thì cô ta bảo ra Hà Nội đi rồi cô ta sẽ cung cấp. Có lần cô ta còn giao con cho người giúp việc đem về quê chơi, tôi không yên tâm”.
Chị vội vàng lục tung chiếc túi xách lấy một cọc giấy tờ trình lên cho tòa rằng từ khi ly hôn, chị đã xin cơ quan cho bay những chuyến bay quốc nội hoặc quốc tế ngắn, đi về trong ngày vì còn nuôi con nhỏ, chị vẫn đảm bảo thời gian chăm sóc con. Chị kể rằng 29 tuổi chị mới lập gia đình, mới có một mụn con để hủ hỉ...
Chủ tọa phân tích: “Tòa hiểu nỗi lòng của anh chị, ai cũng yêu thương, cũng muốn được gần gũi chăm sóc con, nhưng dù ai là người được quyền trực tiếp nuôi con đi nữa thì anh chị hãy nghĩ đến lợi ích, dành điều tốt nhất cho đứa trẻ”.
Tòa bác kháng cáo của chị, tuyên quyền nuôi con thuộc về anh. Anh vui mừng xách cặp ra về trước, chị lững thững bước ra sau, vừa đi vừa chấm những giọt nước mắt chực rơi xuống. Đã hết phiên xử từ lâu, nhưng chị vẫn còn bần thần ngồi lại trên chiếc ghế đá trước sân tòa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận