Hoàng Thùy Linh (giữa), Thanh Lam (bìa phải) và Tùng Dương trong MV Đánh đố
Nghe Đánh đố lần một, ta thấy... đánh đố quá! Đúng vậy, Hoàng Thùy Linh và êkip thực hiện một ca khúc thoạt nhìn tưởng như không thể hiểu được với những hình ảnh rối rắm và hỗn độn không theo một mạch truyện kể nào như phần lớn các MV âm nhạc hiện nay.
Phần âm thanh điện tử dẫn dắt cũng cố tình gây nhiễu loạn để mang lại cảm giác ong ong trong đầu, thêm cả sự kết hợp của những trường phái ca hát gần như tương phản: giọng ca của Thanh Lam và Tùng Dương dù đã phần nào bị làm mờ bởi autotune nhưng vẫn lộng lẫy một cách rất cổ điển, giọng ca của Linh được cố tình giảm âm lượng và hát theo lối thầm thì kiểu lo-fi phòng ngủ.
MV 'Đánh đố' - Nguồn: Hoàng Thùy Linh
Nhưng có thể êkip của Linh đã để "chìa khóa" sẵn ở đó, trong câu "Bản đồ từ Đông sang Tây, mà trật tự đầu em cứ xoay" do Tùng Dương thể hiện.
Nếu nghe kỹ phần rap của Hoàng Thùy Linh ngay sau đó, những người hâm mộ của Haruki Murakami hẳn thấy quen. "Em là nàng thơ trong đêm thâu / Tỉnh giấc thèm một chiếc bánh dâu / Anh đang miệt mài nơi công xưởng / Bỏ hết đuổi theo những nhiệm màu / Rồi khi anh tức tốc chạy đến, em bảo em có cần nữa đâu?".
Câu chuyện chiếc bánh dâu tây này có thể ở đâu khác ngoài đoạn thoại kinh điển của Midori trong tuyệt tác về tình yêu và tuổi trẻ - tiểu thuyết Rừng Na Uy?
Hết Murakami, đoạn rap tiếp theo lại gợi ta nhớ tới Đông Tà Tây Độc của đạo diễn Vương Gia Vệ. "Em chính là em mối tình đầu, anh chu du trời nao, không biết / Túy sinh mộng tử, một hớp sầu, em gửi đến anh từ thơ ấu / Uống vào và hãy quên em mau! Anh uống, ký ức chẳng nhạt màu".
Chi tiết vò rượu túy sinh mộng tử xóa tan hồi ức là chi tiết đắt giá nhất trong tuyến truyện tình của nhân vật Âu Dương Phong và người chị dâu. Họ cũng là thanh mai trúc mã, Âu Dương Phong cũng chu du, chàng cũng cố quên nàng mà nào có được.
Một trong những người soạn lời ca khúc là nhà văn kiêm biên kịch Nguyễn Khắc Ngân Vi, nên có lẽ sự liên hệ này cũng là cố ý.
Điều đặc biệt là cả Murakami và Vương Gia Vệ đều là những tác giả "đi dây" giữa ranh giới Đông - Tây, những câu chuyện của họ tuy đặt vào bối cảnh Á Đông nhưng lại thuộc về dòng văn chương, điện ảnh "toàn cầu hóa".
Nói rằng êkip của Linh tham vọng toàn cầu thì không phải, nhưng trộn lẫn những biến số văn hóa đa nguồn gốc thì có lẽ.
Đây dường như cũng là sự khác biệt lớn nhất so với đỉnh cao âm nhạc dân gian đương đại trong quá khứ, từ thời Trần Tiến, Phó Đức Phương đến khi chính Thanh Lam, Tùng Dương và cả Ngọc Khuê hát những ca khúc của Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Minh Sơn.
Các nghệ sĩ tham gia MV Đánh đố
Đó là thời mà dân gian đương đại diễn ra tự nhiên như hơi thở, vẫn gần với phong cảnh nông thôn, người nghe cũng không thấy các nghệ sĩ đang cố gánh gồng sứ mệnh gì to tát như bảo tồn văn hóa; thứ âm nhạc ấy ra đời vì nó phải là như thế thôi, quan trọng là nó rất đẹp rất thơ.
Còn đến khi Hoàng Thùy Linh chọn dùng chất liệu dân gian đưa vào nhạc pop của mình, chất thành thị đã thay thế chất làng quê, ta cũng cảm thấy những sản phẩm của cô nghiêng về một chiến lược nhiều hơn là một điều tự nhiên từ tâm hồn âm nhạc.
Với sự can thiệp sâu sắc của branding (thương hiệu), dường như hình tượng của Hoàng Thùy Linh như nghệ sĩ trẻ bảo vệ văn hóa dân gian, một hình mẫu cho nền công nghiệp âm nhạc đang thành hình đã được tính toán từ đầu.
Trên tư cách người hâm mộ Murakami hay Vương Gia Vệ - những người vừa "toàn cầu hóa" vừa rất mực riêng tư, ta sẽ cảm thấy đâu đó còn chưa mượt mà trong Đánh đố.
Sự hỗn loạn của nó tuy có chủ đích nhưng lại chưa đủ quyến rũ, rất điên rồ nhưng lại chưa đủ sâu kín và bí mật.
Dù vậy chắc chắn Hoàng Thùy Linh và êkip của cô đã làm MV này với tâm tư rộng mở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận