NSƯT Thanh Tuấn trong vở Đường gươm Nguyên Bá - Ảnh: LINH ĐOAN
Tôi thương bài vọng cổ nên từng chữ, từng lời tôi nâng niu, trau chuốt để bản thân mình cảm thấy đã khi hát và truyền thật nhiều cảm xúc đến người nghe!
Nghệ sĩ Thanh Tuấn
Nói là khách mời, nhưng "quyền lực" của ông không hề là... khách!
Giám khảo Thanh Tuấn có quyền chọn thêm một thí sinh ông đánh giá cao để đưa thẳng vào vòng chung kết xếp hạng. Ở vòng này, ông tiếp tục là giám khảo chính bên cạnh NSND Bạch Tuyết và NSƯT Minh Vương.
Không phải đơn giản ban tổ chức giải trao cho ông "quyền hành" như thế. Bởi với mấy chục năm kinh nghiệm trong nghề, bởi giọng ca đã được tôn vinh vào hàng danh ca, bởi người trong nghề công nhận ông là người khởi xướng trường phái ca vọng cổ theo kiểu của Thanh Tuấn - bấy nhiêu đủ tạo niềm tin vào con mắt nhìn ra tài năng ở ông.
Nghệ sĩ Thanh Tuấn là một anh kép có giọng ca quá đặc biệt. Trong các giọng ca nam thì anh là người luyến láy hay nhất. Giọng anh trong, cao, điêu luyện. Rất hiếm và gần như không có nghệ sĩ nào có được làn hơi như anh
NSƯT Thanh Kim Huệ
Chàng trai đất Quảng mê ca cổ
Nghệ sĩ Thanh Tuấn tên thật là Nguyễn Thanh Liêm, sinh năm 1950 tại Đức Phổ, Quảng Ngãi. Vùng đất miền Trung nổi tiếng với điệu bài chòi, tuồng... nhưng nhà Thanh Liêm cứ mở radio là nghe cải lương suốt, rồi người bà con nhà đối diện có cái máy hát đĩa cứ bật hoài mấy tuồng có nghệ sĩ Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Thành Được. Nghe riết, cậu bé đâm mê mẩn.
Hồi năm 1954, ba Thanh Liêm tập kết ra Bắc. Má ở nhà gồng gánh nuôi con nhỏ. Đất miền Trung cằn cỗi, nghèo thiệt là nghèo, má dắt em nhỏ vô Sài Gòn kiếm kế sinh nhai.
Thanh Liêm mới 10 tuổi mà ở một mình trong căn nhà tại vùng quê xa lắc. Bà chị lấy chồng xa, lâu lâu mới về một lần.
Ngày nào Liêm cũng tự mò cua bắt ốc tìm cái ăn. Sáng dậy thiệt sớm, nấu cơm bỏ vô lon ghi-gô rồi đi bộ 4 - 5 cây số tới trường học.
Mùa mưa bão, tối ngủ giữa khuya thấy mắc tiểu, thò chân xuống giật mình vì nước đã ngập lấp xấp đivăng.
Vơ đại cái nón tơi úp lên đầu rồi leo lên ngọn cây mít ở gần cửa sổ. Cậu bé co ro trên đó suốt đêm mưa gió mịt mùng, chờ thuyền cứu nạn...
Bao đêm như thế, lại nhớ mẹ nhớ em, một bữa Thanh Liêm đánh bạo theo người lớn trong xóm lội bộ mấy cây số ra đường lớn đón xe vô Sài Gòn.
Vô tới bến xe ở Sài Gòn, Thanh Liêm đưa cho chú xích lô tờ giấy nhàu nát và nói chắc: "Chú chở tui tới địa chỉ này rồi má tui trả tiền!". Má con gặp nhau trong nước mắt mừng tủi.
Má đi giúp việc nhà, còn Thanh Liêm xin vô làm ở tiệm thuốc bắc. Có được chút tiền, cậu mua tập giấy in những bài cải lương.
Rồi rảnh lúc nào lại bật radio nghe, đài phát bài nào là mở sách dò bài bản mà hát theo. Mê cải lương quá mà sáng làm ở tiệm thuốc bắc, chiều Thanh Liêm đi học ca ở lò thầy Út Trọn (không phải thầy Út Trong - thầy của NSƯT Thanh Nga như một số báo nhầm lẫn).
Người ta học cả năm trời mà Thanh Liêm chỉ học ba tháng là rành rẽ hết 3 Nam, 6 Bắc. Giọng miền Trung hơi cứng nên chẳng lẽ cứ "eng cơm, tét đèn, lòm sô..." (ăn cơm, tắt đèn, làm sao) thì hát vọng cổ sao ngọt được, nên Thanh Liêm rề rề ngồi nghe giọng Sài Gòn rồi sửa miết. Hết ba tháng học, thầy Út Trọn trố mắt: "Mày giỏi quá Liêm, hát được 80% giọng Nam rồi đó!".
Học cơ bản xong, Thanh Liêm qua thầy Bảy Trạch (bạn đồng môn với NSƯT Minh Vương) học tiếp ca - diễn. Vừa học, thầy cho đi thực tập ca quán, rồi sau đó thầy giới thiệu theo đoàn Bạch Liên Hoa, một bước Thanh Liêm nhảy lên hàng kép chánh với vai Minh trong vở Tướng cướp Bạch Hải Đường.
"Gia tài" đồ sộ
Thời hoàng kim ông thâu cả 500, 600 bài, trong đó có nhiều bài, tuồng tích mà tới nay người mộ điệu vẫn đòi ông hát hoài như Người câu bóng trăng, Khói sóng tiêu tương, Đường gươm Nguyên Bá, Tây Thi, Người tình trên chiến trận, Xuân này con không về, Nhớ Nha Trang, Chuyến xe Tây Ninh, Dòng sông quê em...
Sau này còn có các vở như Tìm lại cuộc đời, Khúc ly hương, Ánh lửa rừng khuya, Khách sạn hào hoa...
Khai phá cách ca vọng cổ mới
Từ đoàn hát ban đầu, Thanh Liêm trải qua nhiều gánh hát, từ nhỏ tới đại bang như Thủ Đô Hương Hoa Lan, Minh Cảnh, Hương Mùa Thu, Kim Chung... và có cơ hội hát với những cô đào tên tuổi như NSND Lệ Thủy, NSƯT Mỹ Châu, Phượng Liên, NSƯT Thanh Kim Huệ...
Qua ba lần đổi nghệ danh từ Thanh Liêm tới Hoài Trúc Linh, cuối cùng anh kép trẻ định hình với nghệ danh Thanh Tuấn do soạn giả Thu An (trưởng đoàn Hương Mùa Thu) chọn.
Thanh Tuấn tâm sự ông mê bài vọng cổ lắm. Ca lên thấy đã mà đứt ruột. Cách hát cũng không gò bó, thả sức cho nghệ sĩ tự do sáng tạo.
Thanh Tuấn nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần những giọng ca hay như NSND Út Trà Ôn, danh ca Minh Cảnh, Tấn Tài...
Nghe rồi thấy cái nào lạ, hay thì học hỏi. Ông chú trọng từng chữ, từng cung bậc trong bài, chuốt đi chuốt lại tới chừng nào nghe đã, ưng ý mới thôi.
Nghe Thanh Tuấn ca, người ta có thể thấy bóng dáng của những hơi ca nổi tiếng nhưng khó nói cụ thể là ai.
Bởi ông biết cách kế thừa và biến thành nét riêng của mình. Giọng của ông dày, vang, những dấu sắc, huyền, nặng... được chuốt rất độc đáo, xuống trầm không bị mờ mà lên cao bén ngọt.
Đặc biệt, cách rung, ngân, nhấn chữ của ông trở thành "huyền thoại" mà nhiều giọng ca cổ sau này bị ảnh hưởng.
Nghe là biết kiểu ca theo trường phái Thanh Tuấn không lẫn đâu được. Chính cách ca độc đáo đó khiến các hãng đĩa thi nhau mời Thanh Tuấn thâu băng vào cuối những năm 1960, đầu 1970. Một ngày chỉ thâu hai bài mà ông kiếm cả cây vàng.
Bản tính người miền Trung cần cù, chịu khó nên dù đã khẳng định được cách ca riêng, đến nay Thanh Tuấn vẫn tiếp tục nghiên cứu cách luyến láy, nhấn nhá để câu vọng cổ của mình có độ bay bổng, lạng lách điệu nghệ, không gây nhàm chán.
"Tôi không muốn nói những lời khen lấy lòng"
Trong những nam nghệ sĩ cùng thời, có Thanh Tuấn và Minh Vương vẫn đang hoạt động đều đặn.
Ông xúc động cho biết nhờ khán giả thương nên mùa nắng cũng cỡ 15-20 ngày được mời đi sô. Đi đâu trong thành phố, ông cũng tự chạy xe máy, thoải mái và không phiền hà ai.
Các cuộc thi đờn ca tài tử, cải lương uy tín như Bông lúa vàng, Chuông vàng vọng cổ vẫn tín nhiệm mời Thanh Tuấn vào ghế giám khảo.
Và ấn tượng về ông vẫn là cách nhận xét thẳng thắn, thẳng tới mức có khi làm thí sinh hơi bị... đau lòng!
Tôi chỉ muốn các cháu nhận thấy rõ cái thiếu hụt của mình để chỉnh sửa. Tôi xem lời góp ý của mình như chút hành trang gửi trao cho các cháu nếu muốn theo nghề hát. Ở vị trí giám khảo, tôi không muốn nói những lời khen lấy lòng, những lời khen quá lố với những tính từ tuyệt đối. Nói vậy tôi mắc cỡ lắm và vô tình còn làm hại, khiến các cháu ảo tưởng về mình!
Nghệ sĩ Thanh Tuấn
Một ngày không đi diễn của nghệ sĩ Thanh Tuấn giờ nhẹ nhàng lắm. Sáng ông đọc báo, uống cà phê tại nhà. 1 - 2 tuần lại gặp gỡ anh em nghệ sĩ đoàn Kim Chung cũ như Minh Vương, Thanh Phú... cà phê nói chuyện đời, chuyện nghề.
Đi hát với ông giờ chủ yếu là vui bởi không có sô chừng một tuần, 10 ngày là ông lại thấy buồn, thấy nhớ, lại tụ họp anh em nghệ sĩ hát với nhau cho đã.
Không một người con nào của Thanh Tuấn theo nghề hát, nhưng ông không lấy làm buồn vì: "Tổ cho nhiêu mình nhận bấy nhiêu. Quan trọng là các con tôi đều khỏe mạnh, thành đạt và thương yêu cha mẹ, với tôi ở tuổi này là hạnh phúc lắm rồi!".
NSƯT Thanh Tuấn - Ảnh: GIA TIẾN
Sáng tác trên 80 bài ca cổ
Nghệ sĩ Thanh Tuấn còn được biết đến với khả năng sáng tác. Tính tới nay, ông đã sáng tác được 2 tuồng cải lương và trên 80 bài ca cổ. Ông thu 3 album những bài do mình sáng tác, trong đó có những bài phổ biến như Thương quá mẹ ơi, Giấc ngủ đầu nôi, Hát nữa đi em, Cắt nửa vầng trăng...
Lớp sau Thanh Tuấn, có rất nhiều nghệ sĩ ảnh hưởng theo trường phái ca của ông như Tuấn Thanh, Minh Tiến, Ngân Giang, Chiêu Tuấn, Ngân Tuấn, Lương Tuấn, Vũ Tuấn, Cảnh Tuấn, Trung Tuấn... Chuông vàng vọng cổ năm 2010 Bùi Trung Đẳng cũng được cho là có cách ca ảnh hưởng nghệ sĩ Thanh Tuấn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận