Kỳ 1: Kỳ 2:
Phóng to |
Giống như Sinatra, Fontane là một ca sĩ thường hát những bản tình ca êm nhẹ rất được đám con gái tuổi ô mai ngưỡng mộ hồi thập niên 1940. Fontane tìm kiếm sự giúp đỡ của bố già nhằm giành một vai diễn trong bộ phim sắp quay, một cơ hội mà Fontane cho rằng sẽ cứu vãn sự nghiệp của anh ta.
“Một đề nghị không thể từ chối”!
Người xem phim Bố già hầu như đều cho rằng khi xây dựng tình tiết này trong tiểu thuyết, Puzo dựa trên một sự thật là Sinatra đã cố gắng giành được vai Maggio trong bộ phim Từ nơi này đến vĩnh cửu trong thời điểm mà sự nghiệp của ông ta đang sa sút (Sinatra đã đoạt giải Oscar vai phụ xuất sắc năm 1954 cho vai diễn này).
Khi dư luận về sự tương đồng giữa Sinatra với nhân vật Fontane trong tiểu thuyết Bố già trở nên xôn xao, nhà văn Mario Puzo tỏ ra rất kín tiếng, thậm chí có lần còn nói rằng nhân vật Johnny Fontane được xây dựng không phải dựa trên cơ sở hình mẫu của danh ca Sinatra. Tuy nhiên, thật khó mà phủ nhận được những tình tiết hết sức tương đồng giữa nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết này với đời thực của một trong những ca sĩ danh tiếng nhất nước Mỹ.
Trong rất nhiều dịp, các phương tiện truyền thông đại chúng Mỹ đã bóng gió đến mối liên hệ giữa ông hoàng của những bản tình ca Sinatra với các bố già mafia và nhân vật tiểu thuyết của Puzo dường như đã ủng hộ giả thiết này. Trong nhiều năm trời, mối dây liên hệ giữa người ca sĩ tài danh với thế giới ngầm đã được chứng minh khá rõ qua nhiều tài liệu, vậy nhưng có lẽ Sinatra bất thần nổi giận chỉ vì có vẻ như nhân vật Johnny Fontane không giống với ông ta cho lắm!
Trong Bố già phần 1 còn có một nhân vật là nhà sản xuất phim tên Jack Woltz (do diễn viên John Marley thủ vai) đã từ chối không cho Johnny Fontane một vai diễn trong bộ phim sắp quay rất phù hợp với anh ta. Bố già Corleone bèn cử một thủ hạ thân tín bậc nhất của mình là Tom Haghen với tư cách là phái viên tới gặp để thuyết phục Woltz thay đổi ý định.
Thế nhưng khi biết Tom Haghen đại diện cho ai, nhà sản xuất phim bỗng nhiên nổi khùng lên và tung ra hàng loạt lời thóa mạ không những nhằm vào gia đình Corleone mà còn vào cả cộng đồng người Ý. Haghen không hề tức giận, hắn ta chỉ lặng lẽ quay đi. Sáng hôm sau Woltz thức dậy, thấy cả người mình lẫn chăn trên giường đầy máu. Ông ta lật chăn lên thì thấy đầu con ngựa đua có tên Khartoum mà ông ta vô cùng yêu quý đã bị cắt lìa đặt ở đó. Chỉ vài giờ sau, Fontane được nhận vai diễn.
Rất nhiều người hâm mộ phim Bố già cho rằng Woltz chính là nhân vật hư cấu của người đứng đầu Hãng phim Columbia là Harry Cohn, rằng các ông trùm đã gây sức ép để buộc Cohn phải dành vai diễn Maggio trong phim Từ nơi này đến vĩnh cửu cho danh ca Sinatra.
Thật ra các ông trùm mafia đã can thiệp vào cuộc sống của Sinatra từ sớm hơn rất nhiều, ngay trong giai đoạn Sinatra mới khởi nghiệp, khi ông ta gặp rắc rối với một tay trùm ban nhạc tên Tommy Dorsey.
Do quá nôn nóng muốn được mọi người biết đến, chàng ca sĩ 24 tuổi Sinatra đã rời khỏi ban nhạc cũ và ký một hợp đồng với ban nhạc kèn trombone của Tommy Dorsey.
Tham vọng quá lớn đã khiến Sinatra không còn tỉnh táo nữa khi đồng ý ký một hợp đồng với Dorsey có những điều khoản quá nghiệt ngã. Suốt đời, cứ mỗi lần hát với ban nhạc của Dorsey, Sinatra sẽ phải trả cho người đứng đầu ban nhạc một phần ba số tiền thu được, đồng thời phải trả thêm 10% số còn lại cho người đại diện của Dorsey. Nhờ Dorsey mà tiếng tăm Sinatra bắt đầu lan rộng, nhưng tất cả nhanh chóng nhận ra rằng mọi người trả tiền để nghe Sinatra hát chứ không phải là cho ban nhạc.
Vào năm 1943, Sinatra cố gắng mua lại hợp đồng của mình bằng cách trả cho Dorsey 60.000 USD để hai bên chấm dứt quan hệ, thế nhưng Dorsey thẳng thừng từ chối. Dorsey biết quá rõ rằng giọng hát Sinatra có giá hơn nhiều và anh ta không muốn bán đi con gà đẻ trứng vàng của mình. Thế là một hôm, Dorsey bất chợt phải tiếp đón ba vị khách không mời trong bộ dạng rất bảnh bao, mà theo mô tả của J.Randy Taraborrelli, người viết tiểu sử cho Sinatra, là các vị khách này “nói huỵch toẹt ra với Dorsey, hoặc là đồng ý ký thỏa thuận hủy hợp đồng, hoặc thích kiểu gì cũng chiều!”.
Ông trùm khu vực New Jersey là Willie Morreti luôn là một tín đồ mê giọng hát của ông hoàng những bản tình ca và đã ra tay để giải quyết rắc rối cho thần tượng của mình. Có tin đồn cho rằng đích thân Morretti là một trong ba vị khách bất ngờ viếng thăm Dorsey và là người đã khai sinh thuật ngữ nổi tiếng “một đề nghị không thể từ chối”, bằng cách nhét nòng khẩu súng ngắn của ông ta vào miệng tay thổi kèn trombone. Dorsey nhanh chóng hiểu ra cần phải làm gì: hợp đồng với Sinatra được giải phóng với giá 1 đôla!
Sát thủ đến từ Cuba
Còn nhiều nhân vật khác trong loạt phim Bố già đều có những nét rất tương đồng với các tay gangster ngoài đời.
Trong Bố già phần 2, người xem thấy sự xuất hiện của Hyman Roth, một ông trùm gangster kiểu cũ muốn kiểm soát các sòng bạc ở Cuba thời kỳ trước Fidel Castro. Roth trước hết và luôn là một gã doanh nhân không khoan nhượng, người luôn chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để có thể kiếm được những khoản tiền bự nhét vào túi lão. Khi chính quyền độc tài ở Cuba bị những người cộng sản đánh đổ, các ông trùm buộc phải chạy khỏi Cuba và Roth dạt sang ẩn náu ở Israel, nhưng bị Chính phủ Israel gửi trả về Mỹ.
Roth rõ ràng được xây dựng dựa trên nguyên mẫu của tay gangster huyền thoại Meyer Lansky, người mà ông trùm Lucky Luciano đã chuyển giao lại quyền điều hành đế chế tội ác ở Hoa Kỳ khi tên này buộc phải dạt về Ý. Chính hai gã gangster đầu sỏ này là những người đã tạo ra một thế giới tội ác có tổ chức hùng mạnh trên toàn nước Mỹ với hi vọng sẽ vượt qua được những tranh cãi lặt vặt giữa các tổ chức tủn mủn, riêng rẽ.
Trong những năm 1920, Lansky cặp đôi với Bugsy Siegel, vốn được coi như là gã chuyên thực hiện các hoạt động bạo lực cho Lansky. Trong những năm 1930, Lansky có lẽ là người đứng đằng sau điều hành công ty sát thủ, gồm một nhóm những tên sát thủ máu lạnh chuyên thực hiện các hợp đồng giết thuê do giới tội phạm có tổ chức yêu cầu. Công ty sát thủ được cho là phải chịu trách nhiệm về khoảng 500 vụ giết người! Với những tay chân như thế nên ít có kẻ nào dám thách thức quyền lực của Lansky, mà trớ trêu thay, thường được gọi là “gã đàn ông bé nhỏ”.
Trong những năm 1950, Lansky duy trì mối quan hệ chặt chẽ với nhà độc tài Cuba Fulgencio Batista và điều hành các sòng bạc tại đây, giống như nhân vật Roth đã làm trong Bố già phần 2. Cuộc cách mạng do Fidel Castro lãnh đạo đã phá vỡ kế hoạch của Lansky đúng như những gì mà bộ phim thể hiện.
Trong phim, Roth đã dạt sang Israel nhằm tận dụng luật hồi hương của nước này, theo đó bất kỳ ai có mẹ là người Do Thái sẽ được nhận tư cách công dân. Tuy vậy, Chính phủ Israel đã từ chối yêu cầu cấp quyền công dân của Roth và gửi hắn ta về Mỹ, nơi hắn sẽ bị bắt giữ.
Tương tự, Lansky cũng phải đối mặt với nhà chức trách Israel, chỉ có điều là những phiền phức đó xảy ra vào quãng thời gian đầu những năm 1970. Sau khi công chuyện làm ăn ở Cuba bị đổ bể hồi những năm 1950, Lansky tiếp tục làm công việc kiếm tiền để đảm bảo tài chính cho thế giới ngầm. Việc kiếm được quá nhiều tiền cho thế giới ngầm khiến gã hầu như được miễn nhiễm, thoát khỏi những vụ thanh trừng lẫn nhau giữa các ông trùm gangster khác. Gã là một nhân vật hầu như khó có thể thay thế trong việc vận hành cỗ máy làm ra lợi nhuận trong thế giới ngầm.
Gã thích nấp trong bóng tối để cho những tên đồng bọn người Sicily ưa hào nhoáng chường mặt ra qua những dòng tít đậm ở các trang báo.
__________
“Những nụ tầm xuân bị vùi dập” Bộ Công an mới đây đã công bố mỗi năm có đến hơn 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục. Con số về những bé gái chưa kịp lớn - những nụ tầm xuân còn chưa nở bị vùi dập ấy làm nhiều người thảng thốt. Nhưng phía sau mỗi số phận này còn biết bao góc khuất, bao điều ẩn ức chìm trôi theo suốt phần đời còn lại của các em... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận