Phóng to |
Hiện trường một vụ đánh bom xe tại Iraq ngày 15-1 - Ảnh: Reuters |
Tại thành phố Baquba - thủ phủ tỉnh Diyala, một vụ tấn công nhắm vào người dân đi dự tang lễ của một quân nhân dòng Sunni ủng hộ chính phủ khiến 16 người thiệt mạng.
Cùng thời điểm trên, thủ đô Baghdad gần đó rung chuyển khi 7 quả bom cài trên xe ở các địa điểm trong nội ô đồng loạt phát nổ khiến ít nhất 25 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương. Các khu vực bị đánh bom tại thủ đô tập trung cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite sinh sống. Truyền thông quốc tế nhận định hôm nay là ngày đẫm máu nhất tại Iraq kể từ đầu năm.
Loạt tấn công diễn ra trong bối cảnh các tay súng thuộc Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Sham” (ISIL) có liên kết với al-Qaeda đánh bật quân chính phủ ra vùng ngoại ô và chiếm đóng hai thành phố Fallujah và Ramadi “sát sườn” Baghdad. Ramadi đến nay đã về lại tay chính phủ, còn tại Fallujah hai bên vẫn đang giao chiến.
Tình hình bạo lực gia tăng tại Iraq mà căn nguyên vẫn là xung đột giữa cộng đồng Hồi giáo Sunni và Shiite đang gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, trong năm 2013 đã có 7.818 thường dân và 1.050 thành viên của lực lượng an ninh (cảnh sát, binh sĩ) thiệt mạng bởi các cuộc tấn công, đánh bom trên cả nước.
Hôm 13-1, Tổng thư ký LHQ Ban-Ki-moon kêu gọi thủ tướng Nouri al-Maliki giải quyết triệt để “gốc rễ vấn đề” (ám chỉ xung mâu thuẫn Sunni-Shiite) bằng cách tổ chức các cuộc “đối thoại toàn diện” để tạo sự gắn kết về chính trị và xã hội. Tuy nhiên, ông Maliki bác bỏ khuyến nghị trên khi cho rằng xung đột tại Fallujah và Ramadi không dính dáng đến mâu thuẫn sắc tộc. “Đối thoại với ai? - với al-Qaeda sao? - Chúng tôi không đối thoại mà sẽ kết liễu chúng” - thủ tướng Maliki nói với BBC.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận