Xem toàn văn báo cáo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng TẠI ĐÂY
Phóng to |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc quốc hội sáng 21-10 - Ảnh: Việt Dũng |
Nợ xấu còn cao
Thủ tướng Chính phủ cho biết dự báo tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm 2013 đạt khoảng 7% (kế hoạch khoảng 8%). Tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng nhanh, đạt mức khoảng 12 tuần nhập khẩu, tăng từ 6 tuần nhập khẩu vào cuối năm 2010 lên 6,5 tuần vào cuối năm 2011 và khoảng 12 tuần vào cuối năm 2012 và 2013.
Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bên cạnh kết quả đạt được, kinh tế - xã hội vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Cụ thể như sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Nợ xấu còn cao (đến cuối tháng 8-2013, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,64%). Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Tăng trưởng GDP chưa đạt kế hoạch (5,4% so với kế hoạch 5,5%).
Trong số các nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ có việc nhận thức trên một số vấn đề về chủ trương, quan điểm đã được đề ra vẫn còn khác nhau dẫn đến đổi mới thể chế, chính sách còn ngập ngừng, thiếu nhất quán, nhất là về vai trò của nhà nước và kinh tế nhà nước trong kinh tế thị trường, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, sở hữu và quyền sử dụng đất đai, giá cả một số mặt hàng và dịch vụ công thiết yếu… chưa tạo được đột phá để huy động mạnh mọi nguồn lực cho phát triển.
Nâng thu nhập bình quân đầu người lên 2.300 USD
Chính phủ đề ra mục tiêu năm 2014 tập trung cao cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời tranh thủ thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013.
Hai năm 2014 và 2015 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6%/năm. GDP bình quân đầu người khoảng 2.200 - 2.300 USD vào năm 2015. Giá tiêu dùng tăng khoảng 7%/năm.
Về các giải pháp cho thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét chấp thuận mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 - 2014 là 5,3% GDP, từ năm 2015 sẽ điều chỉnh giảm dần.
Thủ tướng khẳng định dành bội chi ngân sách cho đầu tư phát triển và trả nợ. Bảo đảm tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ năm 2014 không thấp hơn năm 2013 để thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược và phục hồi tăng trưởng. Phát hành thêm trái phiếu Chính phủ trong trần nợ công cho phép (65% GDP). Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm trong giới hạn an toàn.
Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết sẽ sử dụng cổ tức từ các doanh nghiệp có cổ phần nhà nước chưa giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn (SCIC) để bổ sung vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trong 2 năm 2013 - 2014.
Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự thảo Luật việc làm.
"Kinh tế trong nước chậm lại trong khi một số nước đã có cải thiện" Một số ý kiến cho rằng, kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1-2 năm tới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011-2013 dự kiến sẽ chỉ đạt 5,6%/năm, là mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5-7%). Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại thì một số nước trong khu vực ASEAN đã có sự cải thiện rõ rệt. Cụ thể, theo số liệu thống kê mới đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thì ngoài Việt Nam chỉ có Brunei (từ 3,4% năm 2011 xuống 0,9% năm 2012) và Singapore (từ 5,2% năm 2011 xuống 1,3% năm 2012) là có sự sụt giảm mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Một số nước có chuyển biến khá tích cực như: Myanmar (tăng từ 5,6% năm 2011 lên 7,6% năm 2012), Campuchia (tăng từ mức 7,1% năm 2011 lên 7,3% năm 2012)… (Nguồn: Báo cáo của Ủy ban kinh tế do Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu trình bày tại phiên khai mạc) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận