25/09/2017 11:12 GMT+7

Đánh banh ta - lông không còn manh giáp

LÊ MINH QUỐC
LÊ MINH QUỐC

TTO - Đọc ca dao miền Nam, có những lúc tủm tỉm cười, rồi giật mình...

Đánh banh ta - lông không còn manh giáp - Ảnh 1.

Có thằng chồng say như trong chay ngoài bội

Ngó vô nhà như cái hội Tần vương!

"Ớ này, thế hội Tần vương là cái hội gì?". Đọc Đại Nam quấc âm tự vị (1895) mới biết thuở ấy, ở vùng đất phương Nam đã có câu thành ngữ "Đông như hội Tần vương" và giải thích: "Hiểu là một hội rất đông. Có kẻ hiểu là hội vua Tần Thỉ Hoàng ở bên Trung Quốc; có kẻ hiểu là hội nhóm thiên hạ tại Đế Thiên, Đế Thích cũng kêu là hội vua Tần".

Hiểu nôm na rằng, nếu sử dụng ngôn ngữ "thời thượng" hiện tại, ắt giới trẻ nói ngay: "Đông như quân Nguyên" - một cách liên hệ với trang sử oanh liệt đời nhà Trần đã ba lần đánh bọn giặc phương Bắc tan tành xác pháo, đánh banh ta-lông đến không còn manh giáp… Xin dừng lại một chút, cụm từ "banh ta-lông" này rất ư lý thú, cần vòng vo một chút vậy.

Banh trong tiếng Việt được hiểu là mở rộng ra, mở bét ra, mở ra chành bành, phành ra; là làm bung ra, banh chành, làm tanh banh đến hết cỡ thợ mộc, đến tan tành xí quách mới thôi. 

Một khi "banh" đi chung với "ta-lông" (talon: mép lốp xe đạp, là dây triền ôm chặt vỏ vào bánh xe; gót (chân, giày)… mượn từ tiếng Pháp để trở thành "banh ta-lông", lập tức trong quan hệ "Việt-Pháp giao duyên", nó trở nên rất ư duyên dáng.

Vâng, rất ư duyên dáng.

Sực nhớ bài chòi Quảng Nam cũng đáo để không kém. Bài chòi có cả thẩy 30 con bài được xếp thành 3 pho: Văn, Vạn, Sách. Ba con còn lại xếp thành 3 cặp yêu: cặp Ông ầm, cặp Thái tử, cặp Bạch tuyết. Ta hãy lưu ý đến con Bạch huê trong pho Vạn, dân gian miêu tả khéo lắm:

"Hoa phi đào phi cúc/ Sắc phi lục phi hồng/ Trơ như đá vững như đồng/ Ai xô không ngã, ngọn gió lồng không xao/ Mỉa mai cụm liễu cửa đào/ Ong qua muốn đậu, bướm vào muốn bu/ Bốn mùa đông hạ xuân thu/ Khi búp, khi nở, khi xù, khi tươi/ Chúa xuân ngó thấy mỉm cười/ Sắc hay vương vấn mấy người tài danh/ Có bông, có cuống, không cành/ Ở trong có nụ, bốn vành có tua/ Nhà dân cho chí nhà vua/ Ai ai có của cũng mua để dành/ Tử tôn do thử nhi sanh/ Bạch huê mỹ hiệu xin phành ra coi".

"Phành" tương tự "banh" là dùng hai tay mà mở banh ra, vạch ra, không còn gì giấu giếm nữa. Vì thế, lúc anh hiệu vừa cất tiếng du dương, thiên hạ chơi, xem bài chòi đã cười ầm lên: 

"Xu xoa chị bán mấy đồng/ Chị ngồi chị phạch cái mồng chị ra/ Con gà hắn tưởng hột ổ qua/ Hắn mổ cái đớp chị la quớ làng". 

Đừng nghiêm nghị, đạo mạo nhăn mày nhíu trán làm chi, tiếng cười khỏe khoắn, lạc quan, tiếu táo trong quần chúng lao động thiệt sảng khoái bởi họ nghĩ sao nói vậy, nói thiệt lòng mình, không việc gì phải cứ giả vờ giả vịt nói trớ đi. 

Từ "quớ làng" rất Quảng Nam, tùy vùng miền có thể là bớ làng, ối làng…

Từ "phạch" với người miền Trung cũng tựa như "phành/banh". Thật lạ, trong khi đó, Việt Nam tự điển (1931) do Hội Khai Trí Tiến Đức lại không ghi nhận như nghĩa ta đã hiểu, chỉ là: "Phạch: tiếng động của vật gì rộng bản đập xuống mà phát ra: "Đập cái quạt đánh phạch một cái". 

Hoàn toàn không có nghĩa thứ 2 như Việt Nam từ điển (1971) xuất bản tại miền Nam: "Phạch: Phành, vạch, banh ra".

Cái từ "phạch" ấy, một khi se duyên kết tóc với "phò" để đi vào tiếng lóng lại mang hàm nghĩa khác hẳn. 

Khác như thế nào? Xin không giải thích, chỉ cần lật quyển Bát phố (NXB Hội Nhà văn - 2014) của Nguyễn Bảo Sinh, đọc 2 câu thơ này ắt đoán ra ngay đó thôi: "Sống mà phải xã giao nhiều/ Mệt hơn phò phạch phải chiều lắm anh".

Vừa rồi đi về Đà Nẵng, lúc xe chạy dọc theo con đường song song với bãi biển Thanh Bình, bèn hỏi: "Từ khi cải tạo lại làng chài truyền thống, bãi biển này có còn ai xuống tắm như thời mình còn nhỏ không?". Câu trả lời: "Vẫn đông đen". 

Rồi lúc đi ngang qua nhà hát Trưng Vương, lại nghe: "Mỗi lần có chương trình mới lại đông đen". Do có nhiều người nên tạo ra số lượng đông/ rất đông nhưng tại sao lại "đông đen"? Đâu phải ai cũng mặc quần đen, áo đen nên tạo ra màu sắc ấy? 

Nghĩ rằng, "đen" ở đây phản ánh cái nhìn từ xa (hoặc gần đi nữa) là nhìn rồi đánh giá từ màu đen của mái tóc. Nói cách khác, đen ở đây là đen đầu, nhiều cái đầu đen của nhiều người cùng gộp lại mà thành.

LÊ MINH QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên