TTCT- Nghe lão Dương Yên nhờ làm trưởng ban xét giải thưởng hằng năm cho nông dân sản xuất giỏi ở Văn Giàng, Đằng đã sặc trà. Tôi thấy chú lận lưng bằng thạc sĩ, là người cùng đội đất này mà lên, tôi tin chú. Tôi nhờ chú kiếm cho vài vị có danh vào ban giám khảo giải thưởng Dương Yên, việc này mang ý nghĩa thành bại của đời tôi đấy. Lão nói vậy. Tranh: Mặc Tuân Dứt lời, lão dốc hết chén trà vào miệng, vỗ mạnh vào vai Đằng, rồi đi nhanh ra ngõ chúi đầu như rúc vào chiếc xe Camry đời mới. Xe sang nhưng ông chủ cứ như người đi nhờ lần đầu. Đằng biết từ khi bước qua ngưỡng tuổi 70, lão chơi trội, cái nhà mồ lão xây cho mình ở nghĩa trang Lưu Danh bằng đá quý mua ở Thanh Hóa, trên mái vòm hình rồng uốn lượn, bốn phía tám con nghê đá canh, do nghệ nhân Ngũ Hành Sơn tạc, nguy nga như mồ vua chúa. Một người được xem là đại gia của vùng đồng chiêm trũng này, nhưng quá khứ của lão sẻn so tới độ thành giai thoại để người ta đàm tiếu. Mua một chục bánh gai cũng nì nèo chủ nếm thử một miếng, dĩ nhiên là lão sẽ chén trọn cái bánh ấy vì ai dám ăn tiếp miếng bánh khi đã có dấu răng cải mả của lão. Mua thuốc lào sau khi trả tiền, cho gói thuốc vào túi dết, đóng khóa cẩn thận, lão cố hút thêm một điếu và vê hai viên thật chặt nhét vào hai vành tai để về nhà hút. Cô hàng xén quen với tính lão nên quay mặt bĩu môi khinh khi. Lão biết nhưng không hề phản ứng, có thêm hai điếu thuốc là lão mừng rồi. Ngoài ra, lão đóng kịch cũng khéo, mỗi khi thu nhập khoản tiền lớn hay xây dựng cơ ngơi, nhà cửa, mua sắm đồ dùng nhiều tiền, mọi người trầm trồ, lập tức lão cho biết nội bộ gia đình đang gặp rắc rối, không chừng vợ chồng phải nghé đi đằng nghé trâu đi đằng trâu đến nơi. Người ta lập tức thương lão, nhà cao cửa rộng mà làm chi, khi đến vợ cũng muốn bỏ. Tài tháo vát của Dương Yên nổi tiếng khắp vùng. Thời còn hợp tác xã, mọi gia đình được chia khoảnh đất năm phần trăm, đây là đất riêng, muốn canh tác gì cũng được, thu hoạch không phải nộp hay bán cho Nhà nước. Các gia đình đều trồng khoai lang để chống đói vào lúc giáp hạt, riêng lão trồng hoa, hoa hồng, lay ơn hẳn hoi. Nhiều người giễu, thời chiến tranh ai dùng hoa, nhưng lão bỏ ngoài tai, vườn hoa nhà lão chỉ chuyên trồng hồng vàng, những búp hồng hình chóp như dát vàng, lão không sử dụng thuốc trừ sâu nên hoa tươi rất lâu, lão chở bằng xe đạp thồ lên Hà Nội bán. Thu tiền trăm. Thời bấy giờ, lương cán bộ viên chức đang tính bằng đồng, một trăm bạc mua được hai chỉ vàng, có mùa lão thu được ba bốn nghìn. Nhưng lần nào từ Hà Nội về lão cũng mang bộ mặt sầu não và ngậm ngùi cho mọi người từ bến đò ngang cho tới ngõ làng hay rằng lão bị rạch túi hay bị cướp giật mất hết tiền. Nghe nói vậy, ai cũng thương, đến độ ông già chống đò ngang còn biếu không lão tiền đò. Cũng có hôm lái buôn đến tận vườn mua thì bữa sau lão cho hay cô vợ trẻ lợi dụng khi lão ngủ đã cuỗm hết tiền cho thằng tình nhân vốn là người tình thậm thụt của ả ở làng bên kia sông. Dân làng, người thì cám cảnh ốc mò cò xơi, người lại bảo cho đáng kiếp đi rước con vợ quá trẻ về thờ. Người đời thường hỉ hả trước nỗi đau của kẻ hơn mình, họ bàn tán xì xầm trong các bàn nước, miệt thị lão giữa tiệc rượu, lão biết, nhưng vẫn im lặng. Lão là người không thèm chấp vặt với đám đông trong làng xã. *** Người như lão Dương Yên lại lập một giải thưởng cho các nông dân sản xuất giỏi của xã, liệu lão đủ lực không? Đành rằng lão là người nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, khi đất nước bước vào thời mở cửa, ruộng đất được chia cho từng hộ, thóc gạo đã dư thừa, đa số nông dân ta vẫn bám ruộng đất gieo lúa trồng khoai. Nạn đói năm Ất Dậu đã hằn sâu từ thế hệ này qua thế hệ khác quan niệm, thiếu cái ăn sẽ dẫn tới cái chết, thời nào người ta cũng cho rằng không có gì quý bằng thóc gạo. Lão Dương Yên nhận ruộng, canh tác được đâu ba năm, đột ngột cho người khác làm để nhảy ra phục vụ đám cưới đám ma. Đám cưới lão trang bị khung nhà, phông màn đủ màu sắc, bàn ghế inox, bát chén sành sứ cao cấp, dàn loa công suất lớn. Đám ma lão thu băng các bài khóc mướn thật nỉ non. Ấy, dân đen dân đỏ xứ mình rất khoái hát to khóc lớn cho thiên hạ biết khi vui buồn mà. Lão bảo vậy. Thấy khu văn hóa huyện ngốn cả chục tỉ đồng xây rạp chiếu phim, sân khấu kịch, thư viện nhưng rồi bỏ hoang đã mấy năm, cỏ dại um tùm khuôn viên, cây dây leo bám khắp nơi, lão làm đơn xin thầu, nộp mỗi năm 200 triệu cho huyện. Lão biến khu nhà rộng thênh thang ấy thành các sảnh tiệc cưới. Vào các ngày chẵn tháng âm lịch, năm sảnh tiệc cưới ấy mỗi ngày hai đám cưới thuê. Lão bao cả việc đặt tiệc, cho đến trang phục cô dâu chú rể, dĩ nhiên cả dàn nhạc và dẫn chương trình. Nhiều người tỏ ra ghen tức, lão luôn nhăn nhó, tôi chỉ kiếm nổi bữa cơm bữa cháo thôi vì chi phí lớn quá, hơn thế khách toàn bà con quen biết cả nên nỡ mặt nào mà thu giá cao. Có khi lão phàn nàn nhân viên nấu nướng lén cắp bột ngọt lận vào người, mấy thằng giữ xe làm phiếu giả để lấy tiền, mấy mụ dọn bàn cho bột giặt vào sọt rác để chuyển ra ngoài... cho nên lão điêu đứng, không chừng sập tiệm, cơ chừng phải sắm bị gậy đi ăn mày. *** Đằng sinh trưởng ở làng, lập nghiệp tại Hà Nội, nhưng thường là cuối tuần dong xe máy về đây cũng chỉ mong để gặp lão Dương Yên. Nhiều lúc Đằng thấy ghét lão Dương Yên, nhưng càng ghét lại càng thấy nhớ. Dương Yên như làng quê vùng trũng, sống ở đấy thì thấy ngán với mái nhà thâm thấp, cái chợ nhỏ với những mẹt hàng tủn mủn, nhưng đi xa lại nhớ, muốn quay trở về. Chuyện của lão bao giờ cũng hấp dẫn Đằng, lão như chuyện dân gian, mỗi lần tiếp cận đều thấy mới mẻ. Đằng thấy bên trong dáng người nhếch nhác, nụ cười dễ dãi là một ý chí nhẫn nại, chịu khó và bền bỉ. Lão thích đi chân đất, theo lão là để cân bằng âm dương, chống được bệnh tật, đôi bàn chân to bè, gan bằng như dán sát mặt đất, móng sắc nhọn thành sừng như móng chim cấu vào đất. Lão như người chui từ đất đai lên, sống làm giàu ở vùng chiêm trũng này. Đằng hỏi thật: - Để cho mình mang tên một giải thưởng là phải có số tiền kha khá đấy. Một vài trăm triệu bạc là không xong đâu, bác nhé. Dương Yên nheo mắt ngó Đằng một chặp rồi rút từ túi áo choàng ra năm cuốn sổ tiết kiệm: - Chú xem ngần ấy đủ chưa? Đằng mở từng cuốn sổ xem và trố mắt: - Bác... bác có năm tỉ gửi tiết kiệm? Lão lấy mảnh thẻ ngân hàng từ cái ví ra giơ cao: - Chú mày có tin trong mảnh bìa mỏng này chứa bằng đó tỉ nữa không? Đằng buột miệng kêu to: - Một người nửa dân quê nửa đô thị mà lượm được chục tỉ bạc? Lão ghé tai Đằng thì thầm: - Tôi còn chôn cái thùng đạn đại liên đựng hai trăm rưỡi cây vàng trong vườn nữa. Chú chớ thổ lộ với ai, kẻo chúng nó đập vỡ đầu tôi. Cướp ngáo đá thời này hung hãn lắm, chúng nó làm đủ mưu mô để cày cả vườn lên mà cướp vàng của tôi đấy. Đằng thấy ghen với lão nhưng anh dập tắt rất nhanh. Đằng hỏi: - Vừa rồi đọc báo thấy một ông lão ăn xin có hơn 20 cây vàng, tôi hơi ngờ, nhưng bây giờ thì tôi tin. Dương Yên xoa xoa tay, gãi gãi mái đầu tóc nhàu như cước: - Ấy, đây là tài sản tôi gom góp từ thời trai trẻ đến giờ, cũng là phải đổ mồ hôi mẹ mồ hôi con, vắt trí óc nặn con tim ra mới có, mình là thằng phó thường dân, đâu tơ hào xu nào của Nhà nước. Tôi cho mấy chú hay, cái lũ vơ vét tiền của dân ấy chẳng bền đâu. Tiền tôi kết từ mồ hôi và mẹo nữa đấy. - Nghe bác bảo những vụ bị móc ví rạch túi dết rồi cô vợ cuỗm cho tình nhân, nhân viên khu tiệc cưới tìm cách bòn rút thực phẩm. Lão cúi đầu cười khùng khục: - Đấy chính là mẹo của tôi, chứ thằng Dương Yên không lấy của thiên hạ thì thôi, ai lấy được của thằng này một xu. Rồi lão nghiêm giọng: - Nói thật với mấy chú, nếu tôi không bịa ra những vụ việc như thế sẽ bị thiên hạ ganh tị, hiềm khích đến lâm nguy. Dân mình có thói, diệt bằng được những ai hơn mình. Lão nhìn Đằng một lát rồi nói, giọng phấn chấn: - Đất nước thời đổi mới, người ta trọng người biết làm giàu. Đời tôi cũng đã đặt một chân xuống mồ nên muốn dùng số tiền một đời lao khổ này để khuyến khích bà con nông dân làm giàu. Chỉ có giàu mới mở mày mở mặt với thiên hạ, có đúng không. Nhưng các cụ bảo chỉ nhiều tiền của thôi là trọc phú, cần phải có danh, danh mới là đích của đời trai. Thời xưa, phần đông các ông tú, ông hàn, ông đồ cũng phải bán ruộng bán trâu bò lấy tiền mua cả đấy chứ. Chả giấu gì chú, tôi đã dư của nả nhưng thiếu danh nên phải bỏ ra một mớ để tạo lập cái danh. Những đứa được nhận giải thưởng Dương Yên sẽ được tiền, trưng bằng cúp lên giữa nhà, ba họ nhà nó truyền tụng bầu Dương Yên. Rồi những người khác phấn đấu để được giải, qua năm này sang năm khác... tôi sẽ tồn tại vĩnh cửu trong bàn dân thiên hạ. Đằng chẳng ngờ lão Dương Yên lại nghĩ sâu xa đến thế. Lão phán tiếp: - Mà chú cũng vậy, mảnh bằng thạc sĩ của chú so với dân cày, dân hàng xáo, phường trống kèn làng ta thì khá nhưng với thiên hạ thì chẳng ăn thua. Chú làm chủ tịch ban giải thưởng Dương Yên, tôi sẽ quẳng cho chú vài trăm triệu, chú trích ra để tậu cái bằng tiến sĩ. Chú bỏ thêm tiền làm con cầy tơ khao dân làng. Số tiền còn lại chú mua suất đất mai táng ở nghĩa trang Lưu Danh, gần nơi biệt điện mộ của tôi, chú xây hậu sinh phần, tạc sẵn bia mộ bằng đá hoa cương ghi cái danh tiến sĩ cho bàn dân thiên hạ lác mắt ra, nhưng cái quan trọng là để hậu duệ của chú nhìn đấy mà noi theo.■ Tags: DanhNguyễn quốc trungDương yên
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.