25/12/2020 09:17 GMT+7

Đang yên lành bỗng dễ khóc, bỏ ăn, mất ngủ... bị bệnh gì gì?

THU HIẾN
THU HIẾN

TTO - Đang sống yên ổn, 1 tháng trước, chị N.T.Q. (31 tuổi, quận 2) bỗng cảm thấy mệt mỏi trong người, không hứng thú với công việc, tình dục, không có cảm giác thèm ăn, rất dễ khóc, trong đầu luôn suy nghĩ buồn bực...

Đang yên lành bỗng dễ khóc, bỏ ăn, mất ngủ... bị bệnh gì gì? - Ảnh 1.

Điều trị tâm lý cho một bệnh nhân bị trầm cảm tại phòng khám tâm lý Bệnh viện quận Thủ Đức - Ảnh: BVCC

Theo BS Lê Nguyễn Thụy Phương - khoa tâm thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM, thời gian gần đây nhiều bệnh nhân đến khám cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, họ phải ở nhà, giảm tương tác xã hội, tài chính bị ảnh hưởng... khiến triệu chứng trầm cảm xuất hiện trầm trọng hơn.

"Stress là bệnh tâm lý nguy hiểm và được ví là kẻ giết người thầm lặng. Do vậy cần đề cao cảnh giác, nhận diện và chú ý tới các dấu hiệu báo động stress để sẵn sàng đưa ra những biện pháp ứng phó hợp lý, tránh để xảy ra những nguy cơ phát triển thành các bệnh nghiêm trọng khác.

Ngoài ra, ngày càng nhiều bạn trẻ bị trầm cảm.

COVID-19 làm đảo lộn cuộc sống

Cách đây một tháng chị N.T.Q. (31 tuổi, quận 2) cảm thấy mệt mỏi trong người, không còn hứng thú với công việc, tình dục, cũng không có cảm giác thèm ăn.

Chị Q. cho biết chị rất dễ khóc, thường thức giấc từ lúc 2-3h sáng, trong đầu luôn suy nghĩ buồn bực, hay cáu gắt với người thân. Chị Q. không thể chia sẻ bất cứ vấn đề gì với gia đình, thậm chí là chồng mình. 

Chị đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM để khám và được chẩn đoán mắc trầm cảm. Chị Q. cho biết trong suốt thời gian qua, việc chị vừa phải chăm sóc gia đình, vừa bị mất việc (do COVID-19 công ty cắt giảm người) khiến chị cảm thấy bế tắc.

Tương tự, bạn N.H.T. (22 tuổi, quận Thủ Đức) cho biết trong thời gian ảnh hưởng của COVID-19, hình thức học online kéo dài đã khiến T. luôn phải làm việc với điện thoại, máy tính liên tục. Thời gian tương tác với bạn bè rất hạn chế nên cảm thấy căng thẳng, khó chịu, áp lực kéo dài. Tìm đến bác sĩ tâm lý khám, T. được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm.

Trên một fanpage liên quan đến trầm cảm với 25.000 thành viên, nhiều người thổ lộ họ bị trầm cảm do dịch COVID-19 kéo dài, chưa thể kiếm được việc mới.

Độ tuổi trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa

Theo BS Lê Nguyễn Thụy Phương, tỉ lệ mắc trầm cảm ít nhất một lần trong đời mỗi người sẽ chiếm khoảng 16-17%, trầm cảm có thể kéo dài từ 9-13 tháng. Nếu không điều trị bệnh sẽ tái phát, triệu chứng nặng và kéo dài hơn.

Trước đây, bệnh nhân trầm cảm đa phần có độ tuổi từ 20 - 40, thì hiện có xu hướng trẻ hóa từ 15 - 20 tuổi. Phụ nữ có xu hướng mắc trầm cảm cao hơn gấp hai lần so với nam giới. Đặc biệt là phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh và sau khi sinh.

Stress là một trong những nguyên nhân gây khởi phát, làm tái phát lại các giai đoạn bệnh của trầm cảm. Thời gian điều trị giai đoạn trầm cảm đầu tiên có thể kéo dài đến một năm, tuy nhiên nhiều bệnh nhân đang trong quá trình điều trị thấy ăn, uống được liền ngưng thuốc dẫn đến điều trị không dứt điểm.

Tiến sĩ tâm lý Phạm Thanh Bình - phó trưởng khoa văn hóa nghệ thuật, Trường đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương - cho biết hầu hết người mắc stress thường có tâm trạng bất ổn và sa sút trầm trọng kèm theo tư duy, hành động cũng thay đổi. 

Việc chẩn đoán bệnh không quá khó khăn, nhưng biểu hiện của stress thường không rõ ràng nên cũng có nhiều trường hợp người bệnh không nhận ra. 

Người ở độ tuổi trưởng thành, phải gắn mình với công việc, gia đình là nhóm đối tượng dễ bị stress nhất. Để có thể đưa ra được phương pháp điều trị hiệu quả cho stress thì việc tìm hiểu kỹ nguyên nhân sẽ giúp tháo gỡ vấn đề này một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Để không rơi vào stress, chúng ta nên duy trì một cơ thể khỏe mạnh, đảm bảo chất dinh dưỡng, ăn uống, duy trì việc tập thể dục, chấp nhận bản thân với những gì mình hiện có, xây dựng mục tiêu và kế hoạch cuộc sống. 

Ngoài ra, không nên quá tham vọng và bỏ qua những thực tế cuộc sống, duy trì mối quan hệ tích cực quan trọng trong cuộc sống, đọc sách nhiều để có kiến thức, duy trì thói quen yêu thích...

Những câu hỏi bắt buộc đối với bệnh nhân trầm cảm

Chúng ta có thể xem xét mức độ mãnh liệt của ý tưởng/ý định mưu toan tự tử bằng các câu hỏi theo trình tự như sau:

* Thứ nhất là hỏi họ có mặc cảm mình là một người thất bại không?

* Thứ hai là hỏi họ có cảm thấy mình vô dụng không?

* Thứ ba là hỏi họ có ý tưởng cho rằng mình là một gánh nặng cho gia đình, người thân?

* Thứ tư là hỏi họ có hay suy nghĩ về cái chết hay không?

* Thứ năm hỏi họ có nghĩ rằng nếu mình chết đi sẽ giải thoát cho mình, sẽ tốt hơn cho gia đình hay không?

Nếu cả năm câu trả lời này là có, đó chính là "báo động đỏ". Bởi lúc này ý tưởng tự tử và mưu toan tự tử đến rất gần, cần được can thiệp y khoa. Đặc biệt là khi đột nhiên bệnh nhân trở nên bình tĩnh khác thường, không còn buồn bã hay khóc lóc nữa. Đây là lúc cực kỳ nguy hiểm vì bệnh nhân gần như đã đi đến một quyết định kinh khủng sau một thời gian "suy nghĩ nghiền ngẫm".

Bí quyết giảm stress

Nếu một người đang mắc stress, chúng ta sẽ làm nhiều cách sau để thoát khỏi stress như: ăn uống lành mạnh hơn, có kỹ năng quản lý thời gian tốt, thức dậy sớm hơn, xem một vài video hài hước, hãy để căng thẳng truyền động lực, đi bộ, hít thở thật sâu, nghe nhạc, uống sinh tố rau xanh và gặp nhà tâm lý khi cần thiết.

Liên tiếp các vụ nghi tự tử ở TP.HCM: Làm sao phát hiện, hỗ trợ người bị trầm cảm? Liên tiếp các vụ nghi tự tử ở TP.HCM: Làm sao phát hiện, hỗ trợ người bị trầm cảm?

TTO - Chỉ trong một tuần có đến 2 vụ nghi tự tử tại TP.HCM. Nạn nhân đều là phụ nữ sống đơn thân, ở chung cư cao tầng và đều nhảy lầu sau khi bị trầm cảm.

THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên