Đáng xấu hổ khi “khét tiếng” thay vì “tồn tại”

NONNA MUZAFFAROVA 11/06/2022 17:05 GMT+7

TTCT - Nhà văn trẻ Pavel Selukov trò chuyện cùng tờ Literatuno.

Pavel Selukov

 

Mùa thu năm ngoái, anh đã giành được giải thưởng văn học của tạp chí Yunost (Thanh Niên) cho truyện ngắn hay nhất Người di cư từ Bednoland   - câu chuyện về một nhân viên bảo vệ hộp đêm chuyên đọc Dostoevsky, nghiên cứu Kinh thánh, không có thói quen xấu, khiến những người xung quanh anh ta trở nên cảnh giác. Anh có nghĩ rằng Boris, bị cho là kẻ lập dị trong câu chuyện, nhận vai trò chỉ dấu cho thấy thời đại của chúng ta thiếu những gì: sự thiện lương, sức mạnh nội tâm khiêm tốn nhưng rõ rệt, sự không khoan nhượng?

Thời đại chúng ta đang hình thành một tình huống đáng kinh ngạc: sự khét tiếng thay thế cho tính chuyên nghiệp và năng lực. Trong một ý nghĩa nào đó, sự khét tiếng cũng giống như tiền: nó che đậy, nếu không muốn nói là tất cả, thì cũng rất nhiều tội lỗi. 

Tôi ngờ rằng chuyện đó xuất phát từ thái độ coi khinh lao động. Con người đánh mất giá trị bản thân, từ “thợ ” dường như biến mất khỏi cuộc sống thường ngày. Công nhân nhà máy, những người tạo ra các giá trị thực, lại kiếm tiền ít hơn các ngôi sao Instagram cả trăm lần. Và cụm từ “chủ nghĩa tư bản” đối với tôi rõ ràng là không đủ để gọi tình trạng này là bình thường và công bằng. Lao động không phải là “trend”, nó không được trả công. Và không chỉ lao động bên ngoài không còn mốt, cả lao động nội tại, “làm việc trí óc” cũng dần mai một. Không thể trưng nó ra. Với sự xuất hiện Internet và mạng xã hội, việc thể hiện cuộc sống đã quan trọng hơn chính cuộc sống. Sự cám dỗ của việc “khét tiếng” đã mạnh hơn nghĩa vụ “tồn tại”. 

Trong chừng mực đó, nhân vật Boris là ngoại lệ, nhấn mạnh thêm những xu hướng đã hình thành. Mặc dù anh ấy, bằng cách công khai đọc những cuốn sách thông minh, có ý thức hay không, đã cho thấy “lao động nội tại”. Nhu cầu về sự chân thực, cũng như bản thân sự chân thực ở con người thật ra vẫn còn. Chỉ khi nhu cầu “khét tiếng” cuối cùng trở thành gánh nặng, thì “tồn tại” sẽ trở thành cám dỗ mà nhiều người không thể chống đỡ. Tôi ước sống được tới thời điểm đó.

Điều gì là cần thiết để đẩy nhanh việc xích gần tới thời điểm này? Khi “tồn tại” sẽ trở thành cám dỗ lớn hơn việc “khét tiếng”?

Giống như nghiện rượu vậy. Khi nó còn là một đột phá đối với bạn từ nhàm chán thường ngày - bạn sẽ không ngừng uống, còn một khi nó trở thành chuyện thường nhật, thì sự tỉnh táo tự nhiên trở thành đột phá, một ngày hội, một sự đổi mới. Đối với tôi, dường như chúng ta đã hiểu rằng mạng xã hội nói chung khá phẳng và nhàm chán, và thật đáng xấu hổ khi “khét tiếng” thay vì “tồn tại”.

Khi bắt đầu sự nghiệp viết văn, anh thường đăng các sáng tác của mình trên Facebook. Anh nói nó thúc đẩy mình sáng tác. Nhưng giờ đây, là một tác giả được công nhận, thỉnh thoảng anh vẫn đăng các bài viết trên mạng. Đó là gì, nhu cầu được phản hồi tức thì?

Facebook là một bản nháp tốt, một cơ hội bổ sung để nhìn vào văn bản từ các góc độ khác nhau, để hiểu cái gì hiệu quả và cái gì không. Mà bỏ văn bản bám bụi trong điện thoại tôi làm chi, cứ để mọi người đọc nó nếu muốn. Bởi tôi viết không phụ thuộc vào Facebook. Vấn đề chỉ ở chỗ là có xuất bản hay không.

Anh gọi Boris của mình trong Người di cư từ Bednoland là một kẻ quái đản, và cũng ở đó, anh phát triển ý tưởng rằng hiện tượng này hoàn toàn đặc thù Nga, không gặp ở các nước khác. Văn học Nga quả thật rất giàu hình ảnh của những kẻ ngốc thánh thiện. Boris của anh có phải là sự tôn vinh của truyền thống văn học, hay sự hiện diện của những nhân vật như vậy vẫn có thể thấy trong thực tế của chúng ta?

Tôi có biết những người như vậy. Tôi thực sự thích họ như những nhân vật. Họ là những kẻ ngốc thánh thiện nhưng mặt khác, họ rất bình thường, chỉ là mọi người xung quanh mới đúng là đang ngây dại. Nó phụ thuộc vào góc nhìn của bạn - từ Vương quốc Caesar hoặc từ Vương quốc Thần linh, nói theo ngôn ngữ của Berdyaev. Thông qua những kẻ ngốc thánh thiện này có thể thấy rõ thuyết nhị nguyên đầy kịch tính của thế giới chúng ta. Có lẽ chính là vì vậy mà chúng tồn tại.

Anh cũng có kinh nghiệm làm bảo vệ. Anh có giống nhân vật Boris của mình, phải đối mặt với áp lực xung quanh?

Tôi lớn lên trong một vùng lao động của Perm, học nghề thợ sửa xe không tới nơi tới chốn, và quỹ đạo cuộc đời tôi dĩ nhiên không liên quan tới chuyện viết lách hay tự học. Tôi bắt đầu đọc sách năm 15 tuổi, khi phải lòng cô gái thông minh Masha. Nói cách khác, tôi cực kỳ có động lực, vì vậy nếu tôi khắc phục được sức ì nào đó, thì đó chính là nạn lười biếng thường tình nhất. Bạn bè tôi đối với niềm đam mê của tôi như một trò lập dị đáng yêu, cho tôi vui.

 
 Bức tranh Ngày hè (Summer Day) của họa sĩ đương đại Nga Alexander Gassel.

 Tuyển tập Bắt Tarkovsky của anh bao gồm những truyện ngắn, nơi câu chuyện được kể ở ngôi thứ nhất. Trong cuốn sách tiếp đó, Tôi là Anna như thế nào, không hiếm khi anh từ bỏ nguyên tắc này...

Tôi thấy viết ở ngôi thứ nhất dễ hơn vì cách tiếp cận của tôi với văn bản. Đầu tiên, như một diễn viên, tôi nhập vai nhân vật, và sau đó từ vị trí đó tôi viết. Ở một khía cạnh nào đó, người kể chuyện trong văn của tôi là nhân vật của văn bản hơn là nhân vật được tuyên bố. Nhiều độc giả nghi ngờ truyện ngắn của tôi là tự truyện, nhưng thực tế không phải vậy. Tệ hơn nữa, họ coi đó là chủ nghĩa hiện thực, vì vậy mà họ tự trang bị góc nhìn sai lầm, ngăn cản họ nhận thức câu chuyện. Nếu sử dụng thuật ngữ, thì tôi sẽ gọi văn bản của tôi là siêu hiện đại. Ở hiện đại, thiện và ác được gắn vào các nhân vật, đấy là những trạng thái tuyệt đối. Trong hậu hiện đại, cái thiện và cái ác như thế không tồn tại. Siêu hiện đại lại cho rằng thiện và ác vốn có trong mỗi người, tùy thuộc vào các hoàn cảnh bên trong và bên ngoài. Cũng một con người đó có thể cứu hoặc giết một em bé. Cái này và cái kia đều có trong bản chất của anh ta, cái này không loại trừ cái kia.

Trong Tôi là Anna như thế nào, nhiều câu chuyện được viết ở ngôi thứ ba vì hai lý do. Đầu tiên, tôi muốn chứng minh với bản thân rằng tôi có thể viết như vậy. Thứ hai, tôi cảm thấy mệt mỏi với việc độc giả khẳng định tính chất tự truyện của tất cả các truyện ngắn tôi viết ở ngôi thứ nhất. Tôi muốn viết một cách xa cách hơn và ít thú nhận hơn. Vâng, và việc khai thác mãi thủ pháp ấy có vẻ nhàm chán đối với tôi.

Anh có nghĩ rằng với mong muốn thử những thủ pháp nghệ thuật mới, anh sẽ hoặc đã bắt đầu đánh mất điều tạo nên nét đặc biệt trong các tác phẩm của mình - sự thú nhận không sợ hãi? Ngay cả khi lời thú nhận này là kết quả của tài nghệ nhà văn, một thủ thuật, thì nó vẫn sở hữu sự chân thành trực tiếp.

Mất thì mất thôi. Có lẽ, tôi sẽ có được thứ khác. Điểm mấu chốt ở đây không chỉ nằm ở tính chất xưng tội của các văn bản, mà còn ở tính trẻ trai, mộc mạc, dân tộc của chúng. Tuy nhiên, tôi không muốn trở thành con tin của một hình ảnh, tôi đang cố gắng phát triển như bao người bình thường, vì vậy những thay đổi trong cách viết là không thể tránh khỏi. Nếu chúng dẫn đến việc mất hứng thú của người đọc thì đành vậy. Tôi viết bởi vì tôi thích. Tôi viết theo cách tôi muốn và về những gì tôi muốn. Viết theo yêu cầu, đến tận cuối đời đóng vai một tên côn đồ lậm sách với tấm lòng rộng mở mà lâu rồi tôi không còn là người như vậy và không sống như vậy, thì khó có vị trí nào chân thành hơn những truyện ngắn viết từ ngôi thứ ba. Đơn giản là đa số độc giả chờ đợi những áng văn như vậy.

Có chuyện thế này: tôi cho bà chủ căn hộ tôi thuê, Lilia Pavlovna, một phụ nữ 70 tuổi, trước đây là giáo viên dạy tiếng Nga và văn học, mượn cuốn sách Bắt Tarkovsky của anh. Ngày hôm sau tôi bắt đầu hỏi bà ấy về cuốn sách. “Tác giả nhắc nhớ Chekhov bởi sự cô đọng”, bà ấy trả lời... Anh thường được so sánh với Dovlatov, Zoshchenko, Shukshin và những bậc thầy khác của thể loại truyện ngắn. Anh thấy thế nào về những so sánh đó?

Tùy vào bối cảnh mà sự so sánh này được đưa ra. Buộc tội tôi theo chủ nghĩa thứ cấp và sao chép là một chuyện, nhưng quan sát sự kế thừa lại là chuyện khác. So sánh một nhà văn trẻ với một bậc cự nhân chẳng khác nào nói với một cô bạn gái ăn mặc hở hang rằng cô ấy trông gần giống (nữ diễn viên Úc) Margot Robbie, chỉ xấu hơn thôi. Có ý kiến, có sự buộc tội, có sự xúc phạm. Thật không may, trong tâm trí của nhiều người không có sự khác biệt giữa những hiện tượng này.

Quay trở lại với Lilia Pavlovna, tôi muốn nói thêm rằng vài ngày sau bà trả lại cuốn sách cho tôi với những lời: “không có gì ghê gớm lắm”, “tác giả khoe khoang trải nghiệm trai trẻ của mình”, “anh ấy quá bi quan” ... Anh nghĩ sao, độc giả nói chung hoặc độc giả Nga đang cần một ý tưởng lạc quan nào đó?

Lạc quan, theo định nghĩa, phải hướng đến tương lai. Thật khó để trở thành một người lạc quan khi bạn thậm chí không có hình ảnh về tương lai đó. Câu nói của Dovlatov - tương lai của chúng ta, như với loài tôm, nằm ở phía sau - đã trở thành tiên tri. Sự thống trị của tiểu thuyết lịch sử trên thị trường văn học thể hiện rõ điều này.

Anh đã nhiều lần đề cập rằng viết lách là liệu pháp. Sự sáng tạo có tác dụng gì trong trường hợp này?

Trị nghiện rượu và ma túy. Chỉ có cơn phê của sáng tác mới có thể đánh bại khoái lạc của rượu và ma túy. Vì nó mà tôi không tiếp tục sử dụng chất độc, để kiểm soát bản thân. Tất nhiên, cũng đã có những thất bại, nhưng tôi biết cách thoát ra khỏi chúng. Tôi có một nơi chốn và lý do vì sao để quay trở lại.■

(Phan Xuân Loan dịch từ trang literaturno.com)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận