Shannon Odell trong một buổi diễn hài độc thoại trước khán giả - Ảnh: phys.org
Những nhà khoa học này đang tham gia các buổi diễn hài kịch do câu lạc bộ DC Science Comedy, do cô Kasha Patel - nhân viên của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) - thành lập, tổ chức vào các buổi tối tại thủ đô Washington (Mỹ).
“Cả khoa học và hài kịch đều là những quan sát về thế giới và chia sẻ những quan sát này với công chúng.
Cô Shannon Odell (ứng viên nghiên cứu sinh tiến sĩ thần kinh học tại Cao đẳng Y khoa Weill Cornell) nói.
Khoa học của tiếng cười
Hoạt động của câu lạc bộ là sự phối hợp giữa hai lĩnh vực dường như đối lập nhau. Đó chính là giữa những khái niệm khoa học từng được nhà thiên văn nổi tiếng Carl Sagan mô tả là "khó tiêu hóa và khô khan" với thế giới của những ngôn từ hài hước, dễ đi vào lòng người của hài kịch.
Shannon Odell, ứng viên nghiên cứu sinh tiến sĩ thần kinh học tại Trường CĐ Y khoa Weill Cornell, nói với Hãng tin AFP: "Tôi nghĩ rằng việc truyền đạt kiến thức khoa học cho ai đó là rất quan trọng, bởi vì nếu bạn cười với họ thì bạn sẽ tạo ra một môi trường gần gũi với họ và mọi người sẽ dễ tiếp nhận các thông điệp hơn".
Người phụ nữ 30 tuổi này đã ứng dụng sự hài hước vào một loạt video khám phá khoa học về bộ não con người đăng trên YouTube với nhiều câu chuyện khác nhau từ việc chia tay những con mèo con cho đến thức uống có cồn.
Chẳng hạn, Odell đăng các video về chủ đề khoa học và say rượu lên các nền tảng mạng xã hội, trong đó thu hút nửa triệu lượt xem trên YouTube. Trong một video đăng trên Twitter có 30.000 lượt xem, Odell vừa nói về các tác động của rượu vừa uống từng ly rượu một, dẫn thêm hình ảnh minh họa rượu di chuyển đến những nơi nào trong cơ thể, người say rượu thường bị té ngã ra sao... qua những điệu bộ hài hước.
Kết nối với cộng đồng
Nhờ các buổi hài độc thoại của DC Science Comedy mà nhiều nhà khoa học tại Mỹ có thể lồng ghép những khái niệm khoa học phức tạp vào những câu chuyện hài hước, giúp khán giả dễ tiêu hóa các kiến thức khoa học phức tạp mà nếu nói theo kiểu khô khan sẽ rất khó hiểu.
Một cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) chỉ ra rằng cộng đồng khoa học là tổ chức đáng tin cậy thứ hai ở Mỹ chỉ sau quân đội, với 44% tin tưởng so với 13% tin vào truyền thông. Điều này, theo cô Odell, là rất quan trọng trong việc tìm ra những cách mới nhằm giúp công chúng tiếp cận với thông tin, đặc biệt là trong những lĩnh vực gây tranh cãi như khoa học khí hậu.
Odell cho rằng sẽ thật tuyệt khi các nhà khoa học có thể bước ra khỏi nơi làm việc hay phòng thí nghiệm và nói với công chúng về các nghiên cứu vì họ chính là chuyên gia nghiên cứu, ngay cả khi không phải ai cũng có thể truyền đạt kiến thức khoa học thông qua những câu chuyện hài hước.
Theo Hãng tin AFP, dù các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thường được tài trợ từ tiền thuế của người dân, nhưng họ thường chỉ trình bày các nghiên cứu tại những hội nghị quy tụ các chuyên gia hoặc đăng lên các tạp chí chuyên đề.
Nhân viên NASA Patel chia sẻ với Washington Post rằng nếu cô nổi tiếng hơn trong lĩnh vực hài - khoa học, cô sẽ công bố một nghiên cứu khoa học liên quan đến sự hiệu quả của tiếng cười. Gần đây, cô đã phân tích 500 chuyện hài của mình để xem cái nào là hiệu quả nhất.
"Tôi nhận thấy những câu chuyện hài khoa học của tôi hiệu quả hơn những câu chuyện hài khác của tôi đến 40%" - Patel nói. Hiện cô đang nghiên cứu một thuật toán để tự động hóa việc phân tích này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận