Từ khi TikTok trở nên phổ biến, nhiều người dùng đã xem đây là phương tiện để đăng tải những vấn đề liên quan đến công việc, bao gồm cả cảnh bị sa thải. Tuy nhiên, đây là một "con dao hai lưỡi" với rất nhiều rủi ro.
Hãy thận trọng khi đăng video sa thải lên TikTok
Tháng 4-2023, Joni Bonnemort, hiện 39 tuổi và sống ở Utah, Mỹ, đã đăng một video ghi lại cảnh cô bị sa thải. Nói với kênh CNBC, Bonnemort thừa nhận cô sử dụng TikTok rất nhiều, và cảm thấy thoải mái khi chia sẻ về việc bị sa thải. Cô xem đó là một trải nghiệm của mình.
Bonnemort cho biết phản hồi của người xem là "95% tích cực". Mọi người ủng hộ và chia sẻ những câu chuyện tương tự, và các nhà tuyển dụng bắt đầu yêu cầu xem sơ yếu lý lịch của cô. "Nhà tuyển dụng hiện tại của tôi đã xem video TikTok mà tôi đăng tải và liên hệ phỏng vấn", cô kể.
Việc đăng video sa thải, một mặt, thể hiện được mặt tích cực khi thu hút sự ủng hộ từ người xem, và đôi khi buộc người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm về cách đối xử không công bằng với nhân viên.
Tuy nhiên, về việc ghi lại và chia sẻ việc sa thải người khác hoặc của chính mình lên TikTok, các chuyên gia nghề nghiệp khuyên bạn nên thận trọng.
Ông Nolan Church, nhà tuyển dụng từng làm tại Google và hiện là giám đốc điều hành của công ty dữ liệu tiền lương FairComp, nhận xét: "Tôi nghĩ rằng điều này cực kỳ rủi ro đối với triển vọng việc làm trong tương lai".
Lợi bất cập hại
Có ba lý do khiến bạn cần cân nhắc trước khi đăng video. Đầu tiên, những loại bài đăng này không phải lúc nào cũng thể hiện được hình ảnh chuyên nghiệp nhất của bạn. Bạn thường đăng các video này vào thời điểm cảm xúc bùng nổ.
"Bạn lo lắng, thất vọng, oán hận, giận dữ cực độ và đây không phải là những cảm xúc giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn", Phoebe Gavin, huấn luyện viên về sự nghiệp, phân tích.
Bạn vẫn có thể tạo một bài đăng chuyên nghiệp, có chừng mực, nhưng bạn vẫn có khả năng cao sẽ rất xúc động. Bị sa thải là một trải nghiệm đau đớn.
"Sẽ không có lợi cho danh tiếng trong nghề nghiệp nếu bạn đăng video quay cảnh bạn khóc lóc, chửi rủa công ty cũ, hoặc nói về họ một cách rất hung hãn và tàn nhẫn, ngay cả khi các phản ứng này rất hợp lý sau những gì bạn trải qua", Gavin giải thích thêm.
"Nếu mục tiêu của video là nhằm tìm kiếm một công việc với, bạn phải thể hiện bản thân sao cho thật tốt", cô chỉ ra cách thức.
Ngoài ra, đăng một video kiểu này có thể khiến người khác thắc mắc về động lực của bạn. "Có vẻ như mục đích đăng một video như vậy là vì công ty đã 'chơi xấu' bạn, nên bạn sẽ đáp trả họ bằng cách cho thế giới biết", Gavin phân tích.
Ngay cả khi bạn không có ý đó, thì mọi việc vẫn trông có vẻ là như vậy. Đối với các nhà tuyển dụng, đây không phải là hình ảnh đẹp mắt của một nhân viên tương lai.
Công ty cũ của bạn có thể xứng đáng hứng chịu búa rìu dư luận, vì họ đối xử không tốt với bạn. Nhưng trong tình huống này, bạn cũng không thể tạo ra hình ảnh tốt nhất cho mình, với tư cách là một nhân viên chuyên nghiệp.
Cuối cùng, loại video này có thể khiến nhà tuyển dụng tương lai khó tin tưởng bạn. Ông Church nêu quan điểm: "Nếu tôi phát hiện ra ứng viên đã làm điều này, điều đầu tiên tôi nghĩ là Người này sẽ còn đăng những gì mà chúng tôi nói với nhau lên mạng xã hội nữa?".
Huấn luyện viên nghề nghiệp, người sáng lập và giám đốc điều hành của Công ty C-Suite Coach, Angelina Darrisaw, đồng ý.
"Đặc biệt là trong thế giới ảo, nơi chúng ta có thể làm việc từ xa hoặc hybrid, tôi phải tin tưởng ở một mức độ nào đó rằng cả hai bên đều có ý định tốt, rằng mọi lời tôi nói đều không được ghi lại", Darrisaw chia sẻ.
Mọi người muốn cảm thấy thoải mái khi nói chuyện trong quá trình tương tác tại nơi làm việc. Nếu họ biết bất cứ điều gì họ nói có thể được sử dụng để chống lại họ trong tương lai, những tương tác sẽ trở nên căng thẳng và đáng sợ.
Church nói: "Sẽ không ai tin tưởng bạn" nếu họ phát hiện ra bạn đã làm những việc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận