"Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2024", do Vietnambiz và Câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam (CFO) tổ chức vào chiều nay 9-11 tại TP.HCM, thu hút nhiều chuyên gia kinh tế - chứng khoán tham gia.
Đóng tài khoản không ảnh hưởng điều tra thao túng chứng khoán
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý thị trường, bà Tạ Thanh Bình - vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) - nhận định từ đầu năm 2023 đến nay thị trường chứng khoán trải qua nhiều biến động, giữa bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới bất ổn, trong nước cũng gặp các khó khăn nhất định.
"Mỗi khi thị trường giảm, áp lực luôn hướng về phía chúng tôi", bà Tạ Thanh Bình khẳng định. Tuy nhiên, trách nhiệm của cơ quan quản lý không phải để giá chứng khoán luôn tăng. Mục tiêu chính là ổn định sự thông suốt, duy trì và nâng cao chất lượng, tính minh bạch, kỷ luật, kỷ cương của thị trường.
"Chứng khoán là thị trường thông tin. Tung tin đồn thất thiệt là vô cùng nghiêm trọng", phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online bên lề diễn đàn, bà Tạ Thanh Bình cho biết cơ quan quản lý đang tăng cường điều tra, giám sát chặt chẽ, để tiến hành xử nghiêm một số vụ điển hình liên quan đến việc tung tin đồn thất thiệt với mục đích trục lợi. Từ đó mang tính răn đe.
Trong tháng vừa qua có hơn 378.100 tài khoản bị đóng, đây là sự kiện đầu tiên diễn ra trong lịch sử chứng khoán Việt Nam. Ngay sau đó nhiều tin đồn được tung ra, cho rằng việc đóng tài khoản sẽ khiến các dấu vết thao túng chứng khoán bị xóa sạch.
Tuy nhiên, vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán khẳng định: "Mục đích của việc rà soát là để tuân thủ tốt hơn, không có chuyện làm ảnh hưởng đến việc tuân thủ pháp luật".
Để nâng cao chất lượng hàng hóa trên sàn chứng khoán, cơ quan quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra báo cáo tài chính, xử nghiêm kiểm toán viên gian lận, nâng cao chất lượng nhân sự riêng cho khối thanh tra - giám sát, ứng dụng công nghệ vào công tác thanh tra...
Kinh tế có tín hiệu khởi sắc tốt
Về tình hình kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thành - chuyên gia kinh tế thuộc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright - cho rằng tín hiệu tính cực phát ra ở mảng xuất khẩu, lượng hàng tồn kho đang giảm xuống, các đơn hàng dần trở lại. Dù còn nhiều bất trắc nhưng Việt Nam vẫn có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu từ 5 - 7% trong năm tới, không bị âm như năm nay.
Động lực tiếp theo là giải ngân vốn đầu tư công năm nay (32 tỉ USD) cao hơn năm trước. Năm tới ước tính giải ngân 29 tỉ USD, tác động tích cực đến kinh tế nhưng có độ trễ.
Ông Dominic Scriven - chủ tịch Dragon Capital Việt Nam - nhìn nhận: "Độ nhiệt của lạm phát đã sau lưng nhưng chúng ta không chủ quan". Điểm sáng là Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi về kinh tế, dân số, địa chính trị.
Hiếm nước nào có kênh đối thoại cùng lúc với các nước lớn là Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ như Việt Nam. Vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ quan tâm hay tìm hiểu, mà "phải" đầu tư vào Việt Nam.
Về chiến lược đầu tư, bà Nguyễn Thị Phương Lam - giám đốc phân tích của Chứng khoán Rồng Việt - cho rằng năm 2024 một số ngành có khả năng phục hồi tốt gồm: bán lẻ, thép, bất động sản dân dụng và khu công nghiệp (có quỹ đất sạch)...
Cổ phiếu ngành ngân hàng, dược, dịch vụ phần mềm, năng lượng... đang có định giá thấp, có tiềm năng tăng trưởng vào năm tới.
Để tăng cơ hội thành công và ở lại lâu dài trên thị trường, ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam - chia sẻ rằng hiện nay một số công ty chứng khoán đang nỗ lực xây dựng dữ liệu đầu vào, dùng công nghệ để xử lý và phân tích, giúp nhà đầu tư không cần mò từng báo cáo tài chính như trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận