Tiếp nối đà tăng phiên đầu tháng, thị trường chứng khoán tăng bền bỉ từ đầu cho đến tận cuối phiên hôm nay 2-11.
Chứng khoán bật tăng vọt, nhà đầu tư rôm rả thảo luận
Mặc dù trong tài khoản đang bị lỗ hơn 20%, nhưng khi chứng kiến thị trường hồi phục và tăng vọt trong phiên hôm nay, tâm lý của nhà đầu tư N.T.Hải (TP.HCM) cũng cải thiện đôi phần.
"Mấy bữa rồi mệt mỏi quá, cứ mở bảng điện là thấy cổ phiếu rớt giá, lỗ cả trăm triệu cũng bị ảnh hưởng tinh thần khi làm việc khác. Nay thị trường tăng trở lại, không biết có bền không, nhưng có tăng mạnh còn hơn là giảm. Mình đang tính sẽ nghỉ, không đầu tư chứng khoán một thời gian, nhưng giờ vẫn thấy chưa nỡ", anh Hải chia sẻ tâm trạng.
Là nhà đầu tư lâu năm, tài khoản tạm thời cũng đang bị thua lỗ, nhưng hôm nay anh Trần Vũ (42 tuổi) vẫn tiếp tục mua thêm một ít cổ phiếu: "Thị trường rất hấp dẫn, mình tự ra quyết định mua, nếu thua thì mình chấp nhận, nhưng vẫn hy vọng sẽ ăn (cười)".
Trong phiên hôm nay, hàng loạt cổ phiếu có vốn hóa lớn trong ngành ngân hàng như BID (BIDV), VCB (Vietcombank), TCB (Techcombank)… trở thành tâm điểm, nhận được lực mua tốt.
Song song đó, cổ phiếu của nhiều nhóm ngành khác như HPG (Hòa Phát), VHM (Vinhomes), GAS (PetroVietnam Gas), SAB (Sabeco), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), MSN (Masan), FPT… cũng góp công lớn đẩy thị trường chung đi lên.
Đáng chú ý, nhiều "ông lớn" ngành bất động sản tăng trần trong sắc tím, bao gồm NVL (Novaland), PDR (Phát Đạt), DXG (Đất Xanh), NLG (Nam Long), DIG (DIC Corp), HTN (Hưng Thịnh)…
Ở xu hướng đối lập, thị trường bị kìm hãm đà tăng khi nhiều cổ phiếu khác thuộc các doanh nghiệp như Kho vận Miền Nam (STG), Bảo hiểm Petrolimex (PGI), Đầu tư cầu đường CII (LGC), FIDECO (FDC), Savico (SVC)... rớt giá.
Hôm nay chỉ số của hầu hết lĩnh vực đều hướng lên, trong đó những ngành tăng 2-5% gồm: ngân hàng, thực phẩm và đồ uống, bất động sản, dầu khí, xây dựng và vật liệu, bán lẻ, tài nguyên. Riêng hóa chất và dịch vụ tài chính là hai ngành có chỉ số tăng hơn 6%.
Lực cầu bắt đầu đã xuất hiện trở lại
Khép lại phiên giao dịch, chỉ số VN-Index chính thức tăng gần 36 điểm, hồi phục về vùng 1.075 điểm (+3,4%). Sắc xanh cũng lan tỏa tới sàn HNX và UPCoM, với mức tăng lần lượt hơn 8 điểm (+4%) lên gần mốc 218 điểm và nhích gần 2,3 điểm (+2,8%) lên 83,97 điểm.
Tuy nhiên tổng giá trị mua bán cổ phiếu trong phiên vẫn còn khá thấp, đạt gần 14.440 tỉ đồng, tương đương giảm hơn 4% so với hôm qua.
Về góc nhìn kỹ thuật, phía Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết tín hiệu tạo đáy đầu tiên cho thấy lực cầu bắt đáy đã xuất hiện trở lại.
Tuy nhiên mức kháng cự gần nhất mà VN-Index phải đối mặt là vùng 1.080 - 1.100 điểm. Xác suất lực bán bất ngờ quay trở lại quanh vùng điểm số nêu trên cũng như trong một vài phiên tới, khi cổ phiếu bắt đáy về tài khoản của nhà đầu tư cần được tính đến.
"Chờ tín hiệu hồi phục" là nhận định được khối phân tích của Chứng khoán VNDirect đưa ra cho thị trường chứng khoán trong tháng 11 này.
Theo phía công ty chứng khoán, chỉ số VN-Index vẫn đang trong xu hướng điều chỉnh. Nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế bắt đáy, chờ các tín hiệu vĩ mô và thị trường tích cực hơn. Kỳ vọng vùng 1.000 điểm (+/- 20 điểm) sẽ là vùng hỗ trợ của thị trường.
"Mặc dù rủi ro ngắn hạn của thị trường còn hiện hữu nhưng với mức chiết khấu định giá gần tương đương mức đáy trung hạn thời điểm tháng 11-2022 và đáy COVID-19, chúng tôi cho rằng đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư trung và dài hạn bắt đầu tích lũy cổ phiếu cho năm 2024", VNDirect chia sẻ.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cân nhắc không dùng đòn bẩy ký quỹ để giải ngân cổ phiếu trong trung và dài hạn, không đầu tư tập trung một cổ phiếu hoặc một nhóm ngành, chia khoản đầu tư dài hạn thành nhiều phần và giải ngân từ từ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận