Tin thất thiệt bắt cóc ngập mạng xã hội, dân hoang mang
Công an TP Đà Nẵng cho biết liên quan đến thông tin bắt cóc trẻ em ở địa phương này lan truyền trên mạng xã hội Facebook gây xôn xao dư luận, đơn vị khẳng định đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật.
Trước đó vào chiều 11-2, trên Facebook của một cá nhân đăng tải: "Có chiếc ô tô trắng ở Hòa Quý bắt cóc con của anh Thanh Tuấn Trần mà lanh chạy nhanh thoát được. Mọi người cẩn thận có con nhỏ không cho đi xe đạp bắt cóc nhé, cả nhà cẩn thận nhé".
Nội dung trên ngay lập tức được chia sẻ rất nhiều, gây xôn xao, hoang mang.
Qua đó công an xác định không hề có vụ việc xảy ra như trong bài viết nêu và đã triệu tập người đăng tải thông tin thất thiệt trên làm việc để làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích và sẽ có hình thức xử lý theo quy định.
Còn tại tỉnh Quảng Nam, chiều 11-2 tài khoản Facebook M.S. đăng bài viết: "Cảnh giác ạ. Trước Trường tiểu học Nguyễn Ngọc Bình (Đại Hiệp). Con mình vừa đi học về (vì mình có dặn con cảnh giác, có đưa xe bắt cóc cho con mình coi).
Con mình kể có 2 chú nớ kêu con lại, con thấy xe nên con không lại, vừa kêu con vừa nghe điện thoại. Hên là mình đã dặn con trước, chứ không, không biết sao luôn. Nên anh chị em mình nay cảnh giác đưa đón con nha. Chắc mai tui không dám cho con đi xe đạp luôn quá".
Lập tức tin được chia sẻ nhiều trên các hội nhóm một cách vô tội vạ gây hoang mang.
Công an xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc cho hay đã kiểm tra, xác minh, làm việc với gia đình, người liên quan, qua đó xác định thông tin trên là không đúng sự thật. Công an sẽ làm việc với người đăng tin gây hoang mang dư luận và xử lý theo quy định.
Tại Quảng Bình, ngày 12-2 Công an phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn) cũng vừa xử lý vụ việc liên quan đến một phụ nữ đăng tin cảnh báo bắt cóc sai sự thật.
Cơ quan công an đã buộc người đăng phải gỡ bài đăng sai sự thật, xin lỗi và đăng bài đính chính trên mạng xã hội.
Nhiều bạn đọc bất bình và cho rằng: "Phải nghiêm trị và phạt thật nặng những kẻ tung tin thất thiệt để chừa cái thói sống ảo!".
Có thể bị xử phạt, bồi thường thiệt hại
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Bùi Bá Dũng, Đoàn luật sư tỉnh Quảng Nam, cho biết theo quy định pháp luật, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định số 15 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin và giao dịch điện tử.
Ngoài xử phạt hành chính còn có thể phải bồi thường thiệt hại nếu tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bị thiệt hại có yêu cầu.
Nếu chứng minh được hành vi đó gây thiệt hại cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thì người đưa tin sai sự thật phải chịu trách nhiệm về mặt dân sự, bồi thường những thiệt hại xảy ra.
Ngoài ra hành vi đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người khác, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận