Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn vừa trở về Hà Nội để chuẩn bị cho đêm diễn cùng dàn nhạc giao hưởng tối 21-12 tại Nhà hát Hồ Gươm, kỷ niệm 100 năm sinh bố ông, nhà thơ Đặng Đình Hưng.
Đúng dịp này, cuốn Di cảo Đặng Đình Hưng ra mắt bạn đọc. Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn tham dự với vai trò khách mời đặc biệt.
Đặng Thái Sơn: Trước ngôn từ, tôi bế tắc
Được mời phát biểu tại sự kiện, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn chỉ chia sẻ ngắn gọn vài lời, bởi ông là người chơi nhạc, chỉ biết "trò chuyện" bằng âm nhạc.
Khi phải nói, trước ngôn từ, ông thấy… bế tắc, nên ông chọn "nói" bằng một bản nhạc ngắn của Chopin thết đãi mọi người tại buổi ra mắt sách.
Nghệ sĩ cho biết khi thấy mọi người làm sách kỷ niệm 100 năm sinh của bố ông, rất đẹp, ông vui và cảm động.
Bởi lẽ, không chỉ có các con, gia đình mà nhiều người cùng kỷ niệm 100 năm sinh của bố ông, như nhóm làm cuốn sách này, đặc biệt là họa sĩ Lê Thiết Cương đã giữ gìn nhiều di vật của bố ông để bây giờ làm sách, cũng như đông đảo mọi người đến theo dõi buổi ra mắt sách.
"Bố không chỉ thuộc về gia đình mà thuộc về mọi người", nghệ sĩ Đặng Thái Sơn xúc động nói.
Nói với Tuổi Trẻ Online, Đặng Thái Sơn cho biết ông rất xúc động khi nhìn thấy rất nhiều sự quan tâm, tình cảm của mọi người dành cho bố ông những ngày này.
Ông kể những năm qua thường năm nào ông cũng về nước, cũng diễn khá thường xuyên. Năm nay còn về tới ba lần.
Nhưng chưa bao giờ ông thông báo về đêm diễn ở Việt Nam trên trang Facebook cá nhân mà lại nhận được nhiều tương tác như bài đăng mới đây ông chia sẻ về đêm diễn kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Đặng Đình Hưng tại Nhà hát Hồ Gươm (10.500 lượt like sau vài ngày).
Khi chọn diễn ở nhà hát này, nghệ sĩ đã lo lắng vì giá vé đắt đỏ, nhà hát lớn, sợ vắng khách. Không ngờ vé hết rất nhanh. "Người ta yêu cụ Hưng, tôi rất vui và biết ơn về điều đó", Đặng Thái Sơn nói.
Những trang viết chưa bao giờ được biết đến của Đặng Đình Hưng
Di cảo Đặng Đình Hưng dày 250 trang, gồm các tập thơ như Rra (1965), Songe A (1968), Sử thi Phù Đổng ca (1970) cùng một số trang thủ bút các tập thơ của ông, thư của Trần Dần gửi Đặng Đình Hưng, chân dung Đặng Đình Hưng qua ảnh của nhiếp ảnh gia Hà Tường, bài viết của các tác giả như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phan Đan, Nguyễn Thụy Kha (lời bạt).
Về lý do làm cuốn di cảo của nhà thơ Đặng Đình Hưng, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết năm 2021, sau khi cuốn sách Một bến lạ ra mắt độc giả, ông được một số bạn tin tưởng đưa những bản thủ bút các tác phẩm của nhà thơ Đặng Đình Hưng.
Tất cả đều chưa từng xuất hiện và họ mong muốn một ngày nào đó có thể xuất bản để mọi người đều được biết tới, để bức chân dung của Đặng Đình Hưng được hoàn chỉnh hơn trong hiểu biết của công chúng.
Ngoài ra ông làm cuốn sách còn vì những tình cảm cá nhân đặc biệt và sâu nặng ông dành cho nghệ sĩ Đặng Đình Hưng.
Sáu năm cuối đời của nhà thơ Đặng Đình Hưng, Lê Thiết Cương có cơ duyên được gần gũi như con cháu trong nhà, được thi sĩ chỉ bảo cả về hội họa lẫn đời sống.
Ông ngưỡng mộ Đặng Đình Hưng cả ở thơ lẫn họa. Lê Thiết Cương nói ông đọc và "nhập" ngay vì thơ Đặng Đình Hưng lạ, mới, hiện đại. Đến bây giờ vẫn hay vì vẫn mới.
Nhà thơ, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng (1924 - 1990) sinh tại làng Thụy Hương (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội).
Ông tốt nghiệp Trường Bưởi, năm 18 tuổi ông vào học Trường Luật Đông Dương, chưa tốt nghiệp thì Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông gia nhập ngay vào hoạt động đoàn thể ở Hà Nội.
Toàn quốc kháng chiến, ông theo cách mạng. Năm 1951, ông được cử làm đoàn trưởng kiêm chính trị viên Đoàn văn công Nhân dân Trung ương.
Cùng với Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt… nhà thơ Đặng Đình Hưng âm thầm cách tân thơ, sáng tạo ra những tập thơ đầy tính thể nghiệm mới mẻ, mới cho tới tận ngày nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận