Video bà biểu diễn hôm đó đạt gần 7 triệu lượt xem trên YouTube. Ở tuổi 105, bà vừa vượt qua COVID-19 và thỉnh thoảng vẫn ngồi đàn.
Ít ai ngờ bà Thái Thị Liên từng hoạt động thời chống Pháp sôi nổi trong và ngoài nước dù mang quốc tịch Pháp. Cũng ít ai ngờ bà từng có quãng thời gian rất đen tối khi phải ly hôn chồng để con trai Đặng Thái Sơn được dễ dàng đi du học Liên Xô.
Và đây có lẽ là lần đầu tiên Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn "lên báo" kể nhiều chuyện lý thú về người má của ông, để hiểu thêm về một thế kỷ nhiều biến động của đất nước gói trong đó nhiều số phận ly kỳ nhưng vẫn sáng ngời nhân cách của những tài năng lớn.
Tôi biết đến Chopin đầu tiên là nghe má đàn
Má tôi người Nam nên trong nhà chúng tôi gọi má. Đời tôi cho đến lúc này nếu có thể coi đạt được một số thành tựu thì công cha, nghĩa mẹ đều như núi Thái Sơn. Nếu như bố tôi cho tôi cá tính, cái chất trong nghệ thuật thì má tôi là người nuôi tôi, sống bên tôi, hỗ trợ tôi hầu như gần hết cuộc đời bà.
Má cho tôi năng khiếu âm nhạc, sự tiếp xúc với cây đàn và truyền cho tôi cả tình yêu dành cho Chopin để sau này trở thành sự nghiệp của cuộc đời tôi. Năm 1970 má tôi được dự thính concours Chopin ở Ba Lan. Khi trở về, bà mang theo đầy đủ bộ sách đàn và đĩa Chopin.
Trước đó, ở vùng sơ tán, sau ngày dài với công việc, đêm đêm má lại ngồi đàn những bản nhạc của Chopin.
Chính những bản nhạc Nocturne, Mazurka má chơi trong các đêm thanh vắng nơi thôn dã ấy đã gieo vào trong tôi - khi đó là một cậu bé 8-9 tuổi - một tình yêu thấm sâu với âm nhạc Chopin.
Tôi nghe Chopin đầu tiên chính là do má biểu diễn.
Đối với tôi, má là nghệ sĩ biểu diễn tuyệt vời. Má và chị gái Thái Thị Lang chính là hai người Việt Nam đầu tiên học piano chuyên nghiệp. Tôi không phải là nghệ sĩ piano Việt Nam biểu diễn ở quốc tế đầu tiên mà là dì Lang.
Trong khi dì Lang biểu diễn sôi nổi ở nước ngoài thì má Liên những năm 1950 - 1970 diễn rất sôi nổi ở miền Bắc. Bà là một trong những nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc nhiều nhất hồi đó.
Có ba sân khấu lớn âm nhạc lúc bấy giờ ở Hà Nội là Nhà hát Lớn, CLB Đoàn kết và Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì má đều thường xuyên độc tấu, hòa tấu, đặc biệt là các buổi diễn cho các chuyên gia nước ngoài. Sau này khi đã 80 - 90 tuổi, được con cháu, học trò động viên, má trở lại sân khấu.
Má cũng là người thầy dạy đàn đầu tiên của tôi và dạy tôi suốt 11 năm trước khi tôi sang Liên Xô học. Hồi đầu mới đi diễn sau giải nhất concours Chopin, má là người truyền cho tôi nhiều kinh nghiệm, góp ý về phong cách, đi đứng, hay cách xử lý thời gian giữa các bài.
Má tôi mới là người to gan
Đặc biệt má truyền cho tôi nghị lực cần có trong đời sống cũng như bước đường làm nghệ thuật. Nhiều người cứ tưởng chơi đàn là chơi chơi thế thôi, vui vẻ ấy mà. Họ không biết chơi đàn chuyên nghiệp cực nhọc vô cùng, nếu không có nghị lực lớn thì rất khó vượt qua.
Thuộc nhóm Nhân Văn giai phẩm, bố tôi là một nghệ sĩ sắc nhọn, yêu tự do thì ai cũng biết, nhưng thực ra ông có nhiều nỗi sợ. Chính má tôi mới thực sự là người dũng cảm, to gan, một người phụ nữ, một nghệ sĩ mang tư chất rất đặc biệt.
Má sinh ra giữa nhung lụa, trong một gia đình thượng lưu ở Sài Gòn năm 1918. Ông ngoại tôi là người Việt Nam đầu tiên có bằng kỹ sư ở Pháp, ông học về điện, nên cả nhà ngoại tôi nhập quốc tịch Pháp, được chính quyền thực dân lúc bấy giờ đối xử như những người Pháp.
Nhưng gia đình má tôi lúc đó chia hai phe, một phe theo Pháp và một phe chống Pháp.
Cậu tôi, luật sư Thái Văn Lung, là trí thức tiêu biểu đấu tranh mạnh mẽ cho dân chủ lúc bấy giờ, đòi độc lập cho Việt Nam, chống chế độ thực dân của Pháp. Cùng đấu tranh trong nhóm đó với cậu tôi có những trí thức như Phạm Ngọc Thạch, Phạm Ngọc Thuần…
Với quốc tịch Pháp, má không bị Pháp lùng bắt như các nhà hoạt động cách mạng Việt Nam khác, vì vậy má được giao nhiệm vụ liên lạc, vận chuyển tài liệu, truyền đơn.
Sau đó má tôi sang Paris sống và tiếp tục hoạt động trong nhóm cộng sản dân tộc Việt Nam cùng nhóm nghệ sĩ Pháp và quốc tế đấu tranh cho dân chủ như Yves Montand, Pablo Picasso, Jorge Amado…
Thời gian hoạt động bên Pháp, má tôi còn đại diện cho Việt Nam dự và phát biểu tại Hội nghị Phụ nữ thế giới ở châu Phi.
Trong nhóm hoạt động, mọi người làm mối cho má lấy ông Trần Ngọc Danh - em ruột của Tổng bí thư Trần Phú và là trưởng Phái đoàn đại diện Chính phủ ta tại Pháp. Năm 1948, ông Trần Ngọc Danh được phân công nhiệm vụ mới tại Tiệp Khắc thì má tôi cũng đi theo.
Má đi đồng thời để hoàn thành chương trình đại học về biểu diễn piano tại Nhạc viện Praha. Chị Hà (giáo sư, nhà giáo nhân dân Trần Thu Hà) được sinh ra ở Praha (Tiệp Khắc) năm 1949.
Năm 1951, trong nước chiến tranh diễn ra rất ác liệt. Từ Tiệp Khắc, má theo chồng về thẳng Việt Bắc, đi qua Liên Xô, Trung Quốc. Lúc đó má tôi sẵn sàng nhảy từ cuộc sống đầy đủ bên Tây về khu bưng biền Việt Bắc rừng thiêng nước độc.
Ngay lúc khó khăn đó thì chồng của má bệnh nặng rồi qua đời. Má tôi bụng mang dạ chửa một mình (bà đang mang bầu anh Bình, gánh thêm chị Hà mới chỉ khoảng 3 tuổi), tiếp tục tham gia hoạt động trong Đoàn ca múa nhân dân trung ương. Ngày sinh anh Bình đúng dịp trước Tết, các bệnh nhân đều được gia đình đón về.
Riêng má tôi bế con vừa sinh không biết đi đâu, người dân tộc thiểu số ở đó có tục kiêng kỵ không muốn chứa bà đẻ trong những ngày Tết. May thay, được sự bảo lãnh của bác sĩ Tôn Thất Tùng, một nữ y tá đã đưa hai mẹ con về nhà đúng hôm 30 Tết.
Má can trường vô cùng mà cũng ngây thơ hạng nhất
Má tôi gặp bố tôi - nhà thơ, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng, chính trị viên Đoàn ca múa nhân dân trung ương - ở Việt Bắc rồi thành đôi thành lứa trong nhiều sóng gió vì hai ông bà là "rổ rá cạp lại". Tình yêu cuồng nhiệt mà nỗi buồn cũng nhiều.
Hòa bình năm 1954, về lại Hà Nội, má tôi là một trong bảy người thầy đầu tiên lập ra Trường Âm nhạc Việt Nam năm 1956 (sau này là Nhạc viện Hà Nội và ngày nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).
Má làm trưởng khoa piano, nên những lứa học sinh piano đầu tiên đều là học trò của má. Với những cống hiến trong nghề dạy học, sau này má đã được phong tặng danh hiệu cao quý nhà giáo nhân dân. Má cũng được trao tặng Huân chương Lao động hạng ba (năm 1982) và hạng nhất (năm 1998).
Nhưng những năm 1950 - 1970 vô cùng khó khăn với gia đình tôi khi bố tôi "gặp nạn" vụ Nhân Văn giai phẩm, bố mất việc làm. Má gồng gánh một mình nuôi cả gia đình đông đúc con chung - con riêng chỉ bằng nghề dạy đàn trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, chia cắt. Má gánh cả đàn con lẫn chồng.
Từ lúc tôi sinh ra, hoàn toàn chỉ có má tôi nuôi hết. Gian nan, tủi nhục thì vô chừng, nhưng má không một lời than trách chồng hay kể công mình. Sau này lớn lên, nhìn lại tôi mới giật mình nhận ra sự phi thường của má.
Rồi chiến tranh bom đạn, tôi còn nhớ những năm tôi theo má sơ tán lên vùng Yên Dũng, Hà Bắc (Bắc Giang ngày nay). Những tháng ngày phải vượt qua bom đạn, đói nghèo cùng cực đó, tiếng đàn của chúng tôi vẫn ngân vang từ những mái tranh nghèo thôn quê.
Nhưng má tôi nghị lực, can trường vô cùng mà cũng ngây thơ hạng nhất. Người nghệ sĩ thực sự luôn có cái ngây thơ như vậy. Má tôi là số 0 tròn trĩnh trong việc giao đãi xã hội, nên má rất cần cái đầu của bố tôi tham mưu mọi việc.
Còn bố tôi cần má như một hậu phương vững chắc, một tình yêu đầy kiên nhẫn và bao dung, hiểu biết. Vì vậy dù tình yêu của bố và má gặp nhiều thử thách, sóng gió nhưng hai người đều rất cần nhau.
Khi bố và má tôi ly dị theo một số lời gợi ý để tôi được thuận lợi đi du học Liên Xô năm 1976, cả hai đều lâm vào cảnh bi đát, liêu xiêu.
Má tôi đòi về lại Sài Gòn với suy nghĩ rằng đó là quê hương của bà và người Nam hiền lành, hào hiệp. Má là một người có công với cách mạng.
Những người Nam tập kết ra Bắc hoạt động cách mạng như má tôi khi về lại thành phố ai cũng có bổng lộc, được phân nhà cửa.
Riêng má tôi trung thực, ngây thơ không biết quỵ lụy, ngoại giao. Không được phân nhà đã đành mà nhà của gia đình ở ngay trung tâm cũng không biết cách lấy lại.
Suốt mấy năm má phải đi ở nhờ một người bạn thời ấu thơ, sống bằng đồng lương dạy hợp đồng thời đất nước nghèo khó vừa mới bước qua chiến tranh. Còn bố tôi ở ngoài Bắc thiếu má tôi cũng lâm vào cảnh sống bấp bênh, hết tiền, sinh bệnh lao mà không được cứu chữa.
Tôi còn nhớ tờ giấy ly hôn của bố và má tôi năm 1976 ghi rõ má tôi nhận trách nhiệm nuôi tôi cho tới lúc trưởng thành, không yêu cầu bố tôi chu cấp. Nhưng đau nhất trong tờ giấy ly hôn là phần ghi tài sản phân chia. Số tài sản ít ỏi tới nỗi đủ ghi hết trong tờ giấy ly hôn.
Khi mang bầu tôi, má chỉ ao ước sinh con gái
Giải nhất cuộc thi Chopin 1980 của tôi đã cứu cả gia đình tôi. Má tôi được cho phép sang Liên Xô sống cùng tôi. Lúc tôi đi biểu diễn chỗ này chỗ kia má đi theo giúp đỡ giao dịch hành chính, giấy tờ. Dần dần Nhà nước mở cửa cho tôi đi diễn ở các nước tư bản.
Má tôi thành thục tiếng Pháp, tiếng Anh nên thảo thư trả lời, liên lạc với ban tổ chức, lo giấy tờ từ các phía. Nhờ thế mà má con tôi được sống cùng nhau suốt, ở Liên Xô, rồi qua Nhật, Canada. Chỉ 6 - 7 năm nay má tôi sức khỏe yếu mới về Việt Nam sinh sống.
Trong mấy chị em, tôi là người sống cạnh má nhiều nhất, dù khi lấy bố tôi, má không muốn sinh thêm con. Bố tôi đã thuyết phục má, vì thế tôi mới ra đời. Những ngày tháng mang bầu tôi, má chỉ ao ước sinh được con gái, trong nhà treo đầy ảnh những bé gái dễ thương.
Không biết có phải vì điều này mà tính cách của tôi cũng ảnh hưởng ít nhiều. Cả đời tôi nghe theo mọi lời dạy bảo của bố, riêng việc đi đứng oai phong, đường bệ bố dạy thì tôi không làm được.
Bao năm sống với má, tôi là người đi mua sắm toàn bộ áo quần cho má chứ má tôi rất dở khoản này. Thỉnh thoảng tôi hay đùa má rằng vậy là má tôi cũng được thỏa mãn một phần cái mong ước sinh con gái.
Tôi không chỉ giống bố, má tôi ở cái sự "bạt mạng" trong tình yêu mà còn thừa hưởng từ bố, má tôi phẩm chất ghét sự dối trá, yêu sự khẳng khái, thẳng ngay và những cái thuộc về nhân tính, đặc biệt là yêu thương con người.
Bố tôi thường dạy tôi phải biết trải tình yêu thương cho mọi người. Và đặc biệt cả bố và má tôi đều truyền cho tôi tình yêu tự do. Thế nên trong đời tôi có nhiều thứ có thể hy sinh nhưng có một thứ tôi không nhượng bộ là sự tự do.
Hồi tôi được giải nhất Chopin ở Ba Lan, nếu tôi "chạy" sang phương Tây thì sự nghiệp của tôi sẽ thay đổi, nhưng hai má con quyết không đi. Cuối cùng tôi cũng có được một nơi đến với cuộc sống tự do mình muốn. Cũng vì yêu tự do, tôi lựa chọn cuộc sống độc thân. Và có lẽ cũng vì tôi luôn có má ở bên mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận