Mặc dù điểm số PCI có tăng lên nhưng thứ hạng của các tỉnh lại có rất ít sự thay đổi (xem bảng xếp hạng).
Phóng to |
Kết quả này đã phần nào lý giải sự khác biệt về phát triển kinh tế giữa các tỉnh, trong đó nguyên nhân quan trọng là do thực tiễn điều hành kinh tế của chính quyền địa phương.
Qua bản tổng kết này, hai lĩnh vực có sự cải thiện lớn nhất là các thủ tục đăng ký kinh doanh (chỉ số thành phần thứ nhất) và việc giảm chi phí thời gian để thực hiện các quy định thủ tục hành chính và thanh tra, kiểm tra (chỉ số thành phần thứ tư). Như vậy, đối với các chỉ số thành phần còn lại, yêu cầu cải thiện hơn nữa vẫn được xem là cần thiết.
Theo kết quả nghiên cứu, thời gian đăng ký kinh doanh được rút ngắn, trung bình từ 20 ngày xuống còn 15 ngày, đăng ký bổ sung từ 10 ngày xuống 7 ngày. Số giấy phép cần thiết để khởi nghiệp cũng giảm từ 4 giấy phép trong năm 2006 xuống còn 2,5 giấy phép vào năm 2007.
Bên cạnh đó, thời gian để doanh nghiệp có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (kể cả thời gian thương lượng với chủ đất cũ) đã giảm từ mức trung bình là 231 ngày trong kết quả PCI 2006 xuống còn 90 ngày trong năm nay.
Điều được doanh nghiệp chú ý là chỉ số tính minh bạch. Số doanh nghiệp thừa nhận phải thương lượng với cán bộ thuế giảm dần, từ 61% của năm ngoái xuống còn 45% của năm nay. Tuy nhiên bên cạnh những thành quả trên, các doanh nghiệp cũng cho rằng việc tiếp cận các văn bản chính sách cần thiết cho hoạt động kinh doanh không dễ dàng.
Số doanh nghiệp tin tưởng vào cơ chế giải quyết tranh chấp của tòa án còn rất thấp, chỉ khoảng hơn 10%, cao nhất cũng chỉ đạt 29%. Điều này cho thấy việc cải cách hệ thống pháp lý vẫn là mục tiêu ưu tiên trong quá trình phát triển của Việt Nam.
Vấn đề đáng lo ngại khác là chi phí không chính thức dường như vẫn khó kiểm soát. Có đến 70% số doanh nghiệp của tỉnh thuộc nhóm trung bình tin rằng các doanh nghiệp trong cùng ngành phải trả các khoản hối lộ, 12% doanh nghiệp thừa nhận phải trả trên 10% doanh thu hàng năm của họ cho các khoản chi phí không chính thức, và 39% số doanh nghiệp tin rằng các cán bộ nhà nước sử dụng các quy định của địa phương để thu lợi riêng.
Một trong những thách thức trước mắt về chính sách, theo nhóm nghiên cứu xây dựng chỉ số PCI 2007, là sự xuất hiện tình trạng phát triển không đồng đều giữa các tỉnh. Chỉ số PCI năm nay cho thấy hiện tượng tụt hậu của một số tỉnh có điều kiện truyền thống kém và năng lực điều hành kinh tế còn hạn chế. Nếu xu hướng này tiếp diễn sẽ nảy sinh những vấn đề đáng lo ngại về các chính sách phân bổ nguồn lực của Chính phủ và ảnh hưởng tới sự tăng trưởng kinh tế.
Qua phân tích các dữ liệu PCI, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng tỉnh nào có thực tiễn điều hành kinh tế tốt sẽ thúc đẩy việc hàng triệu hộ kinh doanh cá thể “chính thức hóa” hoạt động kinh doanh của mình, tức là chuyển qua hoạt động theo hình thức doanh nghiệp - một quyết định có những ảnh hưởng quan trọng về mặt tài chính và kinh tế.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng xem xét kết quả hoạt động của các DNNN mới được cổ phần hóa gần đây trong mối quan hệ với sự điều hành kinh tế được PCI đo lường. Kết quả cho thấy các doanh nghiệp cổ phần hóa hoạt động hiệu quả hơn ở các tỉnh có điểm số PCI cao hơn.
Cũng từ những dữ liệu của PCI 2007, các nhà nghiên cứu tập trung sâu hơn vào mối quan hệ giữa các chỉ tiêu của PCI với các cam kết WTO nhằm xem xét kết quả của các cam kết này đã đóng góp như thế nào vào sự cải thiện môi trường kinh doanh đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Đây cũng là một trong những mối quan tâm lớn của các nhà làm chính sách Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận