TTCT - Trong những ngày của tháng 9-2020, hiếm có tin nào khiến dư luận xao lãng tình hình dịch bệnh như chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Berlin. Ai sẽ thúc đẩy sự phân cực và ai vẫn muốn mềm mỏng để giữ chuyện làm ăn cho mượt mà? Ảnh: Die WeltBỏ qua những trách cứ to nhỏ có thể có căn cứ hoặc không, châu Âu đang dự đoán kinh tế suy giảm đến 20%, trong khi Trung Quốc tin tưởng sẽ vẫn tăng trưởng mạnh mặc virus corona. Vậy ai muốn thúc đẩy sự phân cực như Donald Trump chủ trương, và ai phải mềm mỏng để tránh tổn hại đến công việc làm ăn ở thị trường 1,4 tỉ dân mà không phải mang tiếng là vì lợi ích kinh tế mà bán rẻ nhân quyền?Tờ Cầu Thị là tạp chí tuyên huấn và là cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1988, thế chỗ tờ Hồng Kỳ và không ngẫu nhiên măng-sét tờ báo do chính tay Đặng Tiểu Bình đặt. Tương truyền câu cửa miệng của chính trị gia cha đẻ cải cách mở cửa ở Trung Quốc là “thật sự cầu thị” khi minh họa công cuộc đổi mới do chính ông viết kịch bản và đạo diễn. Hãy tưởng tượng Ngoại trưởng Đức Heiko Maas chăm chú nghiên cứu tờ tạp chí này trước khi đón người đồng cấp, cũng là để ôn bài trước khi sếp lớn của ông Vương, ông Tập Cận Bình, tới Berlin gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel. Liên minh châu Âu (EU) đang chao đảo vì đại dịch COVID-19 nên có lẽ hơi bất ngờ trước chuyến đi của ông Vương, bởi đúng lúc nước sôi lửa bỏng thì một thành viên sáng lập EU là Ý ngả sang ve vãn dự án Nhất đới nhất lộ, rất có thể cả Hi Lạp cũng sẽ đi theo và Tổng thống Trump của Mỹ - bất kể động cơ gì - tỏ ra cứng rắn như chưa từng có với Bắc Kinh. Vậy EU, trong trường hợp này là bà Merkel, chủ tịch luân phiên đương nhiệm, sẽ làm gì?Cầu thị để tìm gì?Trong tiếng Hán, “cầu thị” tỏ ý nỗ lực mở mắt tìm kiếm lẽ phải, tìm sự đúng đắn, chứ không hẳn như nghĩa đã biến tướng phần nào khi du nhập vào tiếng ta. Còn thành ngữ rất thông dụng “thực sự cầu thị” hàm ý giải quyết vấn đề dựa vào thực tế. Có hiểu như thế mới rõ ý Đặng Tiểu Bình khi xốc nền kinh tế rối ren đầu thập niên 1980 đi theo hướng mới, với kết quả nên được khâm phục một cách chân thành, không vướng ghen tị.Nhưng tờ Cầu Thị liên quan gì đến chuyến đi đầy tai tiếng của ông Vương Nghị dọc ngang châu Âu? Có lẽ phải ngó lại lịch sử châu Âu ở giai đoạn còn coi Trung Quốc, thậm chí cả Hương Cảng, như công xưởng nối dài của mình, để tuồn qua đó các công việc độc hại, rẻ rúng mà người Âu không thèm làm. Vâng, họ ngạo nghễ với nền công nghiệp tiên tiến và truyền thống cách tân của mình, đến nỗi coi chuyện động cơ hơi nước, bóng đèn điện hay máy fax mặc định phải xuất phát từ phương Tây.Klaus Mehnert (1906-1984) - nhà báo Đức cựu trào từng làm giáo sư ở Berkeley, Honolulu và Thượng Hải, sau này là cố vấn chính sách cho nhiều đời thủ tướng Đức - đã uổng công cảnh báo đồng bào của mình từ năm 1971: “Đừng hành xử như các người chỉ có một mình! Còn có [...] người Trung Quốc nữa đấy, họ vừa xắn tay áo lên và nếu chúng ta không làm tất cả để trụ lại đỉnh cao phát triển tinh thần và kỹ thuật, họ sẽ làm tràn ngập thế giới với hàng hóa của họ và châu Âu sẽ thành cái đuôi của châu Á”.Hôm nay tờ Cầu Thị nhắc lại ý đó một cách tự mãn trước khi ông Tập sắp sang, liên quan đến cái gọi là Tư tưởng Tập Cận Bình về ngoại giao và muốn chẻ sợi tóc làm tư thì dường như điều đó cũng liên quan nền ngoại giao khẩu trang thời COVID hôm nay, dù đó chỉ là chóp nhọn của núi băng. Nhưng có lẽ châu Âu vẫn chưa bàng hoàng vào thời điểm ông Tập mời các nguyên thủ đến đại lễ đường Nhân dân hôm 26-4-2019 để tham gia diễn đàn Nhất đới nhất lộ, chắc chưa ai vẽ ra viễn cảnh con đường tơ lụa mới không chỉ loanh quanh ở châu Á và châu Phi, mà còn vươn tới Địa Trung Hải xinh đẹp của Bồ Đào Nha, Hi Lạp, Ý...Giở lại sách sử để thấu hiểu sự ngỡ ngàng của EU khi một thành viên NATO và G7 như Ý đột nhiên “ly khai” khỏi con đường chung để nhận một loạt tín dụng ưu đãi từ Bắc Kinh và chung tay đắp con đường tơ lụa mới vĩ đại trên đất liền và trên biển. Giờ EU mới cuống cuồng thống nhất cách ứng xử, ví dụ trong vụ tình nghi Alexei Navalny bị đầu độc hay đứng ra bảo vệ Chủ tịch Thượng viện Czech Milos Vystrcil khi bị ông Vương “tấn công” vì dẫn một đoàn 90 doanh nhân và nghệ sĩ đi thăm Đài Loan!Ai thách thức ai?EU về bản chất không phải là một chính quyền tập trung, trong khi Trung Quốc từ ngàn đời và hôm nay lại càng tập quyền hơn bao giờ hết. Một biểu hiện rất rõ của Tư tưởng Tập Cận Bình thể hiện qua chính sách đối ngoại và hoạt động của giới ngoại giao Trung Quốc không chỉ phản ánh ý nguyện của một chính đảng, một quốc gia, mà cả một cá nhân. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thành lập riêng Viện Nghiên cứu Tư tưởng Tập Cận Bình trong ngoại giao. Hôm nay châu Âu, và cả phần còn lại của thế giới, càng có dịp quan sát cách hành xử của Trung Quốc nhất nhất từng dấu chấm phẩy theo một cá nhân, bất kể là về đại dịch, Hong Kong hay những động thái khôn lường ở Biển Đông.Theo Earl Wang - giảng viên chính trị học tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế CERI, EU có bài học cay đắng với Trung Quốc trong đại dịch đang hoành hành: Tình hình cụ thể đã làm lộ rõ cách tiếp cận của Trung Quốc hiện là một phần của chiến lược dài hạn nhằm củng cố quyền lực và khả năng cạnh tranh nhằm kiểm soát thế giới. Khái niệm “Chiến lang” (Wolf Warrior) đột nhiên trở thành từ khóa quen thuộc để ám chỉ các nhà ngoại giao do Bắc Kinh tung ra khắp thế giới đột nhiên trở nên tự tin và hung hãn hơn hẳn. Nhiều nguồn tin từ chính Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho phép nhận định rằng mọi động thái của họ trong cuộc khủng hoảng y tế hiện giờ có xuất phát điểm từ chỉ thị của ông Tập cuối năm 2019. Ông muốn các nhà ngoại giao phải tăng ý chí đấu tranh ở nước ngoài. Trước đó nữa, từ tháng 9-2014, chủ tịch Trung Quốc đã dấy lên phong trào tăng cường ảnh hưởng của Đảng và bộ máy nhà nước ở nước ngoài. Viện Nghiên cứu Tư tưởng Tập Cận Bình trong ngoại giao ra đời hầu như không được bộ máy truyền thông quốc tế chú ý - âu cũng là sự bàng quan sai chỗ.Chủ tịch Tập dĩ nhiên có mặt hôm khai trương viện và nói thẳng trong bài phát biểu: ngoại giao Trung Quốc do Đảng Cộng sản và Tư tưởng Tập Cận Bình chỉ đường. Bài phát biểu này (tựa đề: “Tiến bước trên những con đường ngoại giao mới với đặc điểm của Trung Quốc”) không hiểu sao đến hôm nay vẫn chưa xuất hiện phiên bản tiếng Anh trên cổng thông tin của Bộ Ngoại giao!? Một điều chắc chắn là nền ngoại giao Trung Quốc nay bước vào một giai đoạn mới và chuyến công du mùa thu tới EU là để nhấn mạnh điều đó. Sẽ hơi quá lời khi liên hệ với đại dịch corona, song chính đại dịch là phép thử rất đúng lúc. Không phải ngẫu nhiên mà ông Vương Nghị dành hẳn 14 phút kỷ lục cho một câu hỏi duy nhất của nhà báo để lồng vào chỉ trích Czech quan hệ với Đài Loan như một “sự phản bội” và khuyến cáo Na Uy “hãy dè chừng” với các tiêu chí xét giải Nobel hòa bình sắp tới, đồng thời “cấm mọi can thiệp vào những việc nội bộ của xã hội Trung Quốc” - những can thiệp như đề nghị của ngoại trưởng Đức gửi đoàn quan sát Liên Hiệp Quốc đến Tân Cương điều nghiên tình hình của hàng chục vạn tín đồ Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giữ trong trại cải tạo. Cuộc họp báo 55 phút của ông Vương có lẽ đã phá kỷ lục nhiều năm gần đây, và mức độ gay gắt của câu chữ - đã qua phiên dịch - cho phép dự đoán là sau đó hai bên khó có thể vui vẻ nhìn vào mắt nhau để “cạn bôi” hoan hỉ được nữa.■Tương lai quan hệ song phươngKhông cần phải là tiên tri mới thấy đường hành quân của Trung Quốc rất nhất quán và quyết liệt. Năm 2017 được coi là bước quyết định của Trung Quốc đi vào giai đoạn mới: Tư tưởng Tập Cận Bình được đưa vào thành cấu phần mặc định của Hiến pháp Trung Quốc và quy định hạn chế nhiệm kỳ của ông cũng bị bãi bỏ. Hiện tại, với chức chủ tịch nước, tổng bí thư Đảng và chủ tịch Quân ủy Trung ương, người cầm lái này thực tế nắm cùng lúc tất cả quyền lực trong tay để thực thi giấc mơ biến Trung Hoa thành nhà nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, vững mạnh, dân chủ, văn minh và hài hòa - với hai cột mốc thời gian lớn: cuối năm 2020 trở thành quốc gia có mức thịnh vượng trung bình (nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc) và năm 2049 đi đầu thế giới (100 năm lập quốc). Với EU, tháng 7 vừa qua, Hội đồng châu Âu rốt cuộc cũng quy tụ được 27 nguyên thủ quốc gia thành viên để thống nhất phương châm hành động, trước tiên trong cuộc chiến chống COVID-19 và vực dậy nền kinh tế. Về mặt chính trị sẽ có một cơ quan chung để điều phối các nỗ lực - dù chưa ai biết nó hình dạng ra sao trong khối quốc gia khá ì ạch và quan liêu này. Nhưng nỗ lực chính trị đó là cần thiết, sau khi tất cả đã choàng tỉnh nhận ra trong Trung Quốc một “địch thủ có tính hệ thống”, như lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.Cuộc họp thượng đỉnh song phương sắp tới còn chưa hẹn được, trong khi công việc ngổn ngang: 5G với Huawei hay không cần Huawei, Iran, Syria, CHDCND Triều Tiên, Biển Đông, Đài Loan, khí hậu và môi trường, xử lý vấn đề cấp quốc tịch cho dân Hong Kong, nhân quyền ở Tân Cương, cơ chế 16+1 cùng với các nước Trung và Đông Âu (CEE) do Trung Quốc thúc đẩy, lôi kéo Hi Lạp và Ý vào bẫy vay tín dụng từ Bắc Kinh... Và có muốn thế nào cũng phải ngó qua cái ao to: Liệu ông chủ Nhà Trắng tương lai là Trump hay Biden? Tags: Nữ nghệ sĩNghệ sĩ Lê Khanh
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.