Chuyên gia bóng chuyền Nguyễn Bá Nghị, nguyên phó chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, đã có chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online về những thành công của các "chân dài" Việt Nam ở đấu trường quốc tế.
Bóng chuyền nữ Việt Nam tiến bộ cùng Thanh Thúy
"Trước tiên, thành tích của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam có được trên cơ sở HLV Nguyễn Tuấn Kiệt được sở hữu dàn VĐV đồng đều và đang vào độ 'chín' dưới sự dẫn dắt đầy bản lĩnh của Trần Thị Thanh Thúy. Ông Kiệt vốn xuất thân là một chuyền hai nên có tư duy chiến thuật tốt, sắp xếp phù hợp hai VĐV chuyền hai của đội tuyển. Đây vốn là khâu yếu nhất của tuyển Việt Nam so với các đối thủ mạnh trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, ông Kiệt cũng có nhiều năm học hỏi từ các chuyên gia ngoại, nắm rõ trình độ bóng chuyền khu vực… nên đã dẫn dắt đội tuyển Việt Nam đến thành công.
Còn đối với các VĐV, Thanh Thúy dĩ nhiên đóng vai trò quan trọng nhất. Ngoài lợi thế chiều cao (1m93), việc được thi đấu nhiều mùa ở giải vô địch Nhật Bản đã giúp Thanh Thúy điều chỉnh kỹ thuật chuyên môn, từ cá nhân đến tính đồng đội. Cô cũng được rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp, từ chuyện sinh hoạt, tập luyện, nhất là tính kỷ luật và sự cạnh tranh để tiến bộ. Từ đó, Thanh Thúy cũng trưởng thành hơn khi trở về khoác áo tuyển Việt Nam lẫn CLB Bình Điền Long An.
Năm 2023 đánh dấu bước tiến lớn và ổn định của Thanh Thúy sau mùa giải 2022 chưa thật sự thành công. Cô đã có sự thay đổi lớn cả trong chuyên môn, phong cách thi đấu và bản lĩnh mặc dù CLB PFU BlueCats của cô không xếp hạng cao tại giải vô địch Nhật Bản.
Sự xuất sắc của Thanh Thúy đã tạo "lực kéo" cho các VĐV trẻ hơn trong đội tuyển bóng chuyền Việt Nam như chủ công Vi Thị Như Quỳnh, phụ công Lý Thị Luyến, đối chuyền Hoàng Thị Kiều Trinh… thi đấu tốt và dần trưởng thành hơn trên nền cơ bản sẵn có.
Mở ra cơ hội từ hai giải đấu trước đối thủ vừa tầm
Công bằng mà nói, cả hai giải đấu cấp châu lục mà các "chân dài" Việt Nam vừa vô địch đã không có sự tham dự của những đội bóng hàng đầu châu lục. Ở giải vô địch CLB bóng chuyền nữ châu Á tại Việt Nam hồi tháng 4, hai nền bóng chuyền mạnh là Nhật Bản và Trung Quốc không mang đội hình mạnh vì nhiều trụ cột bận khoác áo tuyển quốc gia dự FIVB Nations League. Trong khi đó, Diamond Food Fine Chef chỉ là một CLB của Thái Lan. Với "thiên thời, địa lợi", CLB Sport Center I (thực chất là tuyển nữ Việt Nam) đăng quang một cách thuyết phục. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận chiến thắng ở trận chung kết với Diamond Food Fine Chef có sự đóng góp không nhỏ từ sự cuồng nhiệt của khán giả Việt Nam.
Đến AVC Challenge Cup 2023, chức vô địch thuộc về Việt Nam là điều đã được dự báo trước bởi giải không có những đội mạnh của châu Á. Nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế, Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu khi vượt qua Indonesia 3-2 ở chung kết dù lực lượng được đánh giá cao hơn đối thủ. Đó là chính là nhược điểm cố hữu ở tâm lý thi đấu, hỏng bước một nhiều và thiếu ổn định ở chuyền hai.
Xen giữa hai giải đấu này là SEA Games 32 trên đất Campuchia. Tuyển Việt Nam đã có sự hưng phấn trong khi Thái Lan vắng chuyền hai chính và một số trụ cột (bận cùng tuyển Thái Lan dự FIVB Nations League), trong đó có chủ công Sasipapron. Thế nhưng tuyển Việt Nam đã để lỡ cơ hội giành HCV một cách đáng tiếc.
Dù vậy, việc sắp được tham dự vòng chung kết giải CLB bóng chuyền nữ thế giới và FIVB Challenger Cup là một điểm nhấn tuyệt vời của bóng chuyền nữ Việt Nam. Chúng ta không có nhiều hy vọng đạt thành tích cao trước những đội bóng mạnh thế giới nhưng đó là cơ hội để các cô gái Việt Nam được tiếp cận với bóng chuyền đỉnh cao và học hỏi".
Bước thay đổi trong đầu tư để bóng chuyền nữ Việt Nam phát triển
Ông Nguyễn Bá Nghị cho biết: "Tham gia nhiều giải quốc tế là bước thay đổi trong đầu tư của tuyển bóng chuyền Việt Nam, giúp VĐV có cơ hội cọ xát quốc tế nâng cao trình độ. Đây cũng là bước đầu trên đường Việt Nam "đuổi theo" bóng chuyền nữ Thái Lan - vốn đã vươn tầm thế giới.
Không chỉ ở cấp độ đội tuyển, Việt Nam cần đầu tư bài bản cho các lứa trẻ tham gia nhiều giải quốc tế, cần kế hoạch đầu tư lâu dài thay vì chỉ chăm chăm thành tích trước mắt, và cần phải có sự "hy sinh" từ các CLB (với điển hình là CLB VTV Bình Điền Long An chấp nhận thiệt thòi kết quả giải trong nước cho trụ cột Thanh Thúy đi thi đấu chuyên nghiệp ở nước ngoài trong nhiều năm), nâng cao trình độ HLV".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận