20/04/2018 06:29 GMT+7

Đằng sau cà phê trộn pin là sự... thờ ơ?

KHÁNH HƯNG
KHÁNH HƯNG

TTO - Theo bạn đọc Khánh Hưng chính sự thờ ơ từ cả ba phía: người sản xuất, nhà quản lý và chính mỗi người chúng ta đã tiếp tay cho thực phẩm bẩn. Dưới đây là góc nhìn của anh gởi đến chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Đằng sau cà phê trộn pin là sự... thờ ơ? - Ảnh 1.

Sản phẩm cuối cùng tại cơ sở cà phê trộn pin được đem đóng gói là những hạt đen sì như thế này - Ảnh: TRUNG TÂN

Câu chuyện cà phê trộn pin ở Đăk Nông đang làm "nóng" dư luận, mặc dù nó không hề là "chuyện mới". Mấy năm trở lại đây chuyện thực phẩm bẩn trở nên "thường tình ở huyện", đâu chỉ cà phê trộn pin, chúng ta đã quá quen với đậu phụ làm từ thạch cao hay chả lụa có hàn the. 

Và, mới đây nhất ở Hải Phòng đến thuốc ung thư mà người ta còn làm giả từ bột than tre nữa cơ mà.

Tại sao những câu chuyện "người Việt đầu độc lẫn nhau" liên tiếp xảy ra như thế? Và nó chưa bao giờ có dấu hiệu thuyên giảm mặc dù dư luận phản đối, phẫn nộ rất nhiều? 

Tôi nghĩ rằng, đằng sau những câu chuyện đó chính là sự thờ ơ của ba bên: Người sản xuất, nhà quản lý và chính mỗi người chúng ta.

Người sản xuất thờ ơ thì rõ rồi, họ chỉ biết quan tâm đến lợi nhuận, chỉ biết nhà mình không uống thứ cà phê trộn pin này là được, còn lại họ chẳng quan tâm ai. 

"Chính lợi nhuận đã làm người sản xuất mờ mắt, lấn át lên cả lương tri. Cà phê trộn pin sẽ đi tiêu thụ ở đâu, ai uống, uống sẽ gây ra tác hại gì họ không nghĩ. Họ thờ ơ đến mức vô cảm!"

Khánh Hưng

Tiếp theo đó là sự thờ ơ của những nhà quản lý. Một cơ sở sản xuất cà phê trộn pin hoạt động trong hai năm ròng rã vậy mà đến nay họ mới phát hiện ra? Trong khi "về mặt hồ sơ, chủ cơ sở này có đăng ký kinh doanh". 

Như vậy có thể thấy ở đây những nhà quản lý đã quá thờ ơ với công việc của mình, họ không đi thanh kiểm tra thường xuyên. Câu hỏi đặt ra, vụ cà phê trộn pin này may mà phát hiện ra được. 

Vậy còn hàng loạt vụ khác, ở nhiều nơi khác gây độc hại không kém, bằng nhiều cách thức, vậy những cơ quan quản lý có biết không? Hay chỉ thờ ơ với chính công việc của mình và cuối năm tin vào những con số trên bản báo cáo thật đẹp?

Và cuối cùng, trách nhà sản xuất, nhà quản lý thì đã quá rõ ràng. Chúng ta cũng phải xem lại chính mình, xem lại sự thờ ơ của mình với những người xung quanh.

Chúng ta mà tôi muốn nói đến ở đây đầu tiên là những người công nhân làm ở cở sở của bà Loan, những người bán mua nguyên liệu, phân phối cà phê bẩn cho bà Loan. 

Và rộng ra nữa là những người thân, những người dân ở cạnh. Họ là những người tiếp tay cho tội ác dù vô tình hay cố ý. Sao họ không lên tiếng cảnh báo, tố giác? Hay họ chỉ biết cảnh báo đến người thân của mình rằng "đừng uống thức cà phê này là được?".

Giống như ở cơ quan tôi có anh bạn kể rằng vườn nhà trồng cây ăn trái nhưng luôn chừa một số cây không phun thuốc để con cháu họ về ăn. Còn lại thì phun thuốc, tiêm thuốc đủ thứ hết. 

Anh bạn tôi còn khoe rằng "cây không phun thuốc ăn ngọt hẳn, nên ra đường đâu dám mua lung tung mà ăn". Tôi nghe mà rợn người. Thì ra người mình trước đến nay toàn "thân ai nấy lo", kiểu như mình mua được nắm rau sạch là được, còn ai mua rau không sạch, rau thuốc gì đó thì mặc kệ.

Và tôi cũng muốn nói đến sự thờ ơ của chính chúng ta, những người đang ngày ngày nhâm nhi ly cà phê sạch ở đâu đó. Chúng ta bức xúc rất nhiều nhưng chúng ta cũng không vô can được. 

Vì sao ư? Vì mỗi lần xảy ra một câu chuyện như thế này chúng ta chỉ biết phẫn nộ mà thôi. Rồi chúng ta lại tìm cách mua riêng cho mình những bịch cà phê sạch, chỉ cho mình và người thân thôi, còn những người khác chúng ta không quan tâm lắm. 

Chính sự thờ ơ một cách vô tình này tạo nên đất sống cho những người như bà Loan.

Sẽ rất khó để bắt các nhà quản lý kiểm soát được 100% thực phẩm bẩn, bởi bây giờ nó diễn ra ở quy mô lớn và cách thức tinh vi. Như vậy, cái cần là ý thức của mỗi người, họ tự bảo vệ mình, bảo vệ người thân và có mong muốn bảo vệ cả cộng đồng. 

Họ có thể chia sẻ cho nhau những cơ sở bán cà phê sạch, giới thiệu với bạn bè những nơi sản xuất có "tâm", uy tín. Những việc rất nhỏ ấy là khởi đầu cho chuỗi những việc lớn trên hành trình bảo vệ mình và cộng đồng.

Còn nếu tiếp tục thờ ơ, chỉ biết đèn nhà ai nấy rạng thì sang năm, và nhiều năm sau nữa, chúng ta lại tiếp tục phẫn nộ vì những chuyện như cà phê trộn pin bây giờ.

Làm sao để diệt tận gốc những hành vi hám lợi dẫn đến đầu độc người tiêu dùng? Xử lý bằng cách nào để đủ sức răn đe? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected]. Cảm ơn bạn!

Cà phê trộn pin: Có nên xem đây là tội giết người hàng loạt?

TTO - 'Không thể tin được, thất đức đến thế là cùng, đây là tội giết người hàng loạt, không còn lời nào để nói, đọc mà rùng rợn cả người'... là những bình luận xung quanh vụ sản xuất cà phê bột từ vỏ cà phê trộn... pin Con Ó, vừa được phát hiện.

KHÁNH HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên