Phóng to |
Hỏi thì hỏi vậy, nhưng trái tim tôi luôn thầm nhắc nhở một điều rất thật như thế. Bóng dáng của bà, của mẹ tôi có trong những con người bình dị, chân chất ấy. Họ cũng giống bà và mẹ tôi, lúc nào cũng lo lắng và mong con cái nên người. Và vì thế, dẫu có cực mấy thì cũng chẳng sá chi.
Tôi thương những dáng hình lầm lũi đó, có thể là của cô bán xe đẩy trái cây, chị lượm ve chai trùm mặt kín mít hoặc người bán bánh giò với tiếng rao lanh lảnh trong đêm khuya khoắt nơi con hẻm trọ nhà mình. Có lần, tôi hỏi một cô bán tàu hũ dạo ở Sài Gòn, có chất giọng rao miền Trung thân thuộc rằng: “Cô đi xa mưu sinh, quang gánh nặng nhọc vậy có nhớ nhà không?”. Thoáng chút buồn, rồi cô lại cười tươi rói: “Buồn thì buồn, chớ biết răng chừ. Mình thương con nên ráng chịu, đi làm vầy mới lo cho mấy đứa nhỏ ở nhà ăn học thành tài được”.
Ước mong giản dị, gần gũi, kiểu “hi sinh đời bố, củng cố đời con” ấy thường trực trong ước nguyện của những phụ nữ xa quê cầu thực. Họ xa gia đình, làng quê nghèo khó, thậm chí xa con, đau lắm nhưng cũng phải bấm bụng để đi, rồi có khi đêm về nhớ con, nhớ nhà khóc một mình... Đó là sự hi sinh, tôi trộm nghĩ không phải ai trên thế giới này cũng có được đức hạnh lớn lao như thế.
Nghĩ thế, nên cứ thương và cũng là thầm biết ơn những lầm lũi đời thường, những dáng người nhỏ thó, lam lũ trong cuộc mưu sinh đã dạy cho mình bài học về thương con mà không cứ phải đợi đến lúc làm cha, làm mẹ mình mới tỏ tường. Không phải bao giờ ta cũng đợi chờ trải nghiệm thật sự rồi mới ngộ ra ơn cha mẹ, khi ấy biết đâu đã quá muộn màng. Từ nơi những người phụ nữ dáng gầy, vai nghiêng nghiêng nắng ấy cũng cho tôi một niềm tin rất thật ở đời rằng, tình thương luôn có đó giữa đời thường muôn dặm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận