Các bị cáo tại tòa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đây là vụ án lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại DAB gây thiệt hại đến hơn 3.600 tỉ đồng.
Sai phạm suốt 10 năm dưới chỉ đạo của bị cáo Trần Phương Bình
Theo VKS, hành vi sai phạm diễn ra liên tục trong gần 10 năm nhưng không được phát hiện.
Tại phiên tòa những ngày vừa qua, ông Trần Phương Bình - phó chủ tịch HĐQT ngân hàng DAB - khai rằng việc che giấu hành vi sai suốt 10 năm chỉ bằng các hành vi: Nâng vốn điều lệ bằng tiền khống, nghĩa là người mua cổ phần của DAB chỉ ký nộp tiền chứ không có tiền để nộp vào ngân hàng; khi quỹ bị rút ruột mà bị thanh tra, kiểm tra thì lấy tiền từ hội sở đưa xuống các chi nhánh, thanh tra xong thì trả tiền về hội sở.
Cùng với các chỉ đạo của ông Bình là hàng loạt sai phạm của các nhân viên dưới quyền mà ông đã yêu cầu che giấu các hành vi sai này từ năm này qua năm khác.
Điều đáng ngạc nhiên là suốt 10 năm sai phạm xảy ra thì cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 11 cuộc thanh tra nhưng không phát hiện sai phạm. Chỉ đến năm 2014, ở đợt thanh tra cuối cùng mọi việc mới được chuyển cho cơ quan điều tra.
Tại tòa, ông Trần Phương Bình thừa nhận mọi hành vi vi phạm pháp luật của mình, cảm thấy có lỗi với các nhân viên dưới quyền khi đã đẩy họ vào vòng lao lý. Thậm chí có những nhân viên phát hiện việc làm của ông Bình sai, muốn xin nghỉ việc nhưng ông Bình không cho.
Có nhân viên khác khi biết quỹ ngân hàng âm và rất lo sợ các sai phạm do ông Bình chỉ đạo có thể bị phát hiện nên đã ghi chép lại cẩn thận những lần rút ruột tiền, hoặc những việc chi tiêu ngoài sổ sách, hoặc chứng từ thể hiện việc nộp tiền khống rồi trước khi nghỉ việc đã gửi lại cho người có trách nhiệm tại ngân hàng…
Tất cả những hành vi sai phạm nhằm "rút ruột" ngân hàng trên đã khiến cho số tiền bị thất thoát của DAB lên tới hơn 3.600 tỉ đồng.
Bị cáo Trần Phương Bình - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chiếc 'phao' Vũ 'nhôm'
Vũ 'nhôm', hay Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 của Vũ đã từng được ông Bình coi là cứu cánh cho mình.
Theo lời khai của cả ông Bình và Vũ thì giữa hai người có quan hệ thân thiết, ông Bình luôn luôn giúp đỡ Vũ về kinh tế.
Trong giai đoạn ngân hàng khó khăn, ông Bình muốn tăng vốn điều lệ lên và tìm kiếm người có uy tín để làm chỗ dựa cho ngân hàng nên đã trao đổi với Vũ 'nhôm' để công ty của Vũ mua cổ phần của DAB.
Vũ đồng ý mua và sau đó đã mua cổ phần với giá trị 600 tỉ đồng. Tuy nhiên, Vũ chỉ có 400 tỉ, thiếu 200 tỉ nên ông Bình đã chỉ đạo nhân viên thu khống 200 tỉ để Vũ mua cổ phần.
Vũ là người trực tiếp ký khống vào tờ giấy kê các loại tiền nộp dù Vũ không hề nộp đồng tiền nào cho số 200 tỉ còn lại.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ tại tòa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dù sau này việc tăng vốn điều lệ không thành, ông Bình đã chỉ đạo nhân viên trả đủ 600 tỉ cho Vũ và lãi. Dù 200 tỉ không phải của mình nhưng Vũ đã sử dụng tiền đó mà không hề trả lại cho DAB.
Tại tòa, ông Bình khai rằng khi trao đổi với nhân viên về việc thu xếp 200 tỉ cho Vũ 'nhôm' ông đã nói trước mặt Vũ, với nhận thức Vũ hiểu được tiền đó lấy từ ngân hàng mà ra.
Ông Bình cũng nói vì mong muốn dựa vào uy tín của Vũ 'nhôm' thì sẽ tăng uy tín cho ngân hàng nên dù Vũ không đủ tiền mua số cổ phần như mong muốn nhưng ông Bình vẫn tìm cách 'lo' cho Vũ.
Nhưng tại tòa Vũ khẳng định 200 tỉ này là do ông Bình cho Vũ mượn, phần nào mượn Vũ sẽ trả, và việc vay mượn của Vũ và ông Bình diễn ra rất thường xuyên và hoàn toàn là giao dịch dân sự.
Do vậy ngay từ phần xét hỏi, Phan Văn Anh Vũ đã kêu oan. Trong quá trình xét hỏi và thẩm vấn, Vũ tiếp tục xin giấy bút để viết đơn kiến nghị khẳng định mình bị oan.
Cho đến ngày xét hỏi cuối cùng, gia đình Vũ đã nộp đủ 203 tỉ tiền khắc phục hậu quả cho khoản tiền mà Vũ chiếm đoạt.
Có 24 trong tổng số 26 bị cáo đều nhận tội so với cáo trạng truy tố. Ngoài Vũ 'nhôm' thì còn có bị cáo Nguyễn Thị Ái Lan kêu oan vì cho rằng bị cáo không thực hiện hành vi phạm tội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận