Tàu trinh sát điện tử số hiệu 856 - Ảnh: HK
Với 25 tàu chiến mới và các tàu hộ vệ hoạt động trên mặt nước được đưa vào sử dụng trong năm 2016, Hải quân Trung Quốc đã bộc lộ rõ mục tiêu tăng cường lực lượng tàu chiến về số lượng cũng như chất lượng đồng thời đáp ứng yêu cầu chiến lược trở thành cường quốc trên biển song song với trên bộ.
17 tàu chiến mới
Năm 2017, theo ghi nhận của nhà quan sát về an ninh và quốc phòng Trung Quốc Henri Kenhmann (Pháp), Hải quân Trung Quốc đã đưa vào sử dụng tổng cộng 17 tàu chiến mới, ít hơn năm 2016 (không tính đến tàu ngầm).
17 tàu mới được đưa sử dụng năm 2017 gồm:
- 2 tàu khu trục lớp 052D có trọng tải 7.000 tấn gồm tàu Tây Ninh số hiệu 117 và tàu Hạ Môn số hiệu 154.
- 2 tàu khu trục loại nhỏ (khinh hạm) lớp 054A có trọng tải 4.053 tấn gồm tàu Vu Hồ số hiệu 539 và tàu Hứa Xương số hiệu 536.
- 8 tàu hộ vệ chống tàu ngầm lớp 056A có trọng tải 1.340 tấn gồm các tàu mang các số hiệu 514, 551, 552, 553, 520, 556, 518, 535.
- 1 tàu tiếp dầu Hồ Hô Luân lớp 901 số hiệu 965 (trọng tải 50.000 tấn).
- 1 tàu đặt cọc tiêu quân sự lớp 744A (trọng tải 1.750 tấn).
- 1 tàu huấn luyện Thích Kế Quang lớp 927 số hiệu 83 (trọng tải 9.000 tấn).
- 1 tàu kéo ngoài khơi (trọng tải 6.000 tấn).
- 1 tàu tình báo điện tử lớp 815A số hiệu 856 (trọng tải 6.000 tấn).
Tàu khu trục Tây Ninh số hiệu 117 - Ảnh: HK
Năm 2016, hải quân Trung Quốc đã đưa vào sử dụng 1 tàu khu trục, 3 tàu khu trục loại nhỏ, 7 tàu hộ vệ, 2 tàu phá mìn, 5 tàu đổ bộ, 3 tàu tiếp dầu, 2 tàu phá băng và 2 tàu địa lý thủy văn.
Nếu so sánh với năm 2016, số tàu chiến mới đưa vào sử dụng năm 2017 giảm 32% về số lượng và giảm 33,13% về trọng tải (trọng tải 105.576 tấn năm 2017 so với 157.881 tấn năm trước đó).
Ngoài ra, số tàu đổ bộ và tàu tiếp liệu cũng giảm. Ngược lại, các loại tàu hàng đầu đóng mới như tàu khu trục, tàu hộ vệ vẫn giữ nguyên.
Tàu hộ vệ chống tàu ngầm số hiệu 535 - Ảnh: HK
Năm 2020 sử dụng tàu sân bay thứ hai
Căn cứ số liệu năm 2017, phải chăng hải quân Trung Quốc đã giảm phát triển lực lượng tàu chiến cho dù các sĩ quan cao cấp hải quân Trung Quốc đã khẳng định mục tiêu này vào đầu năm 2017?
Theo chuyên gia Henri Kenhmann, câu trả lời rõ ràng là không. Nguyên nhân giảm số lượng tàu chiến đưa vào sử dụng trong năm qua chỉ đơn giản do các công xưởng hải quân Trung Quốc thay đổi chu kỳ sản xuất.
Trong năm 2017, hải quân Trung Quốc đã hạ thủy 16 tàu chiến mới gồm 2 tàu khu trục, 4 tàu khu trục nhỏ, 2 tàu hộ vệ chống tàu ngầm, 2 tàu tình báo điện tử, 1 tàu nghiên cứu thủy văn, 1 tàu sân bay, 1 tàu tiếp dầu, 1 tàu đổ bộ, 1 tàu đo âm thanh dưới nước, 1 tàu rà phá mìn.
Hình ảnh vệ tinh và ảnh chụp không chuyên nghiệp cho thấy các nhà máy đóng tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì nhịp độ sản xuất tàu chiến.
Ví dụ nhà máy đóng tàu Đại Liên ở miền bắc Trung Quốc sản xuất cùng lúc 1 tàu sân bay lớp 002, 2 tàu khu trục lớp 055 trọng tải 12.000 tấn và 5 tàu khu trục lớp 052D trọng tải 7.000 tấn.
Tàu kéo ngoài khơi số hiệu 739 - Ảnh: HK
Hay như nhà máy đóng tàu Giang Nam Trường Hưng đã bắt đầu xây dựng cơ ngơi để chuẩn bị đóng tàu sân bay thứ ba. Nhà máy này đang đóng 3 tàu khu trục trọng tải 12.000 tấn, tối thiểu 4 tàu khu trục trọng tải 7.000 tấn, nhiều tàu ngầm tấn công diesel và tàu đệm khí. Năm nhà máy đóng tàu khác của Trung Quốc cũng đang hoạt động hết công suất.
Dự báo năm 2018-2019 sẽ là năm cao điểm giao tàu và đưa tàu vào sử dụng. Sau đó đến năm 2020, hải quân Trung Quốc sẽ đưa vào sử dụng tàu sân bay thứ hai và các tàu khu trục lớp 055 loại lớn đầu tiên.
Ngoài ra cần lưu ý hải quân Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất thế hệ đầu tiên của tàu chở máy bay trực thăng lớp 075 tại nhà máy đóng tàu ở Thượng Hải. Đây cũng là nhà máy sẽ sản xuất tàu hộ vệ chống tàu ngầm lớp mới 054B. Có tin cho rằng hợp đồng lớp tàu hộ vệ mới này lên đến 24 chiếc.
Tàu khu trục nhỏ Hứa Xương số hiệu 536 - Ảnh: HK
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận