Phóng to |
Ông Lindsey Kiang (trái) chụp hình cùng một người bạn ở tiệm Phở Bình, số 7 đường Lý Chính Thắng (TPHCM), từng là căn trú ẩn của tổ chức Việt Cộng F100 trong chiến dịch Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Hình chụp năm 2012. Ảnh: Trần Quốc Dũng |
Ông Lindsey Kiang chụp hình lưu niệm trước tiệm Phở Bình, số 7 đường Lý Chính Thắng (TPHCM), từng là căn trú ẩn của tổ chức Việt Cộng F100 trong chiến dịch Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Hình chụp năm 2012. Ảnh: Trần Quốc Dũng |
Ngày 30-4 hằng năm nhắc nhở chúng ta về chiến tranh Việt Nam. Có thể nói, các cá nhân đã đóng góp nhiều cho việc củng cố mối quan hệ giữa hai nước trong đó có các cựu binh Mỹ, những người tham chiến trong chiến tranh Việt Nam.
Đằng sau quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam mà tổng thống Bill Clinton công bố năm 1995 có sự đóng góp vô cùng lớn của hai cựu binh là thượng nghị sĩ John McCain và John Kerry.
Và khi Mỹ nhanh chóng thành lập đại sứ quán đầu tiên ở Hà Nội vào năm 1995, cựu phi công Douglas “Pete” Peterson được chỉ định trở thành đại sứ Mỹ đầu tiên ở Việt Nam. Peterson đã trải qua sáu năm ở “Hanoi Hilton” hay còn gọi là ngục Hỏa Lò sau khi máy bay ông lái bị quân đội Bắc Việt bắn rơi.
Bản thân tôi cũng từng có thời gian vài tháng phục vụ cho đại sứ quán Mỹ đầu tiên ở Hà Nội với vai trò tùy viên quân sự. Tôi cảm thấy vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến thành phần nhân sự kỳ lạ trong thời gian đầu thành lập sứ quán.
Do thời gian quá gấp rút, chính quyền Clinton kêu gọi các nhân viên tình nguyện đến làm việc cho sứ quán Mỹ ở Việt Nam. Có rất nhiều người xung phong, bao gồm những cựu binh Mỹ, các quan chức Mỹ có vợ người Việt, Việt kiều và những cá nhân khác muốn trở thành một phần của thời khắc lịch sử trong quan hệ Mỹ - Việt. Những nỗ lực tiên phong của nhóm người Mỹ đầu tiên này đã đóng góp rất nhiều cho việc thiết lập nền tảng mối quan hệ thân thiết giữa hai dân tộc.
Trong những lần thăm Việt Nam sau đó, tôi còn gặp nhiều cựu binh Mỹ góp công vun xới quan hệ hai dân tộc. Những đóng góp của họ rất thầm lặng và thường không được chính quyền hay giới truyền thông hai nước chú ý. Trong số đó có Chuck Searcy, một cựu nhân viên tình báo ở Sài Gòn và hiện là cư dân ở Hà Nội. Ông Chuck đã dành nhiều năm tham gia một tổ chức do các cựu binh Mỹ sáng lập với nhiệm vụ xử lý bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở các tỉnh miền Trung, bao gồm tháo ngòi bom mìn, cung cấp những dịch vụ y tế và tạo công ăn việc làm cho người dân ở những nơi đó.
Trong khi đó, David Thomas, một công binh từng đóng quân ở Pleiku, đã dành hơn 25 năm phục vụ Indochina Arts Partnership, một tổ chức trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Mỹ. David là một trong số ít người nước ngoài được Chính phủ Việt Nam vinh danh nhờ có đóng góp cho nghệ thuật nước này.
Một người bạn của tôi ở Boston, bang Massachusetts - trước đây là chỉ huy một đơn vị hải quân từng tham chiến gần Đà Nẵng - giờ dành nhiều thời gian cầu nguyện cho tất cả những người đã chết trong cuộc chiến đó, bao gồm những đồng đội lính thủy của ông cũng như những người lính Bắc Việt.
Thật thiếu sót khi không đề cập đến tình bạn đẹp giữa trung tướng lục quân Mỹ Harold G. Moore và thượng tướng Nguyễn Hữu An (mất năm 1995) của Quân đội nhân dân Việt Nam. Họ từng đứng hai bên bờ chiến tuyến trong trận đánh ác liệt tại thung lũng Ia Đrăng, Pleiku năm 1965. Năm 1993, tướng Moore trở lại Việt Nam. Tại đây ông gặp gỡ và kết bạn với tướng An rồi sau đó hai người cùng nhau thăm lại chiến trường xưa.
Tướng Moore là tác giả vài đầu sách viết về trải nghiệm thời chiến của mình cũng như tình bạn giữa ông và những cựu thù người Việt. Một trong những quyển sách này được chuyển thể thành bộ phim We were soldiers (Chúng tôi từng là chiến binh) nói về trận chiến Ia Đrăng. Ông Moore là một vị tướng nổi tiếng ở Mỹ, do vậy không có gì ngạc nhiên khi ông có tiếng nói mạnh mẽ đối với các cựu binh Mỹ trong việc kêu gọi họ nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với Việt Nam sau chiến tranh.
Còn rất nhiều câu chuyện về những cựu binh khác, những người đang đóng góp thầm lặng và với tư cách cá nhân để xây dựng một mối quan hệ nồng ấm và lâu dài giữa hai dân tộc Việt - Mỹ.
Nhiều người hỏi tôi rằng: “Sao một cựu binh Mỹ lại làm vậy khi ông ấy và đối phương của mình cố giết nhau trong cuộc chiến trước đây?”. Tôi nghĩ câu trả lời khá đơn giản. Những trải nghiệm trong chiến tranh và những ký ức về lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết khiến nhiều cựu binh Mỹ nhận ra rằng tất cả mọi người, thậm chí những người từng đối địch với họ, đều có lòng nhân ái.
Vì những cựu binh ở hai phía cùng trải qua những nỗi kinh hoàng trong cuộc chiến nên mối quan hệ của họ đang được gắn kết theo một cách mà những người không tham gia cuộc chiến không thể hiểu rõ được. Tuy nhiên, có một điều mà ai cũng hiểu và ghi nhớ vào ngày 30-4 hằng năm là sẽ không có cuộc chiến nào nữa giữa Mỹ và Việt Nam và rằng người dân ở hai quốc gia đang là những người bạn và nên là những người bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận