Tuổi Trẻ trích ý kiến bạn đọc góp ý về vấn đề này.
Tiến sĩ, luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG (Đoàn luật sư Hà Nội):
Quy định mới có nhiều điểm thoáng hơn
Theo quy định của Luật Cư trú và nghị định hướng dẫn hiện hành, nơi cư trú hợp pháp có thể là nơi tạm trú hoặc thường trú.
Dự thảo nghị định mới bổ sung quy định khi đăng ký thường trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng giấy tờ, tài liệu chứng minh: giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ mua bán viết tay, cam kết về việc không có tranh chấp; bổ sung hợp đồng mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Dự thảo cũng bổ sung các quy định liên quan nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú.
Trong đó, người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo ngay thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở.
Nếu đã có nơi thường trú nhưng chưa đủ điều kiện để đăng ký thường trú, tạm trú thì khai báo thông tin về nơi ở hiện tại với cơ quan đăng ký cư trú để cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào cơ sở dữ liệu về cư trú...
Như vậy, dự thảo nghị định sửa đổi lần này hướng đến đảm bảo tốt hơn quyền của công dân, ghi nhận việc cư trú thực tế, những giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà thể hiện tính ngay tình, công khai là được chấp nhận.
Quy định mở như vậy cần thiết, tạo điều kiện tối đa cho người dân.
Nhìn chung các nội dung mới trong dự thảo nghị định lần này phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Tự do cư trú là quyền hiến định, được quy định rất cụ thể trong Luật Cư trú. Thực tế nhiều người dân vẫn đến nhiều tỉnh, TP khác để mưu sinh nhưng không phải ai cũng có thể đăng ký thường trú.
Nhiều trường hợp chỗ ở của họ ổn định nhiều năm nhưng chỉ là giấy tờ viết tay hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang được thế chấp tại ngân hàng nên không thể thực hiện được thủ tục đăng ký thường trú, gây khó khăn, phiền hà cho rất nhiều người.
Bạn đọc TRẦN ĐÌNH TĂNG:
Trẻ mới sinh được đăng ký thường trú
Khoản 1, điều 7, nghị định 31/2014 (có hiệu lực từ ngày 15-6-2014 đến hết ngày 1-7-2021) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú có quy định:
"Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày trẻ em được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người giám hộ, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ em đó".
Nghị định 62/2021 ngày 29-6-2021 quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú đã bãi bỏ quy định này, không có quy định thời hạn đăng ký thường trú cho trẻ em mới sinh.
Việc dự thảo đề xuất bổ sung quy định đăng ký thường trú cho trẻ em mới sinh là rất cần thiết.
Người dân và cơ quan đăng ký cư trú có căn cứ rõ ràng, thuận tiện hơn trong việc thẩm định hồ sơ để thực hiện việc đăng ký thường trú cho trẻ em mới sinh.
Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG (Đoàn luật sư TP.HCM):
Thủ tục đơn giản để khuyến khích công dân đăng ký cư trú
Hiện nay việc quản lý công dân đã có mã định danh cá nhân, định danh điện tử. Cơ quan thực hiện thủ tục đăng ký cư trú phải khai thác dữ liệu này để đơn giản hóa tối đa thủ tục, hồ sơ.
Thủ tục càng đơn giản thì khuyến khích người dân đăng ký thường xuyên, việc quản lý của Nhà nước dễ dàng hơn. Việc đăng ký tạm trú thực hiện qua ứng dụng VNeID là tiện lợi nhất. Cần cải thiện ứng dụng này để người dân thao tác dễ dàng hơn.
Trong dự thảo có quy định việc chứng minh có chỗ ở hợp pháp cần có hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Tuy nhiên, theo Luật Nhà ở thì nhà ở hình thành trong tương lai là "nhà ở đang trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng".
Công trình chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng thì không thể có người cư trú hợp pháp. Nếu một người không có cư trú thực tế, không có cư trú hợp pháp thì không thể đăng ký cư trú. Theo tôi, không nên xem hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là giấy tờ chứng minh nơi cư trú hợp pháp.
Theo Bộ Công an, qua 3 năm triển khai nghị định 62 quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú còn tồn tại nhiều hạn chế.
Việc đề xuất xây dựng nghị định mới để khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay. Cùng với đó, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư.
Dự thảo cũng hướng đến việc hiện đại hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác quản lý dân cư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp.
Một công chứng viên tại TP.HCM:
Không nên bắt buộc công chứng, sao y giấy tờ
Về giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp của người thuê nhà, dự thảo đề xuất bổ sung thêm hợp đồng thuê nhà có công chứng, chứng thực nếu những người thuê nhà muốn đăng ký thường trú tại nhà thuê.
Theo các quy định hiện hành, việc cho thuê nhà, mượn nhà, cho ở nhờ không bắt buộc phải công chứng. Theo tôi, không nên bắt buộc người dân phải có bản sao y, chứng thực. Chi phí sao y tuy không nhiều nhưng người dân phải nghỉ việc trong giờ hành chính để đến UBND phường hoặc phòng công chứng để sao y.
Một số nơi lại không chấp nhận bản sao y mà thời gian chứng thực quá 6 tháng dù hiện không có một văn bản pháp luật nào quy định thời hạn này.
Thói quen của người dân khi đi sao y giấy tờ thường làm dư ra một vài bản phòng khi có việc khác thì dùng nhưng sau đó lại không được chấp nhận, mỗi lần cần bản sao lại mất thời gian đi sao y.
Việc này gây lãng phí thời gian của người dân, và còn lãng phí tiền bỏ ra để làm bản sao y rồi không dùng được, lãng phí cả công sức của những người sao y.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận