Thí sinh cần lưu ý gì?
"Bài học không quên"
"Tổng điểm kiểm tra cuối học kỳ 2 lớp 9 của con tôi là 25 điểm cho toán, văn, ngoại ngữ. Cô chủ nhiệm nói thường điểm thi vào lớp 10 sẽ không được cao như điểm kiểm tra cuối học kỳ, nên phải trừ hao. Cô khuyên con tôi nên đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Bùi Thị Xuân hoặc THPT Lê Quý Đôn.
Tuy nhiên, con tôi thích Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai hơn và muốn nguyện vọng 1 vào trường này. Cô chủ nhiệm khuyên không nên vì quá phiêu lưu. Nhưng con gái tôi khăng khăng sẽ nỗ lực hết sức để đậu được nguyện vọng 1. Mẹ và cô hãy cho con cơ hội để thử sức mình.
Kết quả, con tôi thi được 23,5 điểm, trong khi điểm chuẩn vào Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai là 24,25 điểm.
Dò danh sách điểm chuẩn nguyện vọng 1, con gái bật khóc. Tôi ngồi kế bên, động viên con: Không sao, vẫn còn cơ hội vào Trường THPT Bùi Thị Xuân. Nhưng hỡi ôi, dò sang điểm chuẩn nguyện vọng 2 thì Trường Bùi Thị Xuân lấy 24,5 điểm.
Cuối cùng, con tôi đậu nguyện vọng 3 vào một trường tốp giữa ở quận 3 dù điểm thi khá cao". Đó là câu chuyện ở mùa tuyển sinh lớp 10 năm 2023 với con gái chị N.B.N., ở quận 3.
Chị N. kể: "Gia đình tôi có một bài học không thể quên. Đó là đừng để cho con đăng ký nguyện vọng 1 vượt quá năng lực học tập của bản thân. Ngay từ đầu, nếu cháu không hy vọng vào sự nỗ lực, may mắn mà đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường Bùi Thị Xuân thì đã đậu rồi. Bởi điểm chuẩn nguyện vọng 1 vào Bùi Thị Xuân chỉ có 23,5 điểm".
Tương tự, cô M., giáo viên chủ nhiệm lớp 9 ở quận Tân Bình, cũng cho biết: "Nhiều học sinh chọn đăng ký vào trường THPT mình thích mà không để ý đến khả năng học tập. Có em học lực khá nhưng đăng ký vào trường THPT tốp đầu.
Khi tôi tư vấn, giải thích em vẫn một mực nói sẽ tăng tốc học tập để đạt được ước mơ. Thậm chí, có trường hợp tôi khuyên học sinh không được bèn gọi điện cho phụ huynh. Không ngờ phụ huynh trả lời là trường tốp đầu, chất lượng tốt hơn thì cháu đăng ký là đúng rồi.
Có phụ huynh còn cho rằng giáo viên tư vấn chọn nguyện vọng an toàn vì bệnh thành tích. Cuối cùng những học sinh như vậy rớt cả nguyện vọng 1 và 2. Có em còn rớt cả 3 nguyện vọng vì đăng ký vào những trường có điểm chuẩn gần nhau".
Cô M. đúc kết: khi chọn nguyện vọng vào lớp 10 cần "liệu cơm gắp mắm" chứ đến cuối học kỳ 2 thì có tăng tốc, nỗ lực cũng rất khó thay đổi tình hình.
Lưu ý chương trình mới
Ông Lê Hoài Nam, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chia sẻ: "Trước đây, khi đăng ký nguyện vọng tuyển sinh lớp 10, thí sinh chỉ cần căn cứ vào năng lực học tập, điểm chuẩn vào lớp 10 của trường THPT ở năm trước, khoảng cách từ nhà mình đến trường THPT. Năm nay, tôi khuyên học sinh và phụ huynh cần lưu ý đến việc triển khai giảng dạy chương trình lớp 10 ở trường THPT mình chọn lựa".
Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai tại các trường THPT từ năm học 2022-2023. Trong đó, học sinh sẽ học 8 môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ 1, lịch sử, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh, nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp.
Ngoài ra, học sinh lớp 10 sẽ được chọn 5 trong số 10 môn học lựa chọn. Các môn lựa chọn được thiết kế theo 3 nhóm tương ứng với 3 định hướng nghề nghiệp là khoa học xã hội (địa lý, kinh tế và pháp luật); khoa học tự nhiên (các môn vật lý, hóa học, sinh học); công nghệ - nghệ thuật (công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật).
Thế nhưng, do thiếu giáo viên, thiếu phòng học nên nhiều trường THPT ở TP.HCM không thể tổ chức cho học sinh chọn lựa từng môn học theo sở thích và năng lực. Thay vào đó, các trường tổ chức môn học lựa chọn theo tổ hợp môn. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh và học sinh lớp 9 ít quan tâm đến vấn đề này.
Ghi nhận từ mùa thi tuyển sinh lớp 10 năm 2022, 2023 cho thấy khi đã đậu vào lớp 10 công lập rồi, nhiều học sinh mới ngỡ ngàng nhận ra là trường THPT không tổ chức dạy môn học mà mình yêu thích. Như trường hợp N.V.B.K. của mùa thi năm 2023. Khi đã đậu vào lớp 10 ở một trường THPT trên địa bàn TP Thủ Đức, K. mới nhận ra trường này không tổ chức dạy môn mỹ thuật. Trong khi đó, K. mong muốn được học môn này vì ước mơ sau này sẽ học ngành thiết kế thời trang.
Những điểm mới
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, mùa thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024 có những điểm mới sau: hai trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa không tuyển sinh lớp 10 không chuyên, không tuyển sinh lớp 10 tích hợp.
Thay vào đó, hai trường này sẽ tuyển sinh lớp 10 chuyên Anh mới (hay còn gọi là lớp chuyên Anh theo đề án 5695 hoặc lớp chuyên Anh - toán - khoa học). Những năm trước, mỗi thí sinh chỉ có 2 nguyện vọng vào lớp 10 chuyên thì nay tăng lên 3 nguyện vọng; 2 nguyện vọng vào lớp 10 tích hợp thì nay tăng lên 3 nguyện vọng.
* Ông Lê Hoài Nam (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):
3 sai lầm phổ biến
Những năm qua, nhiều em sai lầm khi đăng ký nguyện vọng tuyển sinh lớp 10 thường rơi vào các trường hợp sau: Thứ nhất, chọn trường THPT theo ý thích, theo các bạn chứ không căn cứ vào những yếu tố mà giáo viên chủ nhiệm tư vấn. Khi trúng tuyển, học sinh lại muốn thay đổi để được đi học gần nhà.
Chuyện này là không thể vì nguyên tắc thí sinh trúng tuyển trường nào phải học trường đó, không được phép thay đổi nguyện vọng vì bất cứ lý do gì.
Sai lầm thứ hai là sắp xếp nguyện vọng không phù hợp. Nguyên tắc là đăng ký nguyện vọng 1 vào trường có điểm chuẩn phù hợp với năng lực bản thân. Nguyện vọng 2 vào trường có điểm chuẩn thấp hơn nguyện vọng 1 từ 2 - 3 điểm. Nguyện vọng 3 vào trường có điểm chuẩn thấp hơn nguyện vọng 2 từ 2 - 3 điểm.
Nhưng thực tế một số em không làm theo nguyên tắc này, dẫn đến việc trúng tuyển vào trường không mong muốn. Hoặc có em rớt cả 3 nguyện vọng dù điểm cao và có khả năng trúng tuyển nếu biết cách sắp xếp.
Sai lầm thứ ba là chọn trường không có các môn tự chọn phù hợp với nhu cầu bản thân dẫn tới việc trúng tuyển nhưng không thể chọn nhóm môn học phù hợp với định hướng tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận