16/11/2017 10:49 GMT+7

Đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi, mang cho em cuộc đời...

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Chiều 14-11 vừa qua, 19 đứa trẻ bị bỏ rơi, khiếm khuyết cơ thể vừa được đăng ký khai sinh nhờ vào tấm lòng của những nhân viên y tế Bệnh viện phụ sản Từ Dũ.

Trong ba năm qua, hàng trăm đứa trẻ bị bỏ rơi ở đây đã có được "tấm vé vào đời" như vậy. Một câu chuyện đẹp giữa những tin tức bộn bề trên mặt báo, bởi từ tờ giấy khai sinh, các em sẽ được đảm bảo quyền công dân, được khám chữa bệnh miễn phí, được hòa nhập cộng đồng...

Những người hết lòng hết sức để các em sớm được hưởng quyền lợi của mình là ai? 

Đó là ông trưởng phòng hành chính quản trị bệnh viện, vì trăn trở với những đứa trẻ vô tội mà thêm vào kế hoạch làm việc của mình: "phải đăng ký cho bằng được giấy khai sinh". 

Là chị Lê Kim Thủy, nhân viên của phòng, miệt mài chạy ngược chạy xuôi lo thủ tục giấy tờ suốt ba năm qua. Chồng của chị lại tình nguyện làm tài xế đưa những đứa trẻ đã được hoàn tất thủ tục về nơi nuôi dưỡng...

Số lượng những đứa trẻ bị bỏ rơi ngày một tăng lên khiến những người có lòng tốt như vậy mỗi ngày mỗi bận lòng thêm. Trong lúc họ ngược xuôi lo giấy tờ, lo tìm nơi chốn nuôi dưỡng, tìm nơi thăm khám khi đau bệnh, tìm trường học khi trẻ lớn, cha mẹ các em ở nơi nào? 

Đành rằng lòng người là mênh mông, những đứa trẻ thiếu may mắn vì bị cha mẹ bỏ rơi vẫn có cơ hội được gặp may mắn hơn khi có vòng tay sẵn sàng đưa ra đón đỡ, khi được nhận tấm tình bao la có thể thay thế cả sự thiêng liêng của huyết thống mẹ cha. Nhiều em bé trong hoàn cảnh như vậy đã lớn lên, đã trưởng thành và có cho mình một cuộc sống tốt đẹp, thật tốt đẹp. 

Nhưng trong những câu chuyện ấy, bao giờ cũng còn một khoảng trống còn lại, như khoảng trống của tên cha, mẹ trong giấy khai sinh...

Ghi tên mình cạnh tên đứa trẻ trong tờ giấy khai sinh có lẽ là một cảm xúc đặc biệt. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn coi khai sinh gốc của mình là một kỷ vật. Mỗi khi cầm tờ giấy đó, tôi trìu mến nhìn xuống dòng gần cuối. 

Nơi ấy có dòng chữ nghiêng nghiêng rắn rỏi của cha tôi: "Quan hệ với người được khai sinh: Cha đẻ". Hẳn là khi ghi hai chữ đó, ông đã cảm thấy hạnh phúc và tự hào lắm, dù rằng kèm theo niềm vui ấy là một trách nhiệm nặng nề và sẽ dài theo năm tháng. 

Nhớ đến kỷ vật của mình, tôi tự hỏi: những đứa trẻ khi lớn lên, khi biết nghĩ suy, sẽ cảm thấy thế nào khi nhìn vào khoảng trống trên giấy khai sinh của mình?

Chị Thủy kể rằng vào những tháng cuối năm, số trẻ bị bỏ rơi nhiều hơn, đa số là con của những bà mẹ trẻ. 

Tính theo thời gian, có lẽ nhiều em đã được mẹ mang thai từ những ngày lễ, tết. Họ tạo nên đứa trẻ trong tình cảm yêu thương ấm áp, rồi lại bỏ các em bơ vơ giữa đời. Lẽ cuộc đời là khi một đứa trẻ được tạo ra, đồng thời một cô gái cũng trở thành người mẹ, một chàng trai trở thành người cha với những yêu thương và trách nhiệm của mình. 

Được làm người là một đặc ân, làm cha mẹ cũng là một đặc ân. Không thể lựa chọn đặc ân làm người thì đặc ân làm cha mẹ cần phải được thực hiện một cách thật đầy yêu thương và trách nhiệm.

Đăng ký khai sinh cho 19 trẻ bị bỏ rơi Cháu bé 2 khai sinh: Nơi nới, nơi siết thủ tục Cần quy định chặt chẽ khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi
MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên