PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Ngày 7-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT- cho biết:
- Khi đăng ký dự thi, thí sinh cần lưu ý một số điểm mới và những điểm mà các năm trước đây thí sinh thường nhầm lẫn.
Năm 2017, thí sinh đang học lớp 12 phải đăng ký thi đủ các môn thành phần của bài thi tổ hợp. Chỉ có thí sinh tự do đã tốt nghiệp hoặc thí sinh được bảo lưu điểm thi theo quy định của quy chế mới được chọn các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.
Theo quy chế, để xét tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục thường xuyên không phải thi môn ngoại ngữ. Tuy nhiên, nếu thí sinh có nguyện vọng xét tuyển theo các tổ hợp có môn ngoại ngữ thì vẫn phải đăng ký thi môn này, để có kết quả tham gia xét tuyển vào ngành học mong muốn.
Được điều chỉnh nguyện vọng
* Quy chế cho phép thí sinh có thể chọn bài thi tổ hợp có kết quả cao hơn để xét tốt nghiệp. Vậy tại sao mới đây bộ lại giải thích nếu thí sinh không thi bài thi tổ hợp đã đăng ký sẽ không được xét tốt nghiệp?
- Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT quy định: để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi ba bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và tự chọn một trong số hai bài thi tổ hợp - khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.
Quy chế cũng quy định thí sinh có thể đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp. Trong trường hợp này, điểm bài thi nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Như vậy, có hai cách đăng ký bài thi để xét tốt nghiệp: 4 bài và 5 bài (đối với thí sinh giáo dục thường xuyên là 3 bài và 4 bài). Việc chọn phương án đăng ký nào là quyền của thí sinh. Nhưng phải thi đủ số bài đã đăng ký mới được xét công nhận tốt nghiệp.
Thí sinh đã đăng ký hai bài thi tổ hợp, bắt buộc phải dự thi cả hai bài. Các em không cần quá lo lắng, sợ một trong hai bài thi bị điểm kém mà bỏ thi luôn, bởi vì như đã nói, bài thi nào đạt điểm cao hơn sẽ được sử dụng để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT.
Thí sinh tự do nộp hồ sơ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH năm 2017 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.10, TP.HCM chiều 7-4 - Ảnh: NHƯ HÙNG |
* Có những thí sinh chưa rõ quy định nên đã đăng ký hai bài thi, nay chỉ muốn thi một bài thì có được điều chỉnh nguyện vọng? Thí sinh tự do (chỉ dự thi các môn dùng để xét tuyển ĐH) có bị ràng buộc việc bỏ môn thi, bài thi đã đăng ký?
- Bộ GD-ĐT đã tạo cơ chế mở cho thí sinh trong việc điều chỉnh nguyện vọng, điều chỉnh các thông tin liên quan trong suốt thời gian đăng ký dự thi. Từ ngày 1 đến 20-4, thí sinh hoàn toàn có thể thay đổi các thông tin đã đăng ký dự thi. Vì vậy, thí sinh đã đăng ký hai bài tổ hợp, nếu muốn đăng ký lại thành một bài, hoàn toàn có thể điều chỉnh nguyện vọng.
Riêng thí sinh tự do đã tốt nghiệp sẽ không bị ràng buộc về việc bỏ môn thi, bài thi đã đăng ký; nhưng vẫn phải thi đủ các môn thi, bài thi tương ứng với nguyện vọng xét tuyển thì mới được xét tuyển vào các ngành đó.
Không được ép thí sinh chỉ đăng ký 1 bài tổ hợp
* Có trường THPT thuyết phục học sinh không nên đăng ký hai bài thi tổ hợp vì lo có rủi ro. Cách can thiệp như vậy có đúng quy định?
- Nếu có trường nào đó ép thí sinh không được đăng ký hai bài thi tổ hợp, chỉ được thi một bài là hoàn toàn không đúng với quy chế. Việc đăng ký hai bài thi tổ hợp là quyền lựa chọn của thí sinh. Nếu thi cả hai bài thi tổ hợp gồm nhiều môn thi thành phần, thí sinh sẽ có thêm cơ hội trong cả xét tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển ĐH với nhiều tổ hợp môn thi.
Các trường không nên thuyết phục để thí sinh không đăng ký cả hai bài. Tuy nhiên, thí sinh đã đăng ký hai bài thi sẽ chịu những ràng buộc nhất định trong việc phải thi cả hai bài. Vì vậy, các trường tư vấn cho học sinh về các cơ hội cũng như thách thức khi chọn hai bài thi tổ hợp là việc cần thiết.
* Nhiều trường THPT và thí sinh cho rằng thời gian giữa các môn thi thành phần quá ít, nên khó khăn cho việc tổ chức và chuẩn bị thi. Bộ GD-ĐT có điều chỉnh hoặc hướng dẫn bổ sung về những băn khoăn này?
- Trước khi xây dựng quy chế và hướng dẫn tổ chức thi, Bộ GD-ĐT đã tổ chức thi thử các bài thi tổ hợp ở các trường THPT. Thực tế kết quả thi thử và phỏng vấn nhanh các thí sinh dự thi cho thấy: thời gian 20 phút giữa hai bài thi thành phần (dùng để thu đề thi và giấy nháp, phát đề thi mới) là phù hợp.
Tuy nhiên, với bài thi tổ hợp có nhiều quy định mới, đòi hỏi cán bộ coi thi phải nghiên cứu kỹ quy chế, nếu không sẽ lúng túng khi triển khai. Vì thế, các sở GD-ĐT phải chủ động tổ chức tập huấn kỹ, thống nhất hiệu lệnh. Tốt nhất nên để cho mỗi cán bộ coi thi được thực hành ít nhất một lần. Những vấn đề phát sinh hay còn chưa rõ trong khi tập huấn sẽ được rút kinh nghiệm ngay, để khi làm thật được tốt.
Không nên tổ chức thi thử * Theo ông, có nên khuyến khích các địa phương tổ chức thi khảo sát như thi THPT quốc gia, như Hà Nội đã làm? - TS Vũ Đình Chuẩn - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT: Tại văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học trong học kỳ 2 và ôn tập thi THPT quốc gia năm 2017, bộ đã lưu ý các sở GD-ĐT và các cơ sở giáo dục, trong quá trình dạy học và ôn luyện kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, cần nghiên cứu và giúp học sinh làm quen với các bộ đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT. Trên cơ sở các bộ đề thi minh họa của bộ, xây dựng thành các bài khảo sát giúp học sinh làm quen với cách phân tích đề thi, cách làm bài thi và tâm lý thi cử. Bên cạnh tác dụng hỗ trợ thí sinh, việc tổ chức thi thử còn giúp các giáo viên làm quen với cách tổ chức thi các bài thi tổ hợp. Tuy nhiên, có thể làm theo quy mô từng trường, chứ không nhất thiết phải tổ chức thành đợt thi thử với quy mô toàn tỉnh/thành phố. Việc tổ chức thi thử - nhất là khi không chuẩn bị chu đáo các điều kiện thực hiện, đề thi không được xây dựng theo quy chuẩn hóa, dễ gây tâm lý nặng nề, tốn kém thời gian, sức lực của giáo viên và học sinh. Vì vậy, bộ không khuyến khích các địa phương tổ chức thi khảo sát như vừa qua một vài địa phương đã làm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận