Các trung tâm đăng kiểm lo ngại phải tháo thiết bị trong dây chuyền kiểm định xe đưa đến Viện đo lường Việt Nam tại Hà Nội kiểm định - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Theo dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 23/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học - công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2, có 10 thiết bị phục vụ đăng kiểm xe cơ giới phải kiểm định hằng năm.
Chỉ kiểm định được ở Hà Nội
Cụ thể, dự thảo thông tư đang xin ý kiến các bộ, ngành và đơn vị liên quan có quy định 10 loại thiết bị thuộc lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới được đưa vào phương tiện đo nhóm 2.
Trong đó có nhiều thiết bị đặc chủng như: đo chiều cao hoa lốp xe cơ giới, đo độ rơ góc của vôlăng lái xe cơ giới, đo độ trượt ngang của bánh xe trong dây chuyền kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đo kiểm tra lực phanh xe cơ giới trong dây chuyền kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ...
Trong đơn gửi Thủ tướng, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam mới đây, gần 100 doanh nghiệp và đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trong tổng số 152 cơ sở đăng kiểm xe cơ giới trên khắp cả nước đã chỉ ra bất cập của quy định trên.
Theo đó, nếu các thiết bị trên được đưa vào phương tiện đo nhóm 2, sẽ phải kiểm định hằng năm bởi các đơn vị kiểm định thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng thuộc Bộ Khoa học - công nghệ.
Trong khi đó, theo thông báo của Tổng cục Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng công bố vào cuối tháng 2-2017, tất cả các tổ chức kiểm định phương tiện đo nhóm 2 tại các địa phương không có năng lực kiểm định được các bộ phận thiết bị trong dây chuyền kiểm định.
Vì vậy, các đơn vị đăng kiểm bày tỏ lo ngại nguy cơ tháo dỡ thiết bị, dây chuyền mang tới trụ sở Viện đo lường Việt Nam, thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng tại Hà Nội để kiểm định. Việc này gây khó khăn cho các đơn vị đăng kiểm, đặc biệt là các đơn vị tại khu vực vùng sâu vùng xa.
Chồng chéo và tốn kém?
Theo các đơn vị đăng kiểm, Luật giao thông đường bộ hiện hành quy định Cục Đăng kiểm là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành kiểm tra, đánh giá thiết bị, dây chuyền đăng kiểm xe.
Nếu tháo thiết bị trong dây chuyền đi kiểm định ở Viện đo lường Việt Nam rồi mang về lắp trở lại dây chuyền cũng phải được Cục Đăng kiểm kiểm định lại rồi mới được đưa vào hoạt động.
Vì vậy, quá trình này sẽ làm ngưng trệ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới của đơn vị và ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải của các doanh nghiệp và người dân tại các địa phương.
Các đơn vị đăng kiểm cho rằng việc quy định thêm Bộ Khoa học - công nghệ tham gia quản lý đối với dây chuyền thiết bị chuyên ngành là không cần thiết và gây ra sự quản lý chồng chéo giữa các cơ quan nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp, tốn kém, lãng phí tiền của xã hội.
Ngoài ra, các đơn vị đăng kiểm cho rằng giá kiểm định phương tiện đo nhóm 2 quá cao.
Theo thông báo của Viện đo lường Việt Nam, giá kiểm định một dây chuyền kiểm định xe trên 55 triệu đồng. Chi phí này quá cao so với phí kiểm tra hiện nay do Cục Đăng kiểm thực hiện là 3,1 triệu đồng/dây chuyền.
Không cần thêm tổ chức kiểm định
Theo ông Nguyễn Hữu Trí - phó cục trưởng Cục Đăng kiểm, dây chuyền thiết bị kiểm định xe cơ giới có các yêu cầu kỹ thuật riêng của nhà sản xuất về sử dụng mẫu, chuẩn đánh giá cũng như đào tạo người sử dụng, người kiểm tra, chuẩn đánh giá thiết bị.
Nội dung này đang được quy định cho Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện với đầy đủ các trang thiết bị kỹ thuật và nguồn nhân lực được đào tạo cấp chứng nhận. Quan điểm của Cục Đăng kiểm là việc có thêm tổ chức kiểm định là không cần thiết và làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.
Vì vậy, Cục Đăng kiểm đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có văn bản đề nghị Bộ Khoa học - công nghệ không đưa các bộ phận thiết bị kiểm tra trong dây chuyền kiểm định xe cơ giới vào danh mục phương tiện đo nhóm 2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận