Nguyên nhân tử vong thứ 2
Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ vừa điều trị bệnh nhân nữ ở Phù Ninh, Phú Thọ, có tiền sử khỏe mạnh, chưa phát hiện bệnh lý gì.
Bệnh nhân vào viện giờ thứ 3 sau suy giảm ý thức, liệt 1/2 người trái. Ngay khi vào viện, bệnh nhân được khám chụp phim CT sọ não có hình ảnh tắc động mạch cảnh trong phải. Điện tim phát hiện rung nhĩ.
Bệnh nhân đã được can thiệp mạch não cấp cứu lấy ra rất nhiều cục máu đông, sau can thiệp bệnh nhân tỉnh dần và đặc biệt tình trạng liệt của bệnh nhân cải thiện nhanh chóng. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân phải điều trị thuốc chống đông dự phòng đột quỵ cấp II.
Tương tự, bệnh nhân nam 30 tuổi tiền sử khỏe mạnh vào Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai vì đột ngột tê bì tay trái, không rõ yếu tay chân lúc đang làm việc bình thường. Các bác sĩ cấp cứu nghi ngờ đột quỵ não ở người trẻ. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy có nhồi máu não bán cầu phải.
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là tại sao một bệnh nhân nam 30 tuổi lại bị đột quỵ nhồi máu não trong khi tiền sử khỏe mạnh.
Siêu âm tim và dựng hình 3D tiểu nhĩ trái thấy huyết khối mới trong tiểu nhĩ trái kích thước lên tới 20mm, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị rung nhĩ cơn.
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, rung nhĩ là một trong các rối loạn nhịp tim phổ biến nhất hiện nay. Số lượng người mắc rung nhĩ có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây trên toàn thế giới.
Năm 2016, trên thế giới ghi nhận 46,3 triệu người mắc rung nhĩ. Hiện tại, ở châu Âu cứ 3 người trên 55 tuổi có 1 người bị rung nhĩ.
Dự đoán đến năm 2050, số lượng người mắc rung nhĩ tiếp tục gia tăng thêm khoảng 23%, riêng tại châu Á dự đoán có ít nhất 72 triệu người bị rung nhĩ và có 3 triệu người đột quỵ do rung nhĩ vào năm 2050.
Rung nhĩ là một loại rối loạn nhịp thường gặp và có tỉ lệ mắc tăng lên theo tuổi. Chỉ có khoảng 1% rung nhĩ ở các bệnh nhân tuổi < 60, trong khi đó có tới 12% ở tuổi từ 75-84 và thậm chí tới hơn 1/3 số bệnh nhân từ 80 tuổi trở lên có rung nhĩ.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ nhấn mạnh đột quỵ não và bệnh rung nhĩ có mối liên hệ mật thiết với nhau. Rung nhĩ là nguyên nhân đưa đến đột quỵ, chiếm khoảng 25% trong tổng số các trường hợp. Theo nhiều thống kê, rung nhĩ làm tăng nguy cơ bị đột quỵ lên đến 5 lần so với người bình thường.
Đột quỵ não là biến chứng nguy hiểm của rung nhĩ, để lại hậu quả nặng nề lên chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau đó. Đây cũng là bệnh lý hàng đầu gây nên tình trạng tổn thương thần kinh kéo dài ở người trưởng thành, là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai ở Việt Nam, sau bệnh lý tim mạch.
Gánh nặng bệnh tật liên quan đến rung nhĩ bao gồm các lần nhập viện do rung nhĩ gây rối loạn huyết động, các biến cố tắc mạch, suy tim và tử vong... Rung nhĩ làm tăng 5 lần nguy cơ đột quỵ và tỉ lệ này còn tiếp tục tăng theo tuổi. Rung nhĩ làm tăng 3 lần nguy cơ suy tim, tăng 2 lần nguy cơ tử vong...
Tầm soát, quản lý rung nhĩ để tránh đột quỵ
Dự phòng đột quỵ não là mục tiêu được ưu tiên khi quản lý một bệnh nhân rung nhĩ. Và tầm soát rung nhĩ cũng là mối quan tâm hàng đầu của bệnh nhân đột quỵ. Do đó bạn nên khám sức khỏe để được phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ.
Theo TS Phạm Trần Linh - Viện Tim mạch Việt Nam, rung nhĩ là một rối loạn nhịp trên thất, gây ảnh hưởng huyết động liên quan đến tần số đáp ứng thất bất thường (quá nhanh hoặc quá chậm) và mất sự đồng bộ giữa nhĩ và thất.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng cho biết bản thân rung nhĩ ít khi nguy hiểm chết người nhưng nó có thể dẫn tới một số biến chứng nặng nề.
Các triệu chứng thường gặp của rung nhĩ gồm cảm giác hồi hộp, trống ngực, mệt mỏi, khó thở do suy tim, và nguy hiểm nhất là đột quỵ (méo miệng, liệt nửa người, có thể hôn mê và tử vong). Vì thế, nếu đã được chẩn đoán là rung nhĩ, bạn cần phải tới bác sĩ để được khám và điều trị ngay
Trước hết, cần xác định xem rung nhĩ này do nguyên nhân gì và tiến hành điều trị theo nguyên nhân. Ở Việt Nam, tỉ lệ cao bệnh nhân gặp rung nhĩ do bệnh lý van tim do thấp (hẹp hai lá), nguyên nhân thứ 2 hay gặp là rung nhĩ do cường giáp, basedow...
Vì vậy, cần làm xét nghiệm hormone tuyến giáp để xem mình có bị cường giáp hay basedow không.
Một nguyên nhân rung nhĩ nữa là cao huyết áp lâu ngày, bệnh suy tim người già, hoặc một số rối loạn chuyển hóa khác. Nếu không mắc bệnh nào trong số những bệnh trên mà chỉ có rung nhĩ đơn thuần được gọi là rung nhĩ vô căn.
Trong mọi trường hợp rung nhĩ, cần phải uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ. Bởi khi bị rung nhĩ, bệnh nhân có nguy cơ cao hình thành cục máu đông trong buồng tim, điều này sẽ dẫn đến những nguy cơ tắc mạch não, mạch chi dẫn đến liệt nửa người, hoặc tàn phế, thậm chí tử vong.
Uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa các biến chứng này.
Trước đây rung nhĩ chỉ gặp ở người già, người trẻ dưới 40 tuổi rất hiếm gặp nhưng hiện tại ngày càng trẻ hóa, có cả ở tuổi 20 - 30.
Để phát hiện sớm rung nhĩ hoặc các tình trạng rối loạn nhịp tim (tim đập nhanh và không đều, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn và khó thở, thậm chí ngất xỉu...), người dân cần đi kiểm tra nhịp mạch thường xuyên và ít nhất 6 tháng/lần để phát hiện sớm bệnh.
Khi bệnh nhân rung nhĩ xuất hiện: đau thắt ngực hơn 5 phút, đau lan lên cổ hàm và cánh tay, vã mồ hôi lạnh đột ngột, cảm thấy đầu óc quay cuồng và khó thở, ho ra máu, tê bì tay chân và mặt, đau đầu dữ dội, giảm thị lực… là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ hoặc nhồi máu não.
"Để phòng ngừa rung nhĩ, người bệnh nên lựa chọn lối sống có lợi cho sức khỏe. Ăn uống khoa học theo chỉ định của bác sĩ và vận động thể lực phù hợp, đều đặn" - GS.TS Lê Ngọc Thành, chủ tịch Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam, khuyên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận