13/08/2024 17:44 GMT+7

Đang họp, chuông điện thoại reo inh ỏi khiến mọi người chưng hửng

MÂY TRẮNG
và 1 tác giả khác

Đang ngồi họp nghiêm túc, bỗng giật mình bởi tiếng chuông điện thoại của ai đó vang lên.

Sinh viên còn mang đủ loại thức ăn vào lớp làm dậy mùi rất khó chịu - Ảnh: AN VI

Sinh viên còn mang đủ loại thức ăn vào lớp làm dậy mùi rất khó chịu - Ảnh: AN VI

Như phản ánh: Nói chuyện ồn ào nơi công cộng đang trở thành thói quen khó bỏ của nhiều người. Ở bệnh viện, thang máy, xe buýt, máy bay, cứ chỗ nào có mạng miễn phí là có người mở loa điện thoại "tám".

Sau khi Tuổi Trẻ Online đăng loạt bài về thực trạng này, nhiều bạn đọc tiếp tục chia sẻ các tình huống "khó đỡ" khác ở nhiều nơi.

Dưới đây là những ghi nhận của Tuổi Trẻ Online.

Giật thót mình vì tiếng nhạc chuông

Làm việc văn phòng tại quận 1 (TP.HCM), anh Minh Quân (27 tuổi) chia sẻ rằng ở công ty anh có một số đồng nghiệp không chịu chuyển điện thoại sang chế độ im lặng trong giờ làm việc.

"Trong số này có một anh cài nhạc chuông điện thoại bằng bài hát yêu thích và không tắt chuông. Anh vốn có nhiều bạn bè và đối tác nên điện thoại reo thường xuyên. Chỉ khổ cho những người ngồi gần. Vì đang tập trung làm việc lại giật thót mình vì tiếng nhạc chuông rất to" - anh Quân than.

Thậm chí lúc vào phòng họp, tiếng chuông điện thoại mở loa vang lên khiến mọi người chưng hửng.

Khi được góp ý thì anh viện cớ: "Điện thoại để trong túi quần, vì vậy có tiếng chuông tiện nghe máy hơn, vì nhiều lúc không để ý lại bỏ lỡ cuộc gọi".

Rồi có một số đồng nghiệp cũng không tắt chuông. Mọi người đang tập trung làm việc thì shipper gọi nhận hàng, vậy là ai cũng phải nghe tiếng nhạc chuông bất đắc dĩ.

Trong một số hội thảo, tình trạng có người quên tắt chuông điện thoại cũng không hiếm. Có lần anh Quân đi dự một hội thảo, trong lúc diễn giả đang trình bày thì bên dưới, tiếng thông báo của ứng dụng chat Facebook Messenger từ một người trong phòng reo liên tục.

"Trường hợp này nếu ta không tắt chuông điện thoại thì có thể tắt thông báo tạm thời một tiếng. Đây là chức năng rất hữu ích của ứng dụng mà một số người không chịu dùng" - anh Quân bày tỏ.

Lớp học ồn ào như cái chợ

Câu chuyện ồn ào trong các lớp học không phải mới, luôn khiến giảng viên và nhiều bạn sinh viên nghiêm túc khác phải khó chịu.

Đến một lớp học khoảng chừng 30 người của một trường đại học ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, dù phía trên giảng viên đang giảng bài nhưng phía dưới nhiều người vẫn tụm ba, tụm năm lại nói chuyện. Họ cười đùa thoải mái cứ ngỡ như đang trong giờ giải lao.

Nếu không tụm vào nhau thì câu chuyện của những người ngồi cùng bàn cũng đủ khiến lớp học trở nên rất ồn ào. Tiếng giảng bài ở trên lúc nào cũng nghe thêm nhiều âm thanh xì xào, cười nói khúc khích đi kèm bên dưới.

"Với mấy môn giảng viên dễ, họ thường ít nhắc nhở nên các bạn rất thoải mái nói chuyện. Hoặc lúc học mấy môn đại cương, các bạn ấy cảm thấy không quá quan trọng thì chẳng thèm tập trung, cứ nói chuyện và làm việc riêng" - D., sinh viên năm 2, chia sẻ.

Nỗi khổ của D. và không ít người khác trong lớp là dù không nói chuyện cũng rất khó để nghe được bài giảng vì những tạp âm xung quanh. Thậm chí, không ít lần lớp ồn quá khiến giảng viên bực mình, tiết học cũng trở nên căng thẳng và không hiệu quả.

Chuyện đâu chỉ có thế, tiết học bắt đầu lúc 7h15 nhưng chốc chốc lại có người tung tăng đi vào lúc 8h, thậm chí còn trễ hơn. Người nào lịch sự thì còn gật đầu chào giảng viên một cái nhưng cũng không ít trường hợp đã vào trễ lại còn nghênh ngang như mình đi đúng giờ.

Những người đi trễ này cũng là nguyên nhân làm "dậy mùi" trong lớp, bởi họ thường mang theo cả đồ ăn sáng vào, vừa nghe giảng vừa ung dung ăn uống khiến các sinh viên xung quanh vô cùng khó chịu.

Nhiều người thích nói to để khoe khoang?

Nếu để ý, trong các quán cà phê, nhiều người cố tình nói to những câu chuyện tốt về mình như: mới được lên chức, tiền lương cao hay vừa mua được gì đó… như cố tình muốn những người xung quanh nghe được.

Có lần tôi gặp trường hợp một người đàn ông bước vào quán cà phê cùng với bạn của mình, nói chuyện bình thường thì không ảnh hưởng tới ai, nhưng mỗi khi người này đưa điện thoại lên cho bạn mình xem hình thì sẽ cố tình nói lớn về việc được đi đây, đi đó rất nhiều.

Nghe điện thoại cũng vậy, những người có sở thích khoe khoang mối quan hệ sẽ cố tình mở loa ngoài, bật âm lượng thật to để mọi người biết họ đang nói chuyện với ai.

Trong khi nói chuyện với người thân hay bạn bè bình thường họ lại bật nhỏ âm lượng để không bị lộ những điều không hay về mình.

Bạn từng là nạn nhân của những ứng xử ồn ào nơi công cộng? Theo bạn, giải pháp nào để hạn chế thói xấu này?

Mời bạn kể lại những điều mắt thấy tai nghe, cũng như giải pháp thông qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected]. Cảm ơn bạn!

Khoan trách cứ, có những ồn ào cần thiết cho cuộc sống?Khoan trách cứ, có những ồn ào cần thiết cho cuộc sống?

Góp ý chuyện người Việt có thói quen mở loa điện thoại, ồn ào nơi công cộng, theo bạn đọc Trần Thị Phương, hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh người khác để tìm được sự cảm thông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên