Bởi dòng nhạc kén khán giả mà anh đam mê, đeo đuổi là nhạc thính phòng - cách mạng, vợ Đăng Dương - ca sĩ Kim Xuyến - cho biết đến nay, dù đã ghi tên mình là một trong vài ca sĩ nổi tiếng của dòng nhạc đỏ, Đăng Dương vẫn "lủi thủi" khi đi diễn chứ không được săn đón như các ngôi sao nhạc nhẹ, cũng vất vả mới tổ chức được live show riêng…
Đăng Dương tâm sự bên lề buổi họp báo ngày 17-7 thông tin về live show cá nhân mang tên Tổ quốc gọi tên mình sẽ diễn ra ở Cung Hữu nghị Việt Xô ngày 23-8 tới.
Đăng Dương suýt không được học thanh nhạc
Đam mê ca hát từ nhỏ, nhưng Đăng Dương lại khăn gói từ quê nhà Hải Dương lên Hà Nội theo học đàn bầu với NSND Thanh Tâm tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia) năm 1986, khi mới 12 tuổi.
Đó là những năm cuối bao cấp vô cùng khó khăn. Những bữa cơm từ gạo hẩm với cậu bé đang tuổi lớn lúc nào cũng đói tới xiêu vẹo.
Rồi cũng tới ngày Đăng Dương tốt nghiệp sơ cấp lớp đàn bầu. Người bố nơi quê nhà nhìn những nghệ sĩ đàn dân tộc lúc bấy giờ đời sống quá khó khăn, không muốn con tiếp tục theo học, đã viết một lá thư gửi con trai, nói con về nhà ôn thi đại học tìm một con đường khác.
Đăng Dương nhớ bức thư của cha đã khiến anh rất xúc động, nhưng quyết tâm theo đuổi đam mê ca hát rất lớn nên đã viết thư xin cha đồng ý cho thi sang khoa thanh nhạc. Đăng Dương được cha đồng ý cho cơ hội và đã thành công.
Anh được chuyển sang học thanh nhạc vào năm 1992, với thầy là NSND Quang Thọ, sau đó là NSND Trung Kiên.
Năm 1995, anh giành giải thưởng đầu tiên là giải nhất cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội. Một năm sau giành giải nhất bảng sinh viên cuộc thi hát thính phòng tại TP.HCM, một cuộc thi uy tín trong giới chuyên nghiệp.
Từ đây, anh được đi biểu diễn, thi thố nhiều ở trong nước lẫn nước ngoài, hát cho kiều bào ở các nước Đông Âu, Liên bang Nga.
Tuy vậy, không giống dòng nhạc trẻ, nhạc nhẹ rất thịnh hành lúc bấy giờ, có thể giúp ca sĩ kiếm tiền dễ hơn, Đăng Dương vẫn lóc cóc đạp xe đạp đi hát ở nhà nổi Hồ Tây - một tụ điểm văn nghệ sôi động lúc bấy giờ ở Hà Nội - với cát sê 30.000 - 40.000 đồng.
Vậy nên, đến năm 2002, sau 10 năm đi hát, vợ chồng anh mới tích cóp và vay mượn mua được một căn hộ chung cư nhỏ ở bán đảo Linh Đàm với giá lúc bấy giờ là 300 triệu đồng.
Ước tình yêu nhạc đỏ luôn bất diệt với mọi thế hệ khán giả Việt
Nay thì vợ chồng ca sĩ cũng đã có nhà, có ô tô để vợ chồng tự lái đi biểu diễn đó đây. Tuy không giàu có được như các ngôi sao nhạc nhẹ, nhưng Đăng Dương là một trong số ít ca sĩ chỉ kiên định với dòng nhạc thính phòng - cách mạng chứ không kết hợp thêm các dòng nhạc ăn khách hơn như nhiều đồng nghiệp của anh lựa chọn.
Nhưng sau live show đầu tiên Mặt trời của tôi đạt giải Cống hiến năm 2017, Đăng Dương đang chuẩn bị cho live show thứ hai Tổ quốc gọi tên mình với nhiều đổi mới để gần hơn với công chúng trẻ.
Anh mời Dương Cầm làm giám đốc âm nhạc, kết hợp với ca sĩ khách mời là các nghệ sĩ trẻ như ca sĩ Đào Tố Loan, Võ Hạ Trâm, nhóm nhạc Oplus, chứ không phải những cái tên trong bộ ba nhạc đỏ nổi tiếng nhiều năm qua mà anh thường hát cùng là Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn. Anh muốn làm tươi mới cho dòng nhạc mà anh yêu và trung thành.
"Tôi yêu nhạc đỏ và tôi muốn làm được nhiều nhất cho dòng nhạc mình yêu. Tôi ao ước tình yêu nhạc đỏ luôn bất diệt với mọi thế hệ khán giả Việt", Đăng Dương nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận