Lãnh đạo Đảng Thai Raksa Chart, ông Preechapol Pongpanich, và các thành viên của đảng này đến Tòa án Hiến pháp ở Bangkok ngày 7-3 - Ảnh: REUTERS
"Tòa án ra lệnh giải tán Đảng Thai Raksa Chart", thẩm phán Taweekiet Meenakanit nêu rõ trong phán quyết.
Phán quyết còn cấm các thành viên ban chấp hành của Đảng Thai Raksa Chart tham gia hoạt động chính trị trong vòng 10 năm. Ngoài ra, hơn 280 thành viên của đảng này cũng không đủ tư cách tham gia cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Trong phán quyết, Tòa án Hiến pháp liên tục nhấn mạnh rằng Hoàng gia Thái Lan đứng ngoài chính trị và rằng bất kỳ hành động chọn phe phái nào trong chính trị cũng sẽ ảnh hưởng tới lập trường trung lập của Hoàng gia.
Công chúa Thái Lan Ubolratana Rajakanya Sirivadhana Barnavadi (bìa phải) - Ảnh: EPA
Để đảm bảo an ninh trong quá trình diễn ra phiên tòa, từ chiều nay (7-2) nhà chức trách Thái Lan đã triển khai 1.200 cảnh sát để bảo vệ phiên tòa khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết trước sự có mặt của khoảng 30 đại diện của Đảng Thai Raksa Chart và các thành viên của Ủy ban Bầu cử (EC).
Theo báo New York Times, để ngăn tình trạng bạo lực chính trị diễn ra trên đường phố Bangkok, ngoài việc triển khai lực lượng an ninh, nhà chức trách Thái Lan còn dựng lên các chướng ngại vật với biển báo cảnh báo những người phản đối có thể đối mặt với 6 tháng tù giam.
Trước đó, chính trường Thái Lan một phen chấn động khi công chúa Ubolratana được đề cử làm ứng viên cho chức thủ tướng, đại diện Đảng Thai Raksa Chart - một nhánh của Đảng Pheu Thai (Vì nước Thái, trung thành với thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra).
Cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24-3 tới sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên tại Thái Lan, kể từ cuộc đảo chính của quân đội để lật đổ bà Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin, vào giữa năm 2014.
Các phóng viên có mặt bên ngoài khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết vào chiều 7-3 - Ảnh: REUTERS
Hôm 11-2, EC đã chính thức hủy tư cách tranh cử của công chúa Ubolratana sau khi nhà vua Maha Vajiralongkorn - em của công chúa Ubolratana - lên tiếng phản đối. Việc công chúa ra tranh cử đã phá vỡ truyền thống đứng ngoài chính trị của Hoàng gia lâu nay.
EC nói rằng việc đề cử công chúa Ubolratana ra tranh cử là hành động "thù địch chống lại nền dân chủ với vua là nguyên thủ quốc gia".
Thái Lan đi theo chính thể quân chủ lập hiến kể từ năm 1932. Tuy nhiên, Hoàng gia nắm giữ ảnh hưởng lớn và nhận được sự tôn trọng hết mực của hàng triệu người Thái.
Ông Titipol Phakdeewanich, trưởng khoa khoa học chính trị tại Đại học Ubon Ratchathani (Thái Lan), từng nhận định "ván cờ" đề cử một thành viên Hoàng gia có thể sẽ đem lại kết quả ngược sự mong đợi của Đảng Thai Raksa Chart.
Với việc đảng này bị giải tán, các đảng có chính sách chống gia đình Thaksin sẽ dễ kiếm thêm ghế trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, dù vẫn còn các đảng khác thân ông Thaksin tham gia tranh cử.
Các thành viên Đảng Thai Raksa Chart đến Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 7-3 - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận