Ông Phạm Hồng Sơn, chuyên gia về thương mại điện tử và chuyển đổi số hệ thống phân phối, đưa ra nhận định như vậy tại sự kiện Ăn trưa làm việc - LBC Luncheon - với chủ đề "Lộ trình chuyển đổi số hướng đến thị trường" vừa diễn ra ở TP.HCM.
Dữ liệu của doanh nghiệp cho thấy, kênh truyền thống tại các chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa chiếm 70% lượng hàng tiêu dùng được phân phối, tỉ lệ tăng trưởng 4 - 5%.
Tiếp đến là kênh bán hàng hiện đại, tại siêu thị, cửa hàng tiện ích chiếm 20% doanh số, tốc độ tăng trưởng 10%.
Cuối cùng mới đến kênh bán hàng trực tuyến, chỉ chiếm 5%, tốc độ tăng trưởng cao 35 - 45% và đang khuấy động thị trường bán lẻ thời gian qua.
Nghịch lý ở thị trường, theo ông Sơn, là chi phí bán hàng của kênh truyền thống đang được đầu tư thấp nhất. Trong khi đó, kênh hiện đại và kênh trực tuyến nhận chi phí lớn nhất thông qua các khuyến mãi "sập sàn" hay chi tiền khủng cho KOL, KOC...
Theo chuyên gia này, đang diễn ra thực tế là tiền đổ nhiều vào hoạt động khuyến mãi dồi dào nhưng nhu cầu người dùng không tăng. Việc đẩy tiền vào nơi hàng không bán được hay tư duy "chạy số" còn tạo ra sự méo mó trên thị trường.
Đó là quá nhiều khuyến mãi ở kênh siêu thị hay online sẽ dẫn đến hàng bị "chạy" ra ngoài, xuất hiện dấu hiệu trục lợi. Lúc đó doanh nghiệp tự rơi vào tình huống "tay phải đánh tay trái".
"Lạm phát khuyến mại" là một hiện tượng trong marketing, xảy ra khi các doanh nghiệp đổ tiền vào chi phí bán hàng, khuyến mại để thu hút khách, nhưng lại không đẩy được hàng, làm mất đi giá trị kích thích mua sắm. Và chúng ta đang nhìn thấy câu chuyện này trên thị trường", ông Sơn nói.
Các chuyên gia cũng nhận định kênh bán hàng truyền thống vẫn chiếm vai trò chủ đạo và vẫn tiếp tục tăng trưởng trong ít nhất 20 năm nữa bởi thói quen của người tiêu dùng. Trong khi đó, bán hàng đa kênh là xu hướng tất yếu, nhưng cần hiểu vai trò của các kênh để khai thác thế mạnh.
Ông Sơn cho rằng các doanh nghiệp có thể nghĩ đến việc niêm yết giá bán khác nhau cho kênh khác nhau vì động lực người mua hàng khác nhau. Đây là lợi thế mà kênh online cần được tận dụng để giải quyết bài toán gia tăng doanh số và tiết kiệm chi phí.
Ngoài đóng góp về tỉ lệ tăng trưởng, nhiều công ty tận dụng kênh online để thực hiện chiến lược phân bố và bán hàng. Chẳng hạn, với những hàng tốt, xịn hơn thì chỉ chọn kênh online, còn các kênh còn lại bán hàng phổ biến.
Chuyển đổi số để đạt mục đích cuối cùng là "gia tăng doanh số và tiết giảm chi phí", trong đó giảm chi phí logistics và tối ưu các chương trình khuyến mãi.
"Chúng tôi vẫn cho rằng nên dồn chi phí thêm cho kênh truyền thống, đó là các cửa hàng tạp hóa, chợ đang chiếm đến 70% thị phần, hoặc người tiêu dùng cuối. Kinh nghiệm của Thái Lan cho thấy họ kích cầu theo cách thức này và thành công", ông Sơn chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận