29/05/2024 18:55 GMT+7

Đang chủ trì cuộc họp đường cao tốc, bí thư Quảng Ngãi kịp thời xin ý kiến Trung ương gỡ vướng

Chiều 29-5, tại cuộc họp họp tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi kịp thời xin ý kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT để tháo gỡ vướng mắc cho địa phương.

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi - Ảnh: TRẦN MAI

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi - Ảnh: TRẦN MAI

Chiều 29-5, Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi họp với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc cho các dự án tại Quảng Ngãi. Trong đó, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn dù đã bàn giao mặt bằng 99%, nhưng 1% còn lại toàn "ca khó" nên chưa thể bàn giao toàn tuyến.

Để tháo gỡ vướng mắc, bà Bùi Thị Quỳnh Vân - bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi - kịp thời xin ý kiến bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng để giải quyết.

1% mặt bằng cao tốc chưa bàn giao là "ca khó"

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 489,34/494,14ha, đạt 99% tổng diện tích quy hoạch.

Khối lượng còn lại khoảng 4,8ha với 53 hộ dân chưa nhận tiền, chưa bàn giao mặt bằng. 

Vướng mắc lớn nhất ở huyện Tư Nghĩa với 3,3ha chưa thu hồi được. Trên diện tích này có 38 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Vấn đề phát sinh là có đến 82 ngôi nhà.

Ông Nguyễn Đăng Vinh, chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, nêu khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng là do người dân không đồng ý. Họ làm nhà và sinh sống lâu đời. Có thửa đất giấy tờ chỉ có 1 hộ có đất ở, nhưng thực tế có đến 5 căn nhà con chủ đất làm và sinh sống từ lâu.

"Căn cứ theo quy định của pháp luật thì những căn nhà này làm không đúng. Nhưng thực tế nhà người dân làm trên đất tổ tiên để lại và sinh sống ổn định từ rất lâu", ông Vinh nói.

Với những khó khăn trên, ông Vinh cam kết đến 30-6 sẽ cưỡng chế và bàn giao mặt bằng phần đất của 36 hộ, riêng thửa đất của 2 hộ (có 11 căn nhà) nhanh nhất đến 15-7 mới hoàn thành thủ tục hành chính để cưỡng chế.

Các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ cũng phát sinh những vấn đề tương tự.

Với nhiều phương án đưa ra để xử lý, cuộc họp trở nên căng thẳng. Chủ trì cuộc họp, bà Vân khẳng định: "Không nêu khó khăn để dời thời gian, dứt khoát đến 30-6 phải hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn như Thủ tướng đã chỉ đạo".

Theo pháp luật, nhà dân làm trên đất nông nghiệp là sai, nhưng thực tế lại là nhu cầu thật (không phải cố tình làm nhà để được bồi thường), nếu cưỡng chế mà không có phương án sẽ đẩy những gia đình này vào cảnh cực kỳ khó khăn.

Một đoạn vướng giải phóng mặt bằng ở xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi - Ảnh: TRẦN MAI

Một đoạn vướng giải phóng mặt bằng ở xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi - Ảnh: TRẦN MAI

Báo cáo xin ý kiến ngay, kịp thời tháo gỡ

Quyết liệt giải quyết, bí thư Tỉnh ủy ngay lập tức xin ý kiến bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải báo cáo vướng mắc thực tế tại địa phương.

Tiếp tục chủ trì cuộc họp và cho biết: “Tôi vừa báo cáo với bộ trưởng, bộ trưởng đã đồng ý cho tỉnh Quảng Ngãi được sử dụng đất trong các khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc để giao đất, có thu tiền sử dụng đất đối với các hộ dân thuộc diện vướng mắc nêu trên”

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên hành lang cuộc họp, bà Vân cho biết việc trao đổi ngay với bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải để tìm hướng tháo gỡ bởi các diện tích đất này đều phục vụ cho mục đích cao tốc. 

Những hộ nào không đủ điều kiện tiêu chuẩn bồi thường tái định cư nhưng thực tế không có đơn vị đất ở nào khác thì sẽ được xem xét bố trí đưa vào các khu tái định cư và có thu tiền sử dụng đất bằng suất đầu tư của Nhà nước.

Ông Nguyễn Đăng Vinh, chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa - Ảnh: TRẦN MAI

Ông Nguyễn Đăng Vinh, chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa - Ảnh: TRẦN MAI

"Làm nhà trên đất nông nghiệp là không đúng, nhưng các hộ này không có đơn vị đất ở nào khác, bắt buộc tỉnh phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật là quyền có chỗ ở của người dân được Hiến pháp quy định", bà Vân nói thêm.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi báo cáo việc này với bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải bởi nguồn kinh phí xây khu tái định cư cho dân là bộ cấp và tỉnh làm chủ đầu tư.

Tỉnh sẽ xét duyệt để đưa các hộ này vào, sau đó thu lại tiền sử dụng đất để hoàn trả cho bộ.

Cao tốc hơn 11.000 tỉ đồng lo khó vì giải phóng mặt bằngCao tốc hơn 11.000 tỉ đồng lo khó vì giải phóng mặt bằng

Nhà đầu tư dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng trị giá hơn 11.000 tỉ đồng mong tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thi công thông suốt, về đích năm 2026.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên