Ngày 10-9, TAND TP Đà Nẵng xét xử Lê Văn Thiết (35 tuổi), Vũ Văn Lâm (27 tuổi), Vũ Thị Duyên (39 tuổi, cùng trú Bắc Giang) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Hoàng Danh Nam (38 tuổi, trú Đà Nẵng), Ngô Xuân Cường (44 tuổi, trú Thanh Hóa) tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Lén sử dụng điện thoại trong trại giam
Theo cáo trạng, năm 2022, theo hợp đồng đã ký, anh N.N.S. - đại diện Công ty M. (Đà Nẵng) liên hệ Công ty thép I. (TP.HCM) đặt mua 149.694kg thép loại chữ I, thép tấm để chở đến Hội An (Quảng Nam).
Công ty M. đã chuyển hơn 3,6 tỉ đồng cho đối tác để mua lô hàng và được xuất hóa đơn.
Anh S. gọi điện cho một người để thuê vận chuyển thép trên về Hội An, nhưng do giá cả nên người này không nhận, mà giới thiệu cho anh N.V.T. (trú Quảng Ngãi). Thỏa thuận giá xong, anh T. đăng thông tin lên mạng để thuê các xe tải vận chuyển.
Thời điểm này, Thiết đang chấp hành án phạt tù tại trại giam Hoàng Tiến về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Thiết có mua 1 điện thoại di động và 3 sim rác của phạm nhân Dương Công Lý để lén sử dụng trong trại giam.
Do từng làm phụ xe nên Thiết biết được sơ hở trong việc các doanh nghiệp vận tải thường thỏa thuận, trao đổi qua điện thoại, không gặp trực tiếp để làm hợp đồng và khi giao nhận hàng hóa không có chủ hàng đi cùng.
Thiết đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản và liên lạc, rủ Lâm tham gia.
Thiết gọi đến tổng đài 1068 để xin thông tin các công ty có nhu cầu vận chuyển hàng hóa.
Khi có thông tin, số điện thoại của anh T., Thiết gọi và nói dối là nhân viên Công ty TNHH Thái Hiền, có khả năng vận tải hàng hóa.
Qua trao đổi, Thiết đồng ý nhận vận chuyển số sắt thép trên cho anh T. với giá thỏa thuận.
Tin lời nên anh T. gọi báo cho anh S. và gửi số của Thiết để liên hệ.
Thiết, Lâm gọi cho anh S. và giới thiệu là nhân viên Công ty vận tải Thái Hiền.
Thiết chỉ đạo Lâm lập Zalo mang tên Thái Hiền để liên lạc với các lái xe, chủ hàng, đồng thời yêu cầu Lâm vào TP.HCM để lấy hóa đơn giao hàng từ các lái xe nhằm che giấu nguồn gốc, xuất xứ khi bán.
Đóng giả là chủ hàng
Để chuẩn bị cho việc chiếm đoạt số sắt thép, Thiết liên hệ với nhiều người làm dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa và nói dối là chủ lô hàng để thuê xe tải, tài xế.
Đồng thời Thiết tìm kiếm những người có nhu cầu mua sắt thép phế liệu để bán số hàng.
Sau khi biết Nam là chủ cơ sở mua bán sắt phế liệu, Thiết đã liên hệ. Sau đó chỉ đạo Lâm yêu cầu lái xe chụp hình lô sắt thép gửi cho Nam.
Xem hình ảnh, biết rõ lô sắt thép còn mới, không phải hàng phế liệu và không có giấy tờ nhưng Nam vẫn đồng ý mua với giá từ 12.000-12.500 đồng/kg.
Thỏa thuận mua hàng lô sắt thép trên xong, Nam gọi điện cho Cường - giám đốc công ty thép ở Hà Nội - để bán, kiếm lời.
Cường tiếp tục tìm người mua để bán lại. Biết rõ số sắt thép này không có giấy tờ gì nhưng Cường đã chỉ đạo nhân viên xuất hóa đơn cho hàng nhằm hợp thức hóa giấy tờ…
Thiết còn gọi điện, chỉ đạo Duyên tìm tài khoản ngân hàng để nhận tiền bán lô sắt thép.
Nhận được tiền do chiếm đoạt lô sắt thép thì Thiết, Lâm, Duyên tắt máy, hủy kết bạn Zalo với những người liên quan và vứt sim điện thoại để tránh bị phát hiện.
Sau khi nhận được một xe đầu kéo hàng, anh S. chưa thấy số còn lại và không thể liên hệ được với Thiết, Lâm. Nghi ngờ lô hàng bị chiếm đoạt nên anh S. trình báo công an.
Cáo trạng cáo buộc từ 25-4-2022 đến 8-5-2022, mặc dù là người đang chấp hành án tại trại giam Hoàng Tiến, nhưng Thiết đã sử dụng điện thoại di động liên lạc ra bên ngoài câu kết với Lâm, Duyên cùng nhau bàn bạc, đưa ra thông tin gian dối, giả làm nhân viên công ty vận chuyển để nhận chở thuê lô hàng sắt thép của anh N.N.S..
Thiết, Lâm nói dối mình là chủ hàng để thuê các lái xe tải vận chuyển rồi chiếm đoạt, bán lại cho người khác lô sắt thép có khối lượng trên 115 tấn, trị giá hơn 2,5 tỉ đồng.
Nam, Cường biết rõ lô sắt thép trên là hàng hóa bất hợp pháp nhưng vẫn tiêu thụ cho Thiết và đồng phạm nhằm thu lợi bất chính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận