Mới đây, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự sơ và phúc thẩm của tòa án hai cấp tỉnh Tây Ninh xét xử Phan Thành Mạnh (52 tuổi, ngụ huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) về tội hủy hoại rừng.
Chặt phá cây trồng rừng cho cây mì phát triển
Theo hồ sơ, năm 2012, Ban quản lý khu rừng văn hóa - lịch sử Chàng Riệc (Ban quản lý) ký hợp đồng khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng với ông Lê Ngọc Tuyên phần diện tích 5,8ha đất trồng rừng tại lô 29, khoảnh 2 và lô 36, khoảnh 4, tiểu khu 15 khu rừng Chàng Riệc theo mô hình DK5 (trồng sao, dầu, keo).
Năm 2014, ông Tuyên lập hợp đồng viết tay sang nhượng diện tích được giao khoán nêu trên cho ông Mạnh tiếp tục chăm sóc, bảo vệ rừng, canh tác trồng xen cây nông nghiệp.
Từ năm 2015 - 2018, ông Mạnh trồng cây khoai mì xen lẫn toàn bộ diện tích rừng, nhưng do cây rừng phát triển nhanh, che ánh sáng làm cây khoai mì không phát triển nên ông Mạnh đã chặt bỏ 939 cây rừng các loại.
Tổng diện tích bị hủy hoại là 9.582m2, với thiệt hại theo kết luận định giá tài sản là 86,2 triệu đồng.
Với hành vi trên, năm 2020 tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tây Ninh đã tuyên phạt ông Mạnh 3 năm tù về tội hủy hoại rừng. Sau đó bản án này bị Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM hủy án. Năm 2022, tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tây Ninh xét xử lại và tuyên phạt ông Mạnh 7 năm tù về tội hủy hoại rừng.
Mới đây, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM quyết định kháng nghị hai bản án trên và đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy toàn bộ hai bản án này để điều tra lại.
Ông Mạnh đang chấp hành hình phạt tù ở Bình Phước được 9 tháng thì được tạm đình chỉ thi hành án.
Căn cứ buộc tội chưa chặt chẽ
Theo đó, viện kiểm sát cho rằng để xác định là rừng phải đạt được cả 3 tiêu chí tại điều 3 thông tư 34/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và nếu mật độ cây trồng dưới 1.000 cây/ha thì được xác định là đất chưa có rừng.
Căn cứ biên bản xác định diện tích rừng bị hủy hoại do Hạt kiểm lâm huyện Tân Biên và Ban quản lý lập, kết luận mật độ cây trồng theo mô hình DK5 rừng trồng năm 2012 đối với 2 lô trên là 980 cây/ha. Như vậy, tiêu chí mật độ cây trồng mô hình DK5 tại tỉnh Tây Ninh có sai sót, chưa đủ chuẩn 1.000 cây/ha.
Theo kết quả điều tra xác định từ năm 2015 - 2018, ông Mạnh chặt tổng cộng 939 cây cho thấy cây giống mà ông và ông Tuyên thực nhận để trồng và mật độ cây trồng thực tế trên phần đất được khoán là thấp hơn rất nhiều so với thiết kế của mô hình DK5.
Từ đó, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM khẳng định phần diện tích 5,8ha như trên là chưa thành rừng, nên chưa đủ căn cứ xử lý ông Mạnh tội hủy hoại rừng.
Ngoài ra, quyết định kháng nghị giám đốc thẩm còn cho rằng Cơ quan điều tra Công an huyện Tân Biên trưng cầu giám định tư pháp đối với tổ chức không có chức năng giám định tư pháp, trưng cầu trực tiếp cá nhân không phù hợp về mặt chuyên môn, kết luận giám định không khách quan trong việc xác định đất rừng… nên không thể sử dụng làm chứng cứ để giải quyết vụ án, gây bất lợi cho ông Mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận