Phóng to |
Chiều 30-9, người dân xã Điện Nam Đông (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) chặn đường phản ứng nhà máy thép của Công ty TNHH Việt Pháp gây ô nhiễm - Ảnh: Trường Trung |
Trước đó, liên tục trong ba ngày từ 28 đến 30-9, hàng trăm người dân địa phương đã lập lán trại, bao vây nhà máy yêu cầu chấm dứt tình trạng ô nhiễm. Sáng 1-10, tại UBND xã Điện Nam Đông, Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Quảng Nam đã có cuộc họp công bố kết quả kiểm tra toàn diện Công ty TNHH Việt Pháp và đối thoại trực tiếp với hơn 300 người dân về vấn đề ô nhiễm do công ty này gây ra.
Dân tự quay clip ô nhiễm gửi tỉnh
Ngay sau khi nghe Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh thông báo biên bản kiểm tra công tác bảo vệ môi trường Công ty TNHH Việt Pháp, nhiều người dân đã tỏ ra bức xúc, không thỏa mãn với kết luận này. Ông Trần Văn Tuấn (tổ 1) nói: “Từ hồi nhà máy về đây gây ô nhiễm, chúng tôi đã bao nhiêu lần phản ảnh, bao nhiêu lần chính quyền về họp giải quyết nhưng vẫn vậy. Đến nỗi chúng tôi phải quay clip làm hai đĩa gửi cho tỉnh mà đêm về vẫn phải ngước lên trời ngửi khói bụi, hỏi chúng tôi sống sao nổi?”.
Bà Lê Thị Tư (tổ 3) cũng nói: “Bụi đến mức ly tách trong nhà ba ngày không rửa thì bụi đóng như hạt mè. Ô nhiễm quá chúng tôi mới phải rào chắn, yêu cầu nhà máy ngưng hoạt động chứ không ai muốn vậy”.
Không khí buổi đối thoại tiếp tục nóng khi nhiều ý kiến của người dân bức bách yêu cầu không khắc phục ô nhiễm thì đề nghị di dời nhà máy đi nơi khác. Ông Trần Dũng hỏi thẳng giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường: “Anh Công (Dương Chí Công, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường - PV) nghĩ gì khi phê duyệt đưa nhà máy vô giữa khu dân cư? Anh có xem clip chúng tôi gửi, có thấy xót xa nếu con anh phải sống trong ô nhiễm như chúng tôi không?”.
Lập đường dây nóng báo ô nhiễm
Tại buổi đối thoại, ông Lê Trí Thanh - chủ tịch UBND huyện Điện Bàn - chia sẻ: “Sau lần đối thoại gần đây nhất huyện đã tổ chức đoàn có cả phó chủ tịch UBND tỉnh, đại diện nhà máy thép và các sở ban ngành ra các nhà máy thép có công suất lớn gấp 10 lần Công ty Việt Pháp để xem họ hoạt động, sau đó cũng có kết luận chỉ đạo tại chỗ. Khi bà con phản ảnh, chúng tôi cũng liên tục có văn bản báo cáo nhưng thẩm quyền quyết định là của tỉnh. Bây giờ đã có kết luận của tỉnh nên mong bà con hết sức bình tĩnh để công ty giải quyết”.
Bà Võ Thị Ngọc - chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Pháp - thừa nhận hạn chế trong quá trình xử lý khói bụi và mùi khét: “Chúng tôi sẽ hết sức cố gắng làm mọi thứ trong khả năng để bảo vệ công ty, bảo vệ người dân”. Bà Ngọc cũng bày tỏ mong muốn chính quyền và người dân tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp hoạt động chứ cứ làm văn bản buộc ngừng hoạt động mà không chỉ ra lỗi thì doanh nghiệp chết.
Ông Dương Chí Công yêu cầu Công ty TNHH Việt Pháp phải xem lại giải pháp lọc túi vải hay phun nước để xử lý triệt để vấn đề bụi ô nhiễm cho người dân. Ngoài ra, ông Công yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc bảy nội dung chỉ đạo của tỉnh.
“Chúng tôi sẽ báo cáo lên tỉnh nhưng mong bà con thông cảm cho doanh nghiệp. Sở sẽ có thông báo bằng văn bản số điện thoại đường dây nóng để bất cứ khi nào người dân điện thoại thì đoàn sẽ có mặt kiểm tra. Trước mắt, sẽ cho nhà máy hoạt động trở lại trong 10 ngày để quan trắc và lấy mẫu từ 5-7 ngày thay vì 1-2 ngày như trước đây” - ông Công nói.
Người dân muốn có cam kết Chiều 2-10, người dân địa phương vẫn lập lán trại và phân công nhau thay phiên canh không cho Công ty TNHH Việt Pháp tháo dỡ. Ông Lê Tư Thành Công, một trong những người dân được cắt cử ở tại lán trại, cho biết: “Bao nhiêu lần đối thoại rồi nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Chúng tôi yêu cầu nhà máy phải giải quyết rốt ráo, triệt để vấn nạn ô nhiễm. Chúng tôi muốn chính quyền và nhà máy phải ký cam kết, chịu trách nhiệm rõ ràng bằng giấy tờ hẳn hoi, chứ không thì tình hình vẫn như những lần đối thoại trước”. Theo ông Thân Cầu - chủ tịch UBND xã Điện Nam Đông: “địa phương đã nói hết lời với người dân. Trước mắt chúng tôi cử lực lượng giữ an ninh trật tự, tránh xảy ra xô xát như những lần trước”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận