Phóng to |
Nguyễn Quốc Dân và một tác phẩm phi lập thể với phấn - Ảnh: Pierre Thạch |
Phấn ở đây là phấn viết bảng, thứ đang biệt tích nơi giảng đường, công sở. Người ta lãng quên nó, còn Dân muốn nó quay trở lại với một chức năng mới: trở thành phương tiện biểu đạt của họa sĩ, nhất là với trường phái phi lập thể (non-cubism) mà Dân kiên định theo đuổi suốt mấy năm qua.
Dòng tranh phi lập thể đã được Nguyễn Quốc Dân giới thiệu rộng rãi đến công chúng từ tháng 9-2011. Lựa chọn và xác lập lối đi riêng ngay từ khi rời Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, chàng họa sĩ 30 tuổi quê ở Hội An, lao động miệt mài, tuân thủ từng nguyên tắc mình đặt ra đến mức ngỡ như cụm từ “nghệ sĩ phóng túng” xa lạ với anh. Bởi thế, Dân đảm bảo mỗi năm có một triển lãm cá nhân và Phi lập thể - Phấn là triển lãm lần thứ ba, được thực hiện với cả hai hình thức trực tiếp (kéo dài đến ngày 27-1) và trực tuyến.
10 tác phẩm khổ lớn, chiều rộng tới 4m được Nguyễn Quốc Dân thực hiện, trưng bày tại triển lãm lần 3 không tuân theo những quy tắc mảng miếng và hình khối, không phối màu theo lối truyền thống mà dùng những dây màu nằm cạnh nhau để tạo tương tác, va đập thị giác. Theo cách này, họa sĩ thể hiện tác phẩm một cách ngẫu hứng chỉ với những viên phấn cầm trên tay, gần với hình ảnh của nghệ sĩ vẽ graffity trên đường phố.
Không nhất thiết phải đến địa điểm triển lãm là chung cư số 36 Đinh Bộ Lĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, chỉ cần truy cập www.facebook.com/cordteam hoặc YouTube, công chúng có thể chứng kiến từng khoảnh khắc họa sĩ dùng phấn màu không bụi để thể hiện dòng cảm xúc trên bảng đen. Bảy thành viên trong nhóm các bạn trẻ tình nguyện có tên Cord Team, mỗi người một vai trò, từ quản trị trang Facebook, chụp ảnh, quay clip... đã cùng “tường thuật trực tuyến” mọi công đoạn từ khâu chuẩn bị cho đến khi toàn bộ các sáng tác được hoàn thành.
Không gian vẽ, trưng bày để từ đó truyền bá tác phẩm qua kênh online cũng khá độc đáo. Rất tình cờ, Dân và những người bạn của mình thuê được trong ít ngày cả một chung cư mini có hai tầng hầm đang bỏ không với mức giá chỉ vài triệu đồng tại 36 Đinh Bộ Lĩnh, Q.Bình Thạnh. Dân bảo: “Tôi và các bạn tình nguyện chỉ mong sao có thể nói cho nhiều người biết về tác dụng của những viên phấn bình thường trong hội họa. Không bôi bẩn các bức tường, phấn có thể làm đẹp thành phố, vừa an toàn lại không tốn kém. Công chúng sẽ ngạc nhiên thấy phấn thích hợp, làm đẹp cho nhiều không gian khác nhau, giúp truyền tải thông điệp, cảm xúc và thẩm mỹ ở mọi lúc mọi nơi một cách dễ dàng, hiệu quả”.
Một điều đáng kể nữa ở họa sĩ từng được Đài truyền hình NHK của Nhật Bản thực hiện chương trình riêng này, đó là Dân chưa bán bất cứ một bức tranh nào sau các triển lãm, dù có người trả giá cao. Anh vẫn cặm cụi làm những công việc như trang trí, thiết kế nhận diện thương hiệu... để nuôi nghề, chuẩn bị cho các dự án mới. “Đường còn dài, phải cực đoan thôi, vì mình đang theo đuổi công việc của người nghệ sĩ chứ không phải của người bán tranh...” - Dân nói và cười như chưa hề vướng muộn phiền và nỗi lo cơm áo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận