Dù xuất phát điểm khác nhau nhưng cả Đan Trường và Cẩm Ly đều đã rất nỗ lực trên hành trình chinh phục đam mê ca hát.
Cẩm Ly và con đường đến gần khán giả
Cẩm Ly sinh năm 1970 trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Sau cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP.HCM năm 1993, cô vẫn chưa đi hát vì tính tình vốn nhút nhát.
Phải tới khi cùng em gái Minh Tuyết đoạt giải nhất trong cuộc thi tuyển chọn ca sĩ của Nhà hát Hòa Bình, Cẩm Ly mới chính thức bước vào nghề.
Cẩm Ly tâm sự rằng thời điểm ấy cô gặp vô vàn khó khăn. Vừa tập tành đi hát đã gặp ngay sự cố mất giọng phải điều trị một thời gian dài.
Tới khi khỏi bệnh và đi hát với Minh Tuyết thì không lâu sau lại phải từ biệt nhau vì em gái đi Mỹ vào năm 1997.
Sau đó, cô tìm đến ca sĩ Cảnh Hàn để kết hợp thành một cặp song ca mới, nhưng người này lại sớm bỏ ca hát chuyển sang làm kinh doanh.
Vì chán nản, Cẩm Ly quyết định nghỉ hát một thời gian rồi trở lại bằng việc góp giọng trong ca khúc Huynh đệ song hành được Hãng Kim Lợi mời thu âm cùng Lam Trường.
Cẩm Ly dần nổi tiếng hơn với các ca khúc như Người về cuối phố, Bờ bến lạ, Thương nhớ người dưng, Mây chiều... Năm 2001 và 2002, cô đoạt giải Làn sóng xanh và giải Mai vàng.
Quyết định sẽ hát dòng nhạc mà mình thích nhất, Cẩm Ly bắt tay vào thu âm nhiều album mang âm hưởng dân ca, trữ tình.
Một cách tình cờ, việc rẽ hướng đã giúp Cẩm Ly có thêm đối tượng khán giả mới. Rất nhiều chương trình, giải thưởng ghi nhận sự thành công của cô với dòng nhạc quê hương này.
Cẩm Ly cũng chính là cái tên liên tục được vinh danh tại Làn sóng xanh từ năm 2000 đến năm 2008, sau đó quay trở lại trong năm 2011, 2014 và 2015. "Làn sóng xanh là nhịp cầu nối đưa tôi tới gần với khán giả hơn.
Đó là nơi phản ánh đúng những bài công chúng yêu thích. Đến tận bây giờ, những bài hát đó vẫn còn được nghe nhiều, ca sĩ hát tới đâu thì khán giả đều hát theo được đến đó" - nữ ca sĩ chia sẻ.
Đan Trường - cậu công nhân gầy gò đổi đời bằng âm nhạc
Đan Trường nhỏ hơn Cẩm Ly 6 tuổi. Phải tới khi đạt đỉnh cao của sự nghiệp, khán giả mới biết tới quá khứ vất vả của anh.
Cái tên thứ hai là Bo cũng được lấy cảm hứng từ món cơm độn bo bo thuở gia đình anh còn khó khăn. Học xong lớp 12, Đan Trường đi học nghề thợ tiện.
Cái nghèo luôn thôi thúc Đan Trường phải làm gì đó để thay đổi hoàn cảnh gia đình.
Anh tham gia một cuộc thi ca hát và đoạt giải nhì rồi bắt đầu đi biểu diễn ở một số sân khấu nhỏ.
Khi đó cát xê của Lam Trường là 8 - 10 triệu đồng, còn Đan Trường hát một đêm được 25.000 đồng.
Bước ngoặt đến vào năm 1997 khi Đan Trường gặp ông bầu Hoàng Tuấn lúc đang biểu diễn tại Thảo cầm viên.
Những ca khúc Cantopop nhạc Hoa lời Việt thập niên 1990 do Đan Trường thể hiện nhanh chóng phủ sóng khắp nơi, cùng hình ảnh thư sinh điển trai với mái tóc bổ luống "huyền thoại".
Sau thành công của ca khúc Kiếp ve sầu vào năm 1997, Đan Trường thừa thắng xông lên tung ra thêm album Đi về nơi xa giúp tên tuổi anh thêm phổ biến.
Từ năm 2000, Đan Trường liên tục ra mắt nhiều CD như Bóng dáng thiên thần (2000), Lời ru tình (2001), Trái tim bình yên - Dòng sông băng (2002), Đến một lúc nào đó (2004), Thập nhị mỹ nhân (2007)...
Đan Trường trở thành hiện tượng trên thị trường âm nhạc vào lúc đó với nhiều kỷ lục doanh thu thương mại băng cassette, CD, karaoke...
Anh từng bảy lần liên tiếp nhận giải Ca sĩ được yêu thích nhất của Làn sóng xanh và quyết định rút khỏi giải thưởng để nhường cơ hội cho những thế hệ tiếp theo.
Đan Trường - Cẩm Ly: cặp đôi song ca ăn ý
Đan Trường và Cẩm Ly lần đầu kết hợp vào năm 1999 trong album Nếu phôi pha ngày mai và giành chiến thắng thuyết phục tại Làn sóng xanh năm đó.
Tên tuổi cả hai nhanh chóng vụt sáng với hàng chục bản hit nối đuôi nhau ra đời: Ảo mộng tình yêu, Khung trời ngày xưa, Tuyết hồng, Hoàn Châu cách cách, Mưa buồn, Trở lại phút cuối, Nụ hồng hờ hững...
Năm 2002, cặp đôi ra album chung thứ hai Mùa thu kỷ niệm tiếp tục phủ sóng thị trường băng đĩa lúc bấy giờ.
Cả Đan Trường và Cẩm Ly đều thừa nhận họ đã từng hát song ca với nhiều đồng nghiệp nhưng không thể tạo được dấu ấn đậm nét như vậy. Cả hai là cặp đôi song ca ăn ý nhất trong làng nhạc Việt kể cả ở mảng nhạc trẻ lẫn dân ca.
Đan Trường thừa nhận chính Cẩm Ly là người đã khiến anh yêu thích dòng nhạc dân ca, sau đó đi theo và thành công với dòng nhạc này.
Thành công nhất là bài Chim trắng mồ côi của Minh Vy, Hồng Xương Long đã giúp cả hai đoạt giải Mai vàng 2005, hạng mục Nam/nữ ca sĩ nhạc âm hưởng dân ca.
"Tôi và Trường rất hiểu nhau. Hai đứa ăn ý về mọi thứ, từ giọng hát, hình thể, chiều cao cho tới tính cách. Chúng tôi không bao giờ cãi cọ. Trường rất hiền và lành tính.
Thường khi thảo luận về hát hò, Trường hay chiều ý tôi. Dù giờ không thường xuyên hát chung nữa nhưng Trường mãi mãi là người thân của tôi" - Cẩm Ly trải lòng.
Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường:
Tôi noi gương anh Bo Đan Trường, chị Tư Cẩm Ly
"Anh Bo là thần tượng của Cường thời còn nhỏ xíu. Cường mê tới nỗi hồi xưa không bài nào của anh Bo là không thuộc, còn để tóc hai mái, hát và bắt chước theo giọng của anh Bo, nói chung là mê lắm.
Còn chị Ly thì Cường mê mấy bài dân ca của chị, nhờ chị mà Cường cảm thấy nhạc dân ca dễ thương và ngày càng yêu nó.
Hồi đó đi đâu cũng thấy hình anh Bo, đến đâu cũng nghe nhạc chị Tư. Hình ảnh và âm nhạc của anh chị có thể nói là phủ sóng một cách khủng khiếp.
Sự yêu nghề, sự nghiêm túc, sự tôn trọng khán giả là điều mà ai cũng có thể thấy được ở anh chị. Chính bản thân Cường cũng noi gương anh chị rất nhiều". (T.VŨ ghi)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận