Bà María, một trong những phụ nữ ở Costa Rica đã từng hơn một lần với người Trung Quốc để lấy tiền - Ảnh: BBC
Theo đài BBC (Anh), một phụ nữ 46 tuổi người Costa Rica có tên là María từng được đề nghị kết hôn với một người đàn ông Trung Quốc với giá 175 USD để người này có thể nhập tịch vào Costa Rica.
Vào thời điểm nhận được đề nghị này, bà María đang sống tại một trong những khu vực nghèo nhất ở San José, thủ đô của Costa Rica và đang rất sốt ruột lo kiếm nguồn thu nuôi sống gia đình.
"Chúng tôi chẳng có gì ăn cả", bà giải thích cho việc vì sao nhận lời đề nghị đó.
Kết hôn thành… một nghề
Tình huống của bà María không hiếm tại nơi bà sinh sống. Thường xuyên có một luật sư hay một người môi giới trung gian nào đó sẽ đi tìm kiếm những người túng thiếu nhất và thuyết phục họ kết hôn với một người nước ngoài họ chưa từng gặp.
"Họ đi tìm những con mồi… Những người ở đây đang rất thiếu thốn. Dù mức lợi ích như thế nào, người ta vẫn chấp nhận nó ngay mà không cần suy nghĩ", một người dân tại đây giải thích.
Bà María kết hôn mà thậm chí không cần rời khỏi nơi cư trú. Bà chỉ phải bước vào một chiếc xe hơi, ký vào giấy đăng ký kết hôn, nhận khoản tiền 175 USD theo hợp đồng và hiểu rằng bà có thể ly hôn sau đó bất cứ lúc nào.
Bà kể lại: "Họ chỉ đưa cho tôi bức ảnh một người đàn ông Trung Quốc rồi bảo ‘María à, bà sẽ lấy người đàn ông Trung Quốc này’".
Trong trường hợp của bà María, người môi giới sau đó cũng đã trở lại với những giấy tờ làm thủ tục ly hôn. Vài năm sau, bà lại kết hôn với một người Trung Quốc khác. Một vài cô con gái của bà, và ngay cả chồng bà, cũng đã có những vụ kết hôn giả tương tự để lấy tiền.
Vì sao là Costa Rica?
Theo nhà nghiên cứu Alonso Rodríguez, hầu hết những người Trung Quốc di cư tới Costa Rica và muốn nhập tịch vào đây đều xuất phát từ tỉnh Quảng Đông ở miền nam Trung Quốc.
Nhiều người chọn tới Costa Rica vì chính sách di trú thoải mái của họ và cũng vì đây là quốc gia có tiếng là tương đối an toàn.
Quốc gia Trung Mỹ này có một "lịch sử dài" là điểm đến quen thuộc của nhiều người Trung Quốc. Những người Trung Quốc đầu tiên di cư tới đây từ những năm 1855.
Tuy nhiên theo ông Alonso Rodríguez, những di dân Trung Quốc tới Costa Rica hiện nay nhằm tới một điểm đến cuối cùng không phải là đất nước này. "Với nhiều người, đó là cửa ngõ để vào Mỹ", ông nói.
Nếu ở lại Costa Rica, họ thường mở các cửa hàng kinh doanh. "Họ thích nghi rất nhanh với cuộc sống ở đây", ông Rodríguez giải thích.
Thủ đô San José của Costa Rica có riêng một khu "Phố Tàu" (Chinatown) - Ảnh: BBC
"Phần nổi của tảng băng"
Chính phủ Costa Rica cho biết câu chuyện của bà María là một phần của vấn đề nghiêm trọng hơn mà quy mô của nó rất khó lường.
Phó công tố viên nhà nước, ông Guillermo Fernández, cho biết cơ quan ông hiện đang điều tra hơn 1.000 vụ việc nghi là kết hôn giả. Ông thừa nhận con số đó chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".
Trong khi đó, giám đốc văn phòng di trú Costa Rica, bà Gisela Yockchen, cho rằng có một "chợ đen" kết hôn giả do các mạng lưới tội phạm ở Costa Rica đang điều hành.
Theo bà Gisela Yockchen, nhóm "mafia" này hoạt động theo nhiều dạng thức khác nhau, trong đó cũng có chuyện một số kẻ đánh cắp thông tin nhân thân của người khác rồi làm thủ tục kết hôn giữa họ với những người nước ngoài đang có nhu cầu được cư trú hợp pháp hoặc thậm chí là nhập tịch Costa Rica.
Đã có những nạn nhân đầu tiên của các thủ đoạn lừa đảo này tá hỏa khi phát hiện tình trạng hôn nhân của họ chuyển từ độc thân sang đã có gia đình mà họ không hề hay biết.
Trong những trường hợp khác là các công dân chấp nhận kết hôn với một người nước ngoài xa lạ để có tiền, sau đó mắc kẹt khi không thể giải quyết thủ tục ly hôn như những hứa hẹn ban đầu của những kẻ môi giới.
Cũng theo bà Gisela Yockchen, ngay bản thân nhiều người nước ngoài cũng vô tình trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo.
Một văn bản chính thức của nhà chức trách Costa Rica cho thấy một người Trung Quốc vì không biết tiếng Tây Ban Nha đã ký vào một tờ giấy mà anh này tưởng là đơn xin cư trú, song hóa ra lại là một tờ giấy đăng ký kết hôn.
Siết chặt luật
Theo bà Gisela Yockchen, một luật nhập cư chặt chẽ hơn ban hành năm 2010 của Costa Rica đã giải quyết được phần nào nạn kết hôn giả. Theo luật đó, các văn phòng công chúng và những cơ quan khác có dính líu vào những vụ kết hôn giả có thể bị phạt tù tới 5 năm.
Cũng kể từ đó, quyền công dân thường trú không được tự động cấp cho những người nước ngoài chỉ vì họ đã kết hôn với một công dân Costa Rica nữa.
Theo đó, sau khi kết hôn, quyền cư trú của người nước ngoài sẽ được gia hạn mỗi năm một lần và sau 3 năm, một người nước ngoài mới được phép nộp đơn xin cấp quyền công dân thường trú tại Costa Rica.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận