16/01/2019 18:55 GMT+7

Dân Trung Quốc dậy sóng vì Đài Loan cho Nhật mượn 'quốc bảo'

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Truyền thông và dân mạng Trung Quốc dậy sóng sau khi Bảo tàng Cố cung ở Đài Loan cho Nhật Bản mượn trưng bày một tác phẩm thư pháp quý hiếm có từ thời nhà Đường cách đây 1.200 năm.

Dân Trung Quốc dậy sóng vì Đài Loan cho Nhật mượn quốc bảo - Ảnh 1.

Một phần của tác phẩm Tế Điệt Cảo của nhà thư pháp Nhan Chân Khanh - Ảnh: NPM

Báo Taiwan News () ngày 16-1 cho biết kiệt tác thư pháp Tế Điệt Cảo của nhà thư pháp Nhan Chân Khanh (709-785) dự kiến sẽ được trưng bày tại Bảo tàng quốc gia Tokyo của Nhật Bản từ hôm nay (16-1) cho tới ngày 24-2.

Nhan Chân Khanh là một nhà thư pháp hàng đầu của Trung Quốc và là một vị quan thái thú trung thành thời nhà Đường. Tế Điệt Cảo hay Tế Điệt Văn Cảo - bài tế người cháu Nhan Quý Minh - là tác phẩm thư pháp mà ông còn để lại nổi tiếng nhất.

Cộng đồng mạng Trung Quốc đại lục đổ dồn sự chú ý vào câu chuyện này sau khi mạng xã hội Weibo xuất hiện một bài đăng cho biết Bảo tàng Cố cung Đài Loan (NPM) vừa mới cho Nhật Bản mượn tác phẩm trên trưng bày. Kèm theo đó là hình ảnh tấm bảng thông báo triển lãm của Bảo tàng quốc gia Tokyo.

Dân Trung Quốc dậy sóng vì Đài Loan cho Nhật mượn quốc bảo - Ảnh 2.

Tấm bảng thông báo về thời gian diễn ra cuộc triển lãm của Bảo tàng quốc gia Tokyo ở Nhật Bản. Ba chữ to nhất trên tấm bảng là tên nhà thư pháp Nhan Chân Khanh - Ảnh: Taiwan News

Đến hết ngày 15-1, dòng hashtag Tế Điệt Văn Cảo đã nhận hơn 230 triệu lượt xem, thu hút 146.000 bình luận. Nhiều người đã bày tỏ sự tức giận khi biết thông tin này. Một số người thậm chí liên kết vụ việc này với những mâu thuẫn lịch sử giữa Trung Quốc và Nhật Bản thời chiến tranh.

"Thật sự nhục nhã. Tác phẩm này đại diện cho con tim và linh hồn của Trung Quốc nhưng giờ họ lại đưa tới Nhật Bản. Hành động này là một sự xúc phạm đối với tổ tiên của chúng ta", Đài BBC dẫn bình luận của một người dùng Weibo.

Một số người dùng thậm chí kêu gọi "thu hồi Đài Loan bằng vũ lực" sau câu chuyện này. Họ nói rằng hành động của bảo tàng ở Đài Loan sẽ làm hư hỏng "quốc bảo".

Truyền thông nhà nước Trung Quốc sau đó cũng nhảy vào mổ xẻ câu chuyện này. Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc viết rằng tác phẩm thư pháp trên có khả năng bị hư hại nếu được mang tận sang Nhật trưng bày, chẳng hạn ánh sáng mặt trời sẽ làm hư giấy cổ.

Tuy nhiên, phía Bảo tàng Cố cung Đài Loan khẳng định tác phẩm thư pháp 1.200 năm tuổi này vẫn "bền và phù hợp cho các cuộc triển lãm ở nước ngoài". Đồng thời, bảo tàng cho biết các biện pháp bảo quản như sử dụng kính che chắn sẽ được thực hiện khi trưng bày tác phẩm này tại Nhật Bản.

Tế Điệt Cảo cùng nhiều cổ vật Trung Hoa được mang tới Đài Loan vào thập niên 1940 trong thời kỳ nội chiến Trung Quốc. Tác phẩm thư pháp này nằm dưới sự quản lý nghiêm ngặt của Bảo tàng Cố cung ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan.

Đây là lần thứ hai Tế Điệt Cảo được trưng bày ở nước ngoài. Đài Loan đã cho Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Mỹ ở thủ đô Washington mượn trưng bày vào năm 1997.

Dân Trung Quốc dậy sóng vì Đài Loan cho Nhật mượn quốc bảo - Ảnh 3.

Bảo tàng Cố cung Đài Loan cho biết tác phẩm thư pháp Tế Điệt Cảo sẽ được bảo quản bằng công nghệ hiện đại khi đưa tới Nhật Bản triển lãm - Ảnh: NPM

Dân Trung Quốc dậy sóng vì Đài Loan cho Nhật mượn quốc bảo - Ảnh 4.

Bảo tàng Cố cung ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan - Ảnh: NPM

Triển lãm sách và thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Thái Lan

TTO - Tu viện Vườn Ươm thuộc Trung tâm tu học Làng Mai Thái Lan cho biết sẽ tổ chức cuộc triển lãm nghệ thuật thư pháp và sách của thiền sư Nhất Hạnh tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Bangkok từ ngày 23-1 đến 17-2-2019.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên