Người hâm mộ cổ vũ cho tuyển Hàn Quốc trong trận Hàn Quốc - Thụy Điển trên sân vận động Nizhny Novgorod ngày 18-6 - Ảnh: TÂN HOA XÃ
Tối qua 18-6 (theo giờ Việt Nam), Hàn Quốc và Thụy Điển đã có trận mở màn ở bảng F trên sân vận động Nizhny Novgorod. Chơi không dưới cơ, nhưng Hàn Quốc đã thua Thụy Điển 0-1, sau khi trung vệ Granqvist của "Blagult" ghi bàn thắng trên chấm phạt đền vào phút 65.
Hãng tin Reuters dẫn lời những người bỏ trốn khỏi cho biết, khi đội tuyển Hàn Quốc có trận mở màn tại vòng chung kết 2018 ở Nga hôm qua, người dân Triều Tiên có thể cũng sẽ cổ vũ cho đội tuyển đến từ xứ sở kim chi.
Bóng đá là một trong những môn thể thao phổ biến nhất đối với người Triều Tiên, bên cạnh bóng chuyền và bóng bàn. Do đó, người Triều Tiên có thể sẽ quan tâm rất nhiều tới các trận đấu của Hàn Quốc thông qua truyền hình.
"Bóng đá được yêu chuộng vô cùng tại Triều Tiên vì đây là môn thể thao giúp tăng cường sự đoàn kết và tính tập thể, mà vốn là những yếu tố cần thiết trong xã hội Triều Tiên", một người bỏ trốn khỏi Triều Tiên hiện sinh sống ở Hàn Quốc cho biết.
Nhiều người đào tẩu Triều Tiên cho rằng các trận đấu tại World Cup năm nay có thể được phát trên truyền hình ở Triều Tiên, mặc dù thời gian chiếu có khả năng bị chậm trễ. Bởi lẽ, theo truyền thống, World Cup là một trong những chương trình được nhiều người xem nhất tại Triều Tiên.
Hong Kang Cheol, một người bỏ trốn khỏi Triều Tiên hiện sống ở Hàn Quốc, trả lời phỏng vấn: "Dĩ nhiên người Triều Tiên sẽ ủng hộ cho tuyển Hàn Quốc, mặc dù quan hệ liên Triều vẫn chưa cải thiện hoàn toàn".
Trong những tháng gần đây, Bình Nhưỡng và Seoul liên tục tổ chức đối thoại để giảm căng thẳng liên quan tới vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Thể thao là một trong những kênh trung tâm trong các hoạt động này. Hồi tháng 2, Triều Tiên đã cử đoàn vận động viên tới dự Thế vận hội mùa đông 2018 ở PyeongChang.
Gần nhất, ngày 18-6, đại diện Hàn Quốc và Triều Tiên cũng tổ chức đối thoại ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm để thảo luận về vấn đề giao lưu thể thao giữa hai miền. Tuy nhiên, việc thảo luận về phát sóng World Cup tại Triều Tiên không nằm trong chương trình nghị sự.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - một người yêu thích bóng rổ và cũng là bạn "tâm giao" của cựu ngôi sao bóng rổ người Mỹ Dennis Rodman - đã đưa thể thao trở thành một phần trong tham vọng của ông nhằm biến Triều Tiên thành một "cường quốc thể thao", theo Reuters.
Đội tuyển quốc gia của Triều Tiên có biệt danh là Chollima (Thiên lý mã), đã thất bại tại vòng loại và không lọt vào vòng chung kết năm nay.
Trong khi đó, Hàn Quốc có 10 lần tham dự vòng chung kết World Cup, và nếu tính luôn World Cup 2018, đây là lần thứ 9 liên tiếp đội bóng xứ kim chi đến với giải đấu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận