Phản ánh với Tuổi Trẻ Online, người dân ở thôn Đá Mài Trên, xã Phước Kháng cho biết từ năm 2020 đã xảy ra tình trạng trâu bị mắc bẫy của người đặt bẫy thú rừng nhiều lần.
Từ đầu năm 2024 đến nay đã có 15 con trâu của 2 hộ dân mắc bẫy thú chết, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
"Đầu cơ nghiệp" nối đuôi nhau biến mất vì bẫy thú
Gia đình ông Katơr Lội ở thôn Đá Mài Trên là một trong những hộ dân bị thiệt hại nặng nề nhất, khi có đến 14 con trâu mắc bẫy chết trong thời gian ngắn vừa qua.
Dẫn chúng tôi ra chuồng trâu đang có một con khoảng 3 năm tuổi, ông Katơr Lội rưng rưng nói: "Con trâu đực này là con trâu duy nhất còn lại. Đàn trâu 17 con đã mắc bẫy chết hết 14 con, còn ba con trâu con do cha mẹ chết nên đã đi lạc chưa tìm ra được".
"17 con trâu mắc bẫy chết và mất tích coi như tôi mất hết. Hiện giá một trâu đực hơn 4 năm tuổi có thể bán hơn 20 triệu đồng. Nếu tính 14 con trâu chết thì gia đình mất trắng hơn 200 triệu đồng" - ông Lợi buồn bã nói.
Theo ông Lợi, khu vực trâu mắc bẫy thú chết có tên gọi là Suối Nhông, giáp ranh giữa các xã Phước Kháng, Phước Trung và Phước Chính (huyện Bác Ái).
"Ngày trước chưa về nơi ở hiện tại, bà con thả rông trâu vào rừng tự nhiên này để tìm kiếm thức ăn. Bà con chăn thả trâu từ năm 1990 đến nay" - ông Lợi nói.
Ông Chamaléa Hiêu, chủ tịch UBND xã Phước Kháng, cho biết 15 con trâu mắc bẫy thú chết nằm ở khu vực Suối Nhông do Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu quản lý. Hiện khu vực này có khoảng 7 hộ dân đang chăn thả trâu rông trong rừng.
Ông Hiêu nói: "Các hộ dân đều đã chăn nuôi trâu tại khu vực trên từ năm 1990 đến nay, việc mất trâu của các hộ dân bắt đầu phát hiện từ năm 2020, khi các thành viên trong gia đình các hộ đi kiểm tra thì thấy trâu bị đánh bẫy nhiều lần, có trường hợp chỉ còn bộ xương trâu".
Theo ông Hiêu, do khu vực trâu mắc bẫy chết giáp ranh với hai Phước Trung, Phước Chính của huyện Bác Ái nên địa phương đang phối hợp với UBND huyện, Công an huyện này và Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắc - Sông Trâu để điều tra.
Sau khi có kết quả điều tra, sẽ nghiên cứu báo cáo các ngành liên quan có chính sách hỗ trợ bà con.
Ông Hiêu khuyến cáo bà con chăn thả trâu tại khu vực trên nên có người giám sát để phát hiện, tháo gỡ các bẫy thú, tránh xảy ra các trường hợp tương tự.
Nếu người dân phát hiện người đặt bẫy thú, thì nhanh chóng báo ngay cho địa phương để xử lý kịp thời.
Theo người dân cho biết, những chiếc bẫy thú rừng trâu mắc phải thường được làm bằng sợi cáp lấy từ dây phanh xe máy hoặc xe đạp.
Thậm chí, người dân còn phát hiện cả bẫy bàn chông được làm từ các đinh sắt. Khi trâu mắc phải, nếu chậm được phát hiện có thể khiến trâu chết, nếu không chết thì cũng gây thối rữa, sưng tấy.
Tháo gỡ hơn 15 bẫy thú
Liên quan đến vấn đề trên, ông Hoàng Lộc, trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu, cho biết sau khi nhận được phản ánh của người dân, ban đã thành lập đoàn kiểm tra và tháo gỡ hơn 15 bẫy của người đặt bẫy thú rừng.
Ông Lộc khẳng định: "Khu vực trâu bị mắc bẫy chết là rừng tự nhiên, không có trường hợp trâu chết trong rừng đang trồng. Khu vực này thường xuyên có người dân đặt bẫy thú rừng. Do việc đặt bẫy diễn ra lén lút nên đơn vị không phát hiện tháo gỡ kịp thời".
Ông Lộc cho biết thời gian tới ban quản lý rừng tiếp tục tăng cường thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra, truy quét, mục đích khi phát hiện bẫy săn thú sẽ tiến hành tháo dỡ ngay,…
"Các hộ dân có đàn gia súc đang thả trong rừng phải có sự kiểm soát, di dời, tự bảo vệ đàn gia súc của mình, tránh trường hợp tiếp diễn xảy ra vào thời gian tới" - ông Lộc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận