22/08/2017 14:57 GMT+7

Dân TP.HCM ít đi xe buýt, tại sao?

PHẠM TỬ VĂN
PHẠM TỬ VĂN

TTO - Là một người sống ở TP.HCM gần 10 năm và từng là hành khách trung thành của một vài tuyến buýt, bạn đọc Phạm Tử Văn đưa ra hai lý do khiến người dân ở TP.HCM ít lựa chọn xe buýt để đi so với Hà Nội.

Nhiều hành khách ở Hà Nội lựa chọn xe buýt nhanh - Ảnh: CHÍ TUỆ

Nhằm góp ý và kiểm soát xe cá nhân, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu ý kiến này.

"Tại sao lại có ít người ở TP.HCM lựa chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển? Sẽ có rất nhiều lý do được mọi người đưa ra để trả lời cho câu hỏi đó, nhưng với tôi - một người sống ở thành phố này gần 10 năm và từng là hành khách trung thành của một vài tuyến buýt - thì có hai lý do chính.

1. Để hành khách lên, xuống cửa nào cũng được

Từ trước đến nay, với những xe buýt có hai cửa lên xuống rõ ràng thì đều dán dòng chữ “Cửa lên” ở phần cửa đầu xe và “Cửa xuống” ở phần cửa giữa xe hoặc cuối xe. Tuy nhiên hành khách vẫn cứ thích cửa nào thì bước lên, ngồi gần cửa nào thì bước xuống mà chẳng mấy ai để tâm đến dòng chữ này.

Rất nhiều lần tôi đã bị người xuống (hoặc lên) ngược chiều lại với mình chen lấn, xô đẩy, thậm chí một vài lần còn bị ăn mắng theo kiểu “tôi chưa lên sao anh đã xuống”.

Còn nhớ khoảng 10 năm trước khi tôi còn sống ở Hà Nội, trong một lần đi xe buýt thay vì đi lên bằng cửa trước như quy định, tôi đã “lon ton” lên bằng cửa sau. Trong khi tôi còn đang loay hoay tìm chỗ đứng thì anh nhân viên bán vé đã đi lại và mời tôi xuống xe để lên bằng cửa trước.

Trước thái độ cương quyết của anh, tôi đã thực hiện theo yêu cầu. Khi đến bên để xé vé cho tôi, anh nhân viên có giải thích rằng lên xuống đúng theo quy định là văn hóa khi đi xe buýt.

Mặt khác, việc lên bằng cửa trước, xuống bằng cửa sau sẽ khiến luồng lưu thông hai chiều trên xe sẽ được dễ dàng, không tạo ra cảnh xô đẩy hoặc chờ đợi ở hai cửa, từ đó cũng hạn chế được kẻ gian móc túi.

Việc lên xuống xe đúng cửa phụ thuộc rất lớn vào ý thức của hành khách. Nhưng nhân viên trên xe cũng cần phải cương quyết yêu cầu hành khách thực hiện đúng theo quy định này. Một vài lần như thế, hành khách sẽ theo thói quen để lên xuống đúng cửa, không còn tình cảnh lộn xộn, cãi cọ ở ngay cửa xe nữa.

Có lẽ vì làm được điều này mà sau này có đi xe buýt ở Hà Nội, tôi để ý thấy rất ít hành khách lên xuống sai cửa. Loa trên xe thông báo sắp tới điểm dừng nào là hành khách đã di chuyển dần lại cửa sau, để cửa mở là chỉ việc đi xuống.

2. Các tài xế không chịu cho xe “xếp hàng” khi đến trạm buýt

Nếu như ở Hà Nội, khi các xe buýt đến điểm dừng cùng một lúc thì phần lớn các xe sẽ thực hiện theo nguyên tắc: xe nào đến trước sẽ đậu trước, xe đến sau sẽ đợi cho xe kia rời đi mới từ từ di chuyển lên để mở cửa đón trả khách. Dù cho điểm dừng đó không có ai xuống hoặc không có ai vẫy tay đi lên thì xe cũng vẫn dừng lại, thực hiện xong thao tác mở (đóng) cửa rồi mới chạy.

Có thể nhiều người cho hành động không có ai vẫy tay lên (nhấn chuông xin xuống) mà tài xế lại vẫn đóng (mở) cửa là hành động dư thừa, mất thời gian nhưng đây được cho là văn hóa của xe buýt. Bởi khi thói quen đi xe buýt đã hình thành, xe luôn dừng và đỗ đúng điểm thì hành khách không cần phải đưa tay ra vẫy, xe vẫn cứ “xếp hàng” để dừng lại đón - trả khách đúng theo quy định.

Còn tại TP.HCM thì nguyên tắc này rất ít được các tài xế tuân thủ. Tức là xe đến trước đang dừng lại ở điểm buýt để đón - trả khách; xe đến sau sẽ sẵn sàng phóng vượt lên để đậu trước xe kia, buộc xe đến trước đón xong khách phải từ từ bẻ lái sang bên rồi mới đi được.

Vì không chịu “xếp hàng” nên nhiều trường hợp xe buýt đang tính bỏ trạm chạy luôn đi thì bỗng nhiên thấy hành khách vẫy tay, đã vội bẻ lái, tạt đầu các phương tiện khác để vào trạm bắt khách. 

Bởi vậy mà nhiều khi ở cùng một trạm buýt có tới hai chiếc xe buýt đang dàn hàng ngang, khiến làn đường đã chật hẹp lại càng chật hẹp hơn nữa.

Việc đến trạm theo kiểu “tôi thích thì tôi đậu vượt lên trên” không chỉ gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông khác mà còn khiến hành khách phải chạy theo để lên xe, có khi chạy chưa tới nơi thì cửa xe đã đóng lại và xe chạy mất hút về trước.

Bản thân tôi đã rất nhiều lần rơi vào tình cảnh dở khóc, dở cười như thế.

Do đó mà hơn ai hết, chính các bác tài phải là người có ý thức cao nhất trong chuyện này, không thể đổ cho lý do “nếu không làm vậy thì về bến trễ, sẽ bị phạt” - như lần tôi từng hỏi một tài xế lái xe tuyến 04 từ An Sương về Bến Thành được.

Bởi nếu các xe chịu “xếp hàng” khi đến trạm thì đường sá bớt kẹt xe, cộng thêm chuyện hành khách tuân thủ đúng theo quy định lên xuống đúng cửa, không còn cảnh chen lấn, đợi chờ ở cửa thì xe sẽ nhanh chóng rời trạm để về bến đúng giờ.

Nếu khắc phục thêm được hai điều trên đây, tôi tin là “văn hóa xe buýt” sẽ hình thành, từ đó người dân TP.HCM sẽ có thiện cảm để lựa chọn hình thức di chuyển này nhiều hơn trong tương lai.

Mời góp ý phát triển xe buýt

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là vấn đề quan trọng để triển khai ngay nhằm tiến tới việc kiểm soát sử dụng xe cá nhân, góp phần hạn chế tình trạng kẹt xe.

Làm sao để xe buýt tăng sức thu hút với hành khách? Mời bạn đọc tham gia diễn đàn bằng những câu chuyện cụ thể, những giải pháp khả thi... Ý kiến gửi về báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc email: [email protected], [email protected].

PHẠM TỬ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên