Đến ngày 10-2 đã có hơn 1 triệu ôtô dán thẻ định danh để thực hiện thu phí điện tử tự động không dừng, trong số này có gần 49% xe thực hiện trả phí tự động - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Phản ảnh với Tuổi Trẻ Online, anh Nguyễn Văn Hải (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết cuối năm 2020 anh mua xe cũ và chủ xe trước đó đã dán thẻ Etag của Công ty VETC nhưng không sử dụng, cần kích hoạt lại tài khoản để thực hiện ETC khi qua trạm thu phí.
Thấy nhân viên của Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC - cung cấp dịch vụ ETC giai đoạn 2 với thẻ ePass) tổ chức dán thẻ miễn phí tại khu nhà anh ở, anh muốn chuyển sang dán thẻ ePass.
Nhưng nhân viên đề nghị anh phải hủy tài khoản Etag mới được dán thẻ ePass. Bởi vì Tổng cục Đường bộ yêu cầu xe đã dán thẻ Etag phải hủy tài khoản thu phí mới được dán thẻ ePass và ngược lại để tránh cạnh tranh không lành mạnh, lãng phí thẻ đã dán.
"Tôi gọi điện lên tổng đài của VETC thì được hướng dẫn mang xe và giấy tờ đến 167 Trung Kính, Hà Nội để hủy tài khoản thu phí. Cuối năm bận công việc, tôi chưa đi hủy tài khoản được nên dịp tết vừa rồi đành trả phí bằng tiền mặt dù lo nguy cơ lây dịch COVID-19 từ giao dịch tiền mặt ở trạm thu phí. Nếu có chính sách làm thủ tục hủy dịch vụ online thuận lợi như ngồi tại nhà đổi bằng lái xe thì tiện hơn cho khách hàng" - anh Hải đề xuất.
Tương tự, anh Dương Tiến (ở Hà Nội) cho biết xe anh dán thẻ Etag của VETC ở đèn xe nhưng bị hỏng nên định dùng thẻ ePass ở điểm dán của Viettel Store gần nhà. Nhưng phía VETC chỉ thực hiện đóng tài khoản thu phí tại trụ sở của họ trong giờ hành chính, còn anh lại bận công việc vào thời gian này.
Cách đây vài năm, khi VETC mới cung cấp dịch vụ ETC đã tổ chức dán thẻ Etag tại nhiều trung tâm đăng kiểm. Nhưng lúc đó số trạm thu phí ETC còn ít nên nhiều chủ xe không sử dụng, quên luôn mật khẩu tài khoản thu phí. Đến nay, khi nhiều trạm thu phí có ETC, nhiều chủ xe muốn kích hoạt lại tài khoản. Có người muốn đổi thẻ Etag đã dán sang thẻ ePass của VDTC vì những lý do khác nhau.
Xe dán thẻ thu phí không dừng và đủ tiền trong tài khoản khi qua trạm thu phí không cần dừng xe trả tiền mặt, giảm thời gian chờ đợi, không bị ảnh hưởng thời tiết lúc mưa to, nắng nóng, hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19 - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hồ Trọng Vinh - phó tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC - cho biết: "Với xe dán thẻ Etag mà quên mật khẩu tài khoản, chỉ cần gọi số tổng đài của VETC cung cấp thông tin để lấy lại mật khẩu.
Trường hợp muốn hủy tài khoản của thẻ Etag cần liên hệ qua tổng đài để đến điểm gần nhất thực hiện hủy tài khoản. Chúng tôi chưa cung cấp dịch vụ hủy online vì không xác minh được xe nào chính chủ, dễ nảy sinh khiếu kiện sau này".
Ông Vinh khuyến cáo chủ xe nên kích hoạt lại tài khoản để sử dụng. Bởi vì xe dán thẻ Etag hay ePass đều liên thông qua mọi trạm thu phí, không phân biệt dịch vụ ETC tại trạm đó công ty nào cung cấp. Với đề xuất giữ thẻ nhưng chuyển tài khoản giữa VETC và VDTC theo kiểu "chuyển mạng giữ số", ông Vinh cho biết hai bên chưa bàn đến vấn đề này.
Theo một chuyên gia công nghệ, ETC giống như dịch vụ công nghệ thông tin. Nếu thỏa mãn khách hàng bằng các cơ chế tiện lợi theo nhu cầu của họ sẽ thu hút được nhiều người sử dụng ETC hơn.
Việc dán thẻ lần 2 mất chi phí 120.000 đồng không phải là trở ngại với nhiều người, nhưng họ lại ngại chạy mấy chục cây số đến điểm hủy thẻ. Do đó, cơ quan quản lý có thể cho cơ chế chuyển đổi trực tuyến hay "chuyển mạng giữ số", không bắt khách hàng chạy tới tận nơi để hủy thẻ bên này dán thẻ bên kia, như vậy sẽ có lợi cho tất cả các bên.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng - phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến ngày 10-2-2021 đã có 1.083.898 xe dán thẻ định danh để nộp phí ETC, trong đó xe sử dụng dịch vụ ETC tăng lên 48,69%.
Để tăng lượng xe sử dụng ETC, Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ hình thành các điểm dịch vụ, đại lý dán thẻ, tăng cường tuyên truyền về dịch vụ ETC tới chủ xe.
Với ý kiến về thay đổi, hủy tài khoản thu phí online, chuyển đổi tài khoản giữa VETC và VDTC như "chuyển mạng giữ số", ông Thắng cho biết Tổng cục Đường bộ đang phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ nghiên cứu cơ sở pháp lý và các giải pháp để triển khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận