Trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Praram 9 tại thủ đô Bangkok được bảo vệ phòng virus lúc mới chào đời - Ảnh: REUTERS
Theo nhật báo Bangkok Post ngày 12-4, kết quả thăm dò dư luận của Đại học Suan Dusit Rajabhat vừa công bố cho thấy gần 90% người được hỏi tỏ ra lo lắng về tình hình lây lan dịch hiện tại.
Cuộc thăm dò thực hiện với 2.970 người dân ở khắp đất nước trong thời gian từ ngày 7 đến 10-4 còn cho thấy đa số người dân mong muốn lớn nhất lúc này là chính quyền của Thủ tướng Prayut Chan-O-cha phải nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và giá cả hàng hóa.
Chưa tin vào giải pháp của chính phủ
Thăm dò cho thấy có đến 58,75% số người được hỏi cho biết chưa tin tưởng vào các biện pháp của chính quyền trong việc ngăn chặn dịch, trong đó 36,09% chưa tin tưởng lắm và 22,66% không hề tin tưởng chút nào. Nhưng với số còn lại thì có 33,07% nói khá tin tưởng và 8,18% "rất tin tưởng".
Khi hỏi về những mối lo nhiều nhất của họ vào lúc này (có thể nêu nhiều mối lo), 87,68% nêu khả năng chính quyền không kiểm soát được tình hình dịch bệnh lây lan; 86,71% lo về đội ngũ y tế không đủ khả năng phòng dịch; 85,11% thấy lo về khả năng bị lây nhiễm; 77,14% lo không đủ tiền tiêu mỗi ngày; 76,59% lo cho công việc làm; 76,32% lo về chuyện đi lại; 74,32% lo không mua được đồ vệ sinh phòng dịch như nước khử khuẩn tay, khẩu trang, giấy vệ sinh; 73,23% lo nợ nần không trả được; và 71,64% lo thiếu thực phẩm.
Mua bán thực phẩm ở chợ nhỏ tại thủ đô Bangkok ngày 11-4 - Ảnh: REUTERS
Với câu hỏi mong chính quyền ưu tiên việc gì, 87,10% nói về việc ngăn chận dịch lây lan; 71,38% nói đến kìm giữ giá cả thực phẩm; 68,22% mong muốn xét nghiệm bệnh mở rộng; 65,49% mong giảm giá điện, nước hoặc cho miễn phí điện, nước...
Cấm tụ tập và cấm bán rượu bia
Chính quyền đã từng bước thực thi các biện pháp cứng rắn hơn, đặc biệt trước ngày tết cổ truyền Songkran (lễ hội té nước mừng năm mới).
Ngày 10-4, Thủ tướng Prayut đã kêu gọi người dân ở trong nhà trong dịp tết cổ truyền Songkran (diễn ra từ ngày 13 đến 15-4) để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.
Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Prayut cũng cảnh báo người dân không ra khỏi nhà hay tham gia các buổi tiệc ở bất kỳ địa điểm nào. Chính phủ Thái Lan đã chính thức hoãn kỳ nghỉ và hoạt động té nước trên toàn quốc dịp tết Songkran do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.
Hôm 9-4, chính quyền Bangkok cũng đã ban hành lệnh cấm bán rượu, bia ở thủ đô trong 10 ngày kể từ ngày 10-4, tức ngay trước dịp lễ cổ truyền. Trước đó, 9 tỉnh thành khác tại Thái Lan đã ban hành các lệnh cấm tương tự đến gần hết tháng 4.
Thủ tướng Prayut Chan-O-cha cũng đã thông báo điều chỉnh lại lệnh giới nghiêm đối với một số đối tượng, cho phép một số nhóm hoặc khu vực được miễn trừ lệnh cấm ra khỏi nhà vào ban đêm để tạo thuận lợi cho công việc của họ.
Sắc lệnh vừa ký của ông Prayut cho phép những người làm việc trong những lĩnh vực nhất định được làm việc trong thời gian giới nghiêm từ 22h hôm trước đến 4h sáng hôm sau.
Những người đi giao thực phẩm ngồi chờ lấy hàng ở khu nhà hàng, quán ăn trong trung tâm thương mại ở thủ đô Bangkok ngày 10-4 - Ảnh: REUTERS
Nguy cơ lây nhiễm trong nhà
Theo Hãng tin Reuters, ngày 12-4, Thái Lan đã xác nhận thêm 33 ca dương tính với SARS-CoV-2 và 3 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này lên 2.551 người, trong đó có 38 trường hợp tử vong.
Ông Taweesin Wisanuyothin - người phát ngôn của Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái - cho biết 3 ca tử vong gồm 2 bệnh nhân nam 77 và 44 tuổi và một bệnh nhân nữ 65 tuổi.
Như vậy, đây là ngày thứ tư liên tiếp số ca nhiễm mới được ghi nhận hằng ngày ở Thái Lan dừng ở mức hai con số và theo chiều hướng giảm dần.
Thủ đô Bangkok hiện là địa phương có số ca dương tính nhiều nhất nhưng tỉ lệ lây nhiễm cao nhất được ghi nhận ở tỉnh Phuket.
Theo báo Bangkok Post, Chính phủ Thái Lan cũng cảnh báo người dân về nguy cơ tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 trong nhà sau khi nhiều ca lây nhiễm được ghi nhận trong các thành viên gia đình trong khoảng thời gian từ ngày 4 đến 10-4.
Số liệu của Trung tâm CCSA cho thấy trong có 144 trường hợp, chiếm 29% trong số 495 ca nhiễm mới được ghi nhận trong thời gian nói trên, là những người tiếp xúc gần với các bệnh nhân COVID-19 và có tới 56% trong nhóm này lây nhiễm virus corona từ các thành viên gia đình, đặc biệt là vợ, chồng.
Nhóm có số lượng các ca lây nhiễm cao thứ hai là tại nơi làm việc (chiếm 23%), các cuộc tụ tập xã hội (chiếm 18%) và những nguồn khác (chiếm 3%).
Chính phủ Thái Lan đã ban bố Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp từ ngày 26-3 đến 30-4 nhằm hạn chế người dân đi lại và buộc họ ở trong nhà nhằm chặn đứng sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Trong số các chỉ thị được ban hành theo sắc lệnh trên có lệnh cấm tụ tập đông người gây nhiễu loạn xã hội và lệnh giới nghiêm trên toàn quốc từ 22h hôm trước đến 4h hôm sau từ ngày 3-4. Chỉ có những nhà chức trách thi hành công vụ và nhân viên y tế cùng bệnh nhân cấp cứu mới được miễn trừ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận